Cô giáo khi thương, giận học trò đành “tự hét toáng lên cho mình nghe”

(Dân trí) - Mỗi khi tức giận, hay có lúc vì thương các em quá, cô Lan đành la, hét toáng lên. Ở lớp học khác, điều này thật khủng khiếp nhưng ở đây, cô la cho chính mình nghe, cho vơi nỗi lòng mình chứ các em chỉ cười.

Trong giờ học, tiếng giáo viên vang lên chỉ để phụ họa cho bài giảng, chứ không phải nói cho học trò nghe. Và vài học trò được xem là "khá" nhất lớp cố phát ra những âm thanh nặng nhọc ú ớ. Còn lại, cô trò trao đổi với nhau bằng ký hiệu ngôn ngữ dành cho trẻ đặc biệt. 

Cô Phạm Thị Mộng Lan trong giờ dạy trẻ đặc biệt 

Qua ký hiệu ngôn ngữ, cô giáo Phạm Thị Mộng Lan đang cố gắng dạy học trò phép tính nhân. Cô khen ngợi khi học sinh làm đúng và bạn nào làm sai, cô nhờ học trò khác hỗ trợ... Tất cả đều được thể hiện bằng động tác qua tay.

Cô Lan dạy lớp 2 tại Trường Hy Vọng (quận 6, TPHCM) là nơi dạy học trẻ em khuyết tật. Sĩ số lớp chỉ 7 em thôi nhưng để các em tiến bộ là chuyện không hề đơn giản. Các em có chung hoàn cảnh là trẻ đặc biệt, câm điếc nhưng lứa tuổi khác nhau, tình trạng khác nhau và những khó khăn cũng khác nhau. Nhiều em không hề phát ra được âm thanh nào, không nghe được dù sử dụng máy trợ thính.

Cô giáo khi thương, giận học trò đành “tự hét toáng lên cho mình nghe” - 1

Học sinh lớn tuổi nhất là 14, em nhỏ như cái kẹo, câm điếc lại thêm bị tim bẩm sinh. Có khi bài toán 1+1 thôi nhưng vừa học xong, hỏi lại em không trả lời được nữa. Bố mẹ đưa vào trường khi em đã lớn tuổi nên em học muộn.

Cách đây 18 năm, khi ra trường, có người bạn rủ về ngôi trường đặc biệt này dạy học. Cô Lan gật đầu rồi gắn bó cho đến giờ, cũng đã 18 năm cho dù cô không được đào tạo chuyên ngành Sư phạm đặc biệt. Ban đầu, cô tự mày mò học ngôn ngữ ký hiệu, học cách hiểu học trò, rồi qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, sau nhiều năm khi có điều kiện, cô học thêm về giáo dục đặc biệt.  

Khi buồn cô chỉ biết "hét với lòng mình"

Nơi đây, cô dạy đã khó, các em học còn khó hơn gấp bội. Lên lớp hàng ngày, bên cạnh những niềm vui cùng học trò thì không ít lúc cô buồn và giận vô cùng. Trao được một con chữ cho các em, có khi cô phải làm đi làm lại có chục lần không được. Có những con chữ, bài toán đơn giản lắm, học đi học lại bao nhiêu lần rồi... trả lại cô luôn.

Cô giáo khi thương, giận học trò đành “tự hét toáng lên cho mình nghe” - 2

Chưa kể, cũng có tình trạng nhiều gia đình thấy con bị vậy nên họ cũng mặc kệ luôn, thiếu sự quan tâm. Nên các em sinh ra đã thiệt thòi lại càng thiếu sự hỗ trợ từ chính người thân. 

Có lúc cô Lan giận, cô bực vì thương các em lắm. Những việc bình thường đối với các em sao quá khó khăn. Có lúc, buồn quá, bực quá cô la, hét toáng lên.

Cô hét cho chính mình nghe, để vơi đi nỗi buồn và cả sự căng thẳng trong lòng mình thôi. Chứ các em đâu nghe, đây hay, thậm chí còn cười. 

Sáng kiến từ những khó khăn của học trò

Với trẻ đặc biệt câm điếc, theo cô Lan, khó khăn chính là ngôn ngữ, các em bị hạn chế về ngôn ngữ. Các em không hiểu được ý người khác và người khác cũng không hiểu được các em dễ dẫn đến những tình huống không hay. 

Dạy học ở đây, có khi 10, 11 giờ đêm, phụ huynh vẫn gọi điện để "cầu cứu" cô vì họ không hiểu con mình nói gì, muốn gì. 

Cô Phạm Thị Mộng Lan là một trong hai gương mặt nhà giáo dạy trẻ đặc biệt tại TPHCM được trao giải thưởng Võ Trường Toản 2019 - giải thưởng tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của ngành giáo dục thành phố. 

Nhiều năm qua, sau hành trình dài dạy trẻ đặc biệt, cô Phạm Thị Mộng Lan có nhiều sáng kiến trong dạy học trẻ đặc biệt. Năm 2017là  sáng kiến rèn kỹ năng thực hiện phép chia cho học sinh khiếm thính trung bình, yếu lớp 4; 2018 là sáng kiến về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khiếm thính bậc tiểu học. Và gần nhất là sáng kiến một số biện pháp giúp học sinh khiếm thính học tốt phân môn luyện từ và câu... 

Các sáng kiến này được đưa vào áp dụng, phần nào giúp cho việc dạy học của trò ở ngôi trường đặc biệt trở nên thuận lợi hơn. 

Cô giáo khi thương, giận học trò đành “tự hét toáng lên cho mình nghe” - 3

Cô Mộng Lan chia sẻ, những sáng kiến của mình xuất phát từ chính những khó khăn thực tế mà học sinh gặp phải trong quá trình học, cô mong muốn khắc phục, hỗ trợ các em chút nào hay chút nào. 

Hạnh phúc của cô giản dị lắm. Đó là khi một học trò nào đó tìm được một công việc, hay có em lập gia đình, quay lại mời cô đến dự đám cưới... Chuyện bình thường với mọi người nhưng với học trò của cô, đó là kỳ tích. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm