Cô giáo rèn học sinh cá biệt thành thủ khoa đại học

Nguyễn Vũ Xuân Trường vốn là một học sinh cá biệt, từng bị đuổi khỏi trường, việc học hành nhiều phen “đứt gánh”. Thế nhưng, nhờ sự tận tụy của cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thân, người học trò ngỗ ngược đó đã từng bước sửa mình, và đạt điểm thi cao nhất khi thi vào ĐH Y Dược TPHCM năm 2000.

Quá khứ đen tối

 

"Bây giờ ngồi nghĩ lại thời đó, chính mình cũng không tưởng tượng được" - bác sĩ Nguyễn Vũ Xuân Trường bắt đầu câu chuyện đời mình bằng lời thú nhận thành thật.

 

Thời kỳ "oai hùng" của Trường kéo dài khá lâu nhưng "lừng lẫy" nhất là lúc học lớp 10A4 Trường PTTH Hùng Vương (TPHCM). Đá banh trong sân trường, đi học trễ, cúp cua, leo tường, phá bàn ghế, đốt pháo trong nhà vệ sinh, đánh nhau... là những chuyện thường xuyên có mặt Trường.

 

Học sinh đánh nhau không lạ, nhưng phải huy động lực lượng Cảnh sát 113 vào cuộc can thiệp thì quả thực... mới nghe lần đầu. "Mà lạ, cái gì càng cấm thì càng muốn làm bằng được", cho nên dù không muốn nhưng thầy chủ nhiệm phải đặt bút phê vào học bạ của Trường: "Vi phạm nội quy có hệ thống".

 

Nói là lớp 10 nhưng ngay từ hồi Trường còn bé, người mẹ tội nghiệp của Trường đã nhiều lần phải tới trường với tư cách không lấy gì làm tự hào cho lắm - phụ huynh của một học sinh cá biệt. Luôn tiên phong trong các trò nghịch ngợm, Trường cũng "tiên phong" trong hàng ngũ đội sổ của lớp - một kỷ lục mà nhiều năm liền anh không chịu "nhường" cho ai. Năm lớp 10, điểm của Trường chỉ vừa đủ để không bị lưu ban, tức chỉ 3,5 điểm và hơn một tí cho tất cả các môn.

 

Cho rằng đây là một học sinh không thể cải hóa, ban giám hiệu "mời" Trường ra khỏi trường ngay đầu năm lớp 11. Trường bắt đầu một chặng đường 3 năm dang dở: nửa tháng trời phụ giữ xe ở chợ Hoàng Hoa Thám, bị đuổi khỏi Trường dạy nghề Lý Tự Trọng vì đánh nhau, rồi làm sắt mỹ nghệ...

 

Một ngày nọ, khát vọng trở lại trường học cháy bỏng trong Trường.

 

Đổi đời

 

Ba năm bỏ bê đèn sách, mất kiến thức căn bản, và 20 tuổi để bắt đầu đi học trở lại... đó là những khó khăn thách thức Trường trên con đường mới.

 

Ngay khi còn chưa biết phải làm gì thì cô Trần Thị Thân - cô giáo chủ nhiệm của anh tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, đã dìu anh những bước đầu tiên khó nhọc. Ngoài giờ học trên lớp, giờ ra chơi, sau giờ tan học, hay những buổi tối tại nhà, cô và trò đã từng bước khuất phục sự "khiêu khích" đáng ghét của môn Hóa - môn yếu nhất của Trường.

 

Không chỉ bài vở, từ những cái nhỏ nhất như ăn mặc, đầu tóc, những trăn trở về tâm lý, cô Thân luôn là nơi mà Trường "tìm về" những lúc người mẹ tảo tần bận bịu cho việc kiếm sống. Một lần bị cô phạt đứng ở góc lớp cả tiết học vì không thuộc bài, lần đầu tiên Trường ý thức về lỗi lầm của mình.

 

Cứ thế, ngoài việc đi làm thêm, Trường lại vùi đầu vào sách vở. Một học kỳ, rồi thêm một học kỳ nấu sử sôi kinh, từ chỗ mất căn bản, anh học trò lớn tuổi nhất lớp này đã tiến thẳng lên hạng nhất của lớp, điểm số môn nào cũng cao vút, và còn đạt được số điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi bổ túc môn toán cấp thành phố.

 

Nhưng điều mà có lẽ chưa một học sinh cá biệt nào có thể làm được chính là việc giành được số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2000 với 26,5 điểm (năm đó, Trường có điểm thi 3 môn cao nhất trường chưa tính ưu tiên khu vực, đối tượng và điểm thưởng).

 

Vừa học vừa làm thêm, giành học bổng từ Pháp, Ý... Trường vượt qua được 6 năm đại học. Được nhận về khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tương lai rộng mở trước mặt Trường.

 

Dù đã từng là một học sinh cá biệt, dù học bổ túc... nhưng cánh cửa tương lai không hề đóng lại với những thanh niên đầy quyết tâm và được thầy cô tận tình dìu dắt. 

 

Theo Hà Ánh
Mực Tím/TNO