Cô giáo người Mông với những ước mơ giản dị

(Dân trí) - Mơ học sinh đến lớp đầy đủ, chăm chỉ học tập, mơ các em được mặc áo ấm, được ăn no bụng, mơ các em học sinh gái đừng lấy chồng sớm...

Đó là những ước mơ giản dị của nhà giáo ưu tú Hầu Thị Sải, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.
 
Cô giáo người Mông với những ước mơ giản dị  - 1
Cô giáo Hầu Thị Sải.
 
Cô giáo xóa bỏ những hủ tục lạc hậu

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Việt Bắc năm 1981, cô giáo Hầu Thị Sải được phân công công tác tại Trường phổ thông Dân tộc Nội trú, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Mới ra trường, tình yêu nghề mến trẻ, cô giáo Sải đã đem hết lòng, nhiệt huyết của mình giảng dạy và giáo dục học sinh, vừa dạy kiến thức văn hóa, vừa dạy múa, dạy hát cho các em. Những ngày nghỉ, cô đã trèo đèo, lội suối đến các bản làng thăm gia đình học sinh, phối hợp với các phụ huynh động viên các em đi học chuyên cần. 2 năm sau, cô giáo trẻ này đã được phân công làm phó hiệu trưởng.

Niềm vui đến với cô giáo thì nỗi lo lớn đã kéo theo. Ở ngôi trường có học sinh các dân tộc thiểu số học tập, sinh hoạt nội trú, nhiệm vụ các giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ thứ hai trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh từ lời ăn, tiếng nói, biết sống đoàn kết, thân ái... Với lòng nhiệt tình của các cô giáo vậy mà học sinh vẫn cứ bỏ học ngày một đông.

Các em bỏ học với lý do về lấy vợ, lấy chồng theo phong tục, tập quán lạc hậu của địa phương. Một số em nhớ nhà hoặc thích sống tự do, thích về dự các đám cưới xin, ma chay nên các em tự do đi về, dẫn tới bỏ học. Với cương vị là phó hiệu trưởng, cô giáo Sải đã trăn trở nhiều đêm, làm thế nào để thuyết phục các em tiếp tục trở lại trường học tập. Trong khi đó, cô Sải đối mặt với khó khăn trong gia đình là nuôi con nhỏ, chồng cô là bộ đội xa nhà, cùng với cuộc sống bao cấp vô cùng khó khăn. Do quá khó khăn, lúc đó nhiều trường học trong huyện lúc bấy giờ phải đóng cửa vì giáo viên không đủ ăn, không thể ở lại trường, thậm chí nhiều giáo viên đã bỏ nghề đi buôn để kiếm sống.

Sau nhiều đêm ngày suy nghĩ, cô giáo Sải chỉ còn cách là thuyết phục đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh noi theo gương Bác Hồ với suy nghĩ, Bác đã vì nước, vì dân không ngại gian khổ, hy sinh, nhịn đói, nhịn khát, chịu rét, khắc phục mọi khó khăn để hoạt động cách mạng mới đem lại ngày độc lập tự do cho nhân dân và đất nước. Những khó khăn bây giờ chỉ là tạm thời... Sau nhiều ngày kiên trì thuyết phục, cô giáo Sải đã được lòng phụ huynh và chính họ đã cho con đi học và san sẻ một phần ngô, khoai, gạo, thóc trong nguồn thu nhập ít ỏi của gia đình để cho con em mang tới trường có lương thực ăn, học. Còn các thầy cô giáo thì sáng đến lớp, chiều về tăng gia sản xuất, đi đào củ mài, hái rau rừng để thêm vào bữa ăn.

Theo thời gian, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần. Tuy nhiên, khó khăn nữa là chồng lên vai cô giáo Sải là có học sinh ham học nhưng do tập tục lạc hậu là các em nữ phải lấy chồng sớm để trả nợ.

Trong “cuộc chiến” chống hủ tủ lạc, cô Sải cho biết, kỷ niệm nhớ nhất mà đến tận bây giờ cô vẫn không quên là có em học sinh Dao 12 tuổi bị bố mẹ ép buộc lấy chống, để trừ nợ bạc trắng, từ lúc bố mẹ mượn về để cưới nhau, chú rể lúc đó mới có 10 tuổi. Em đã bị gia đình “nhốt” vào trong nhà. Vào một đêm tối, em đã tìm cách trốn ra khỏi nhà chạy đến trường cầu cứu các thầy cô giáo. Cô đã trực tiếp thuyết phục, can ngăn gia đình nhưng không được, sau đó cô đã đưa em bỏ trốn để qua ngày cưới. Những ngày em học sinh trốn, gia đình đã tới vây trường yêu cầu nhà trường thả con họ. Nhà trường đã báo công an thì mới giải quyết được.

Sau đó, chính cô Sải đã giúp đỡ nữ học sinh người Dao hiếu học này tiếp tục đi học và giúp đỡ em tiếp tục học tập lên nữa và hiện nay em đã tốt nghiệp ĐH Thái Nguyên, có công việc ổn định.

Những công việc xuất phát từ tâm của cô giáo Sải đã góp phần thu hút học sinh tới trường, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, hai năm gần đây Trường phổ trường Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông đã duy trì được sĩ số 100%.

Cô giáo người Mông với những ước mơ giản dị  - 2
Học sinh Hà Nội tặng hoa Nhà giáo Ưu tú Hầu Thị Sải tại buổi gặp mặt đại diện các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tại Hà Nội hôm 18/11/2011.

Quà 20/11 là những nụ cười của học sinh

Không chỉ tận tụy với học sinh, cô giáo Sải liên tục trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy và cách quản lý đưa trường trở thành đơn vị dẫn đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nền nếp và các phong trào hoạt động khác. Giáo viên trong trường luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, trường liên tục được nhận bằng khen của tỉnh và của Bộ GD-ĐT.

Một niềm vui mới vừa đến với cô giáo Hầu Thị Sải khi cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Trong buổi gặp mặt với lãnh đạo Bộ GD-ĐT ngày 18/11 tại Hà Nội, cô Sải cho biết: “Khi làm việc tôi không bao giờ nghĩ đến những bằng khen và giải thưởng. Mình chỉ suy nghĩ làm sao làm tốt công việc của mình. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời giáo viên của tôi”.

28 năm gắn bó với nghề nhưng những ngày 20/11, đến với cô giáo Sải thật giản dị. Món quà của cô là những bông hoa của núi rừng mà các em học sinh hái tặng và những bài hát, điệu múa dân tộc đặc sắc.

“Ước mơ của tôi giờ đây đã trở thành hiện thực, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số trưởng thành từ mái trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông được tiếp tục học lên đã trở thành thầy giáo, cô giáo, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhiều em là sĩ quan quân đội, chiến sĩ công an... Khi về gặp lại tôi, các em đến thăm tôi và gọi với hai từ trìu mến “cô giáo”, nhiều em gọi tôi là “mẹ”. Tình yêu mến của các thế hệ học trò dành cho tôi và sự lớn mạnh của Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông là nguồn cổ vũ động viên tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao” - cô giáo Sải tâm sự.

Hồng Hạnh