(Dân trí) - "Nếu cho một cái bánh mì thì ngày mai, có thể họ lại mong chờ chiếc bánh khác. Nhưng nếu trao một cuốn sách, họ biết phải bước ra một chân trời mới, nung nấu để tự thay đổi cuộc đời…".
"Nếu cho một cái bánh mì thì ngày mai, có thể họ lại mong chờ chiếc bánh khác. Nhưng nếu trao một cuốn sách, họ biết phải bước ra một chân trời mới, nung nấu để tự thay đổi cuộc đời…".
Dự án “Sách hay dành cho học sinh tiểu học” do cô giáo dạy Văn Hoàng Thị Thu Hiền, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM khởi xướng từ năm 2016. Chỉ sau 3 năm triển khai, dự án đã đưa hàng trăm ngàn cuốn sách đến với cả ngàn trường tiểu học khắp nơi trên cả nước.
Ít ai biết, dự án này ra đời và quyết "làm cho ra ngô ra khoai" của cô Hiền với động lực là lời "thách đố" từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Từ 8 lời thỉnh cầu và tâm tư của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Giữa năm 2016, khi đang giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cô Hoàng Thị Thu Hiền gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 8 thỉnh cầu về các vấn đề nhức nhối trong giáo dục.
Những lời thỉnh cầu tâm can của cô làm "khuấy động" dư luận thời điểm đó và đích thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã 2 lần trao đổi với cô Hiền. Bộ trưởng chia sẻ với cô, nói thì nhiều người nói rất hay và ai cũng có thể nói được, nhưng làm mới khó. Chính từ lời "thách đố" này, cô Thu Hiền quyết tâm mình phải làm điều gì đó.
"Trong mọi sự giáo dục thì giáo dục nhân cách con người vẫn là yếu tố hàng đầu. Việc quá thiên lệch về nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ giáo dục đạo đức của ngành giáo dục mấy chục năm nay đã thấy được hệ lụy của nó.
Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục của chúng ta phải giáo dục được cho học sinh lòng tự trọng. Bởi có tự trọng thì con người sẽ hạn chế làm điều ác, điều xấu, ra đời sẽ không tham ô, tham nhũng, không chạy chức chạy quyền bằng mọi giá, không vì quyền lợi của mình mà giẫm đạp lên người khác. Những hình ảnh xấu xí của người Việt hiện nay phần lớn cũng do thiếu tự trọng mà ra".
1 trong 8 lời thỉnh cầu của cô Hoàng Thị Thu Hiền gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT năm 2016
Cô Hiền nghĩ ngay đến sách. Cách đây hơn 10 năm, khi việc đọc sách chưa mấy ai nghĩ đến, cô đã trao tặng một tủ sách cho một trường học khó khăn ở Hà Tĩnh.
Nhưng mình lấy đâu ra tiền? Lúc đó, đúng vào mùa lũ, rất nhiều hoạt động kêu gọi ủng hộ miền Trung, ủng hộ tiền, ủng hộ gạo, mì, quần áo... Cô Hiền thử kêu gọi ủng hộ sách trên trang cá nhân. Chính cô cũng không thể tin, chỉ sau vài ngày, cô quyên góp được 150 triệu đồng để đưa sách về Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Giữa mưa bão, ngập lụt, mênh mông nước…, cô Hiền chọn tặng sách. Đã trao đi thì thứ gì cũng quý nhưng cho nhiều về vật chất, tâm lý thông thường của con người dễ ỷ lại, mất đi sự tự lực.
Giá trị cuộc sống nằm ở tâm hồn, tri thức. Sách tạo cơ sở nền tảng lâu dài, gieo vào con người khát vọng, ước mơ, tự tìm ra con đường đi để tự thay đổi cuộc mình.
Cô Hiền nghĩ vậy nên càng quyết tâm làm “thiện nguyện sách”, một cách làm thiện nguyện mới mẻ mà cô nghĩ sẽ góp phần giải quyết những “nan đề” của ngành giáo dục mà cô đã đặt ra trong 8 lời thỉnh cầu và từ lời “thách đố” của bộ trưởng: nói thì dễ, làm mới khó.
Thời điểm ấy cũng là thời điểm về hưu, cô Hiền phát hiện hóa ra mình có khả năng... đi xin tiền. Có người sẵn sàng chuyển ngay vài chục triệu, cả trăm triệu đồng cho cô để làm về sách. "Dự án sách hay cho học sinh tiểu học" ra đời từ đó, tiếp nối thêm nhiều cánh tay thiện nguyện tham gia.
Cho tiền thì lấy, cho sách thì… bận rồi!
Kết nối để tặng sách không hề đơn giản. Trong quá trình kết nối để tặng sách cho các trường tiểu học, cô không ít lần bị “tức ngực", "té ngửa” bởi thái độ đối xử với sách của một số nhà quản lý giáo dục.
Có Trưởng phòng Giáo dục còn nói: “Cho tiền thì chúng tôi lấy, còn sách thì thôi”, “Học trò chỉ cần học trong sách giáo khoa là đủ, cần gì thêm sách nữa cho rối”.
Có nơi, ban đầu khi nghe nói được tài trợ thì rất vui, nhưng khi biết chỉ tặng sách thôi thì không thể nào tiếp cận được nữa. Vì cô biết, học sinh nơi đó đang rất cần, rất khát sách nên cô gọi điện, nhắn tin “cháy cả máy”, rồi tìm đến tận nơi đều bị né tránh.
Cô giáo cũng chùng lòng khi không hiếm nơi, phòng làm việc của hiệu trưởng thì đẹp, rộng, tiện nghi, còn phòng thư viện thì nhỏ bé, nhếch nhác, có nơi thư viện còn được thiết kế khuất ở gần… nhà vệ sinh.
"Rất nhiều trường không có thư viện đúng nghĩa, mà chỉ là một nhà kho để những thứ linh tinh. Những kệ sách thô sơ xiêu vẹo, những căn phòng cũ kỹ như nhà chị Dậu đầy mùi ẩm mốc, chứ không phải của thế kỉ 21 - thời đại của khoa học kĩ thuật công nghệ. Phòng thư viện vừa nhỏ lại vừa xa, có nơi gần nhà vệ sinh nghe mùi khai thối. Những kệ sách trống huơ trống hoác, chỉ có một số sách giáo khoa, sách tài liệu giảng dạy cho thầy cô và chấm hết", cô Hiền tâm tư.
Rồi đến thầy cô giáo, khi sách luân phiên được đưa đến lớp cho học sinh đọc theo kế hoạch thì có khi vẫn để nguyên cả thùng ở góc lớp, không cho học sinh mình đụng tới. Nhiều người thầy sợ thêm việc và sợ mất sách.
Nhưng tất cả không khiến cô Hiền nản chí. Cô vẫn cần mẫn thuyết phục từng nơi cô đến, kiên trì với “thiện nguyện sách” để đưa sách đến càng nhiều học trò càng tốt.
Sách mới là "ông thầy" suốt đời
Là một giáo viên, dành cả tuổi trẻ, thanh xuân cho công việc đứng trên bục giảng nhưng cô Hiền tỉnh táo khi đánh giá vai trò của người thầy.
Cô nhắn nhủ, người thầy trên lớp chỉ là người thầy trong một giai đoạn nhất định, về một lĩnh vực nhất định. Còn sách là người thầy toàn diện, suốt đời cho mỗi người. Sách truyền cảm hứng, ước mơ, khao khát bên trong con người. Đọc sách, cầm cuốn sách trên tay có thể giúp con người thay đổi nhận thức, hành động, từ đó thay đổi số phận, cuộc đời.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền đưa ra nhiều biện pháp để sách đến với học sinh. Trong đó, cô nhấn mạnh, muốn tạo thói quen đọc sách cho các em một cách đồng bộ và cơ bản, Bộ GD-ĐT cần có sự quan tâm thích đáng đến vấn đề này. Trước mắt là đưa tiết đọc sách bắt buộc vào nhà trường như một tiết học chính khoá. Thêm tiết đọc sách bắt buộc vào chương trình từ lớp 1 đến lớp 5 sẽ là yếu tố quan trọng bắt đầu cho việc hình thành thói quen đọc sách nơi học sinh
Hoặc chí ít, theo cô cần có hoạt động ngoại khóa trong chương trình thực hiện hàng tuần, hàng tháng - chứ không phải học kỳ hay năm theo phong trào.
Từ khát vọng này, khi có dịp đến đâu, cô Hiền đều tranh thủ “giăng bẫy” các nhà quản lý giáo dục với đề nghị: “Các anh/chị có thể mạnh dạn đưa một tiết đọc sách vào nhà trường hay không?”.
Mới đây, trong buổi trao sách cho 94 trường tiểu học ở Bến Tre, cô Hiền tranh thủ “thả lưới” ngay Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Trước tất cả tấm lòng của chúng tôi, trước tất cả giáo viên có mặt ở đây, anh có thể hứa sẽ cố gắng đưa một tiết đọc sách vào chương trình chính khóa”. Câu hỏi của cô làm vị này không thể từ chối mà chỉ biết cười… hứa hẹn.
Cô Hiền hiểu, không phải muốn là được ngay nhưng chí ít họ đã nghe mình mở lời, đã nghe mình thiết tha về một điều tốt đẹp cho học trò.
Làm thật, không “làm màu”
Dự án "Sách hay cho học sinh tiểu học" do cô Hoàng Thị Thu Hiền khởi xướng thu hút rất nhiều giáo viên, những người đã về hưu và cả nhiều người ngoài ngành cùng tham gia. Có người lúc đầu là nhà tài trợ, đi theo khảo sát, sau hết chương trình thì đã trở thành thành viên của dự án.
Họ, nhiều người đã 60 - 70 tuổi với phương châm: "Ăn ở tự lo - Đi lại tự chi - Mệt không than thở - Luôn cười và hát - Quyên tiền làm dự án mọi lúc". Họ thấy được dự án hiệu quả, mọi người làm thực, chứ không làm màu, không làm gian, không lợi dụng sách để làm cái này, cái kia nên ai đã đến là đều ở lại dù rằng, đi theo cô Hiền, chỉ có nước… hết cả tiền để "cõng sách lên non"
"Nhiều lần đi đến những nơi vùng sâu vùng xa, nhiều người trong đoàn tuổi đã lớn, đúng là rất mệt. Nhưng đến nơi… là quên hết mệt nhọc. Chúng tôi “nghiện” đi theo cô Hiền vì khi mình đi, trải nghiệm và thấy rõ đây là một dự án nhân văn và ý nghĩa: Trồng cây, uốn nắn nhân cách con người phải từ khi đứa trẻ còn bé. Hầu hết các thành viên là giáo viên về hưu, chúng tôi chỉ hướng đến những điều thiết thực”.
Cô Huỳnh Thị Minh Lý, thành viên dự án
Cô Hiền khoe, 1 đồng vào tay mình, khi đến với trường học có thể thành 2 đồng. Cô không chỉ mua được sách với giá ưu đãi mà cô còn "dụ dỗ" các nhà xuất bản, nhà sách tặng thêm sách cho thiện nguyện sách.
Khi đến các trường trao tặng sách, không chỉ tặng rồi xong, nhóm thiện nguyện trong dự án còn tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo cho các cán bộ thư viện nhà trường, giáo viên làm sao để "quyến rũ" học sinh đọc sách. Giáo viên phải đọc sách, yêu sách thì sẽ khát khao, kỹ năng để "lôi kéo" học sinh. Vì sách để trong giá, trong tủ kính là sách chết.
Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã đưa 265.000 cuốn sách tới hơn 1.000 trường tiểu học của trên 60 huyện vùng xa, vùng cao trên cả nước. Tất cả các cuốn sách đều được chọn lọc một cách kỹ lưỡng về giá trị tác phẩm và chất lượng.
"Năm 2016, giữa hoang tàn của trận lũ lụt lịch sử, khi bùn đất chưa khô, dự án Sách hay do cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền khởi xướng đã đến và tận tay trao tặng cho 23 trường tiểu học của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Dự án không chỉ làm phong phú thêm nguồn sách cho thư viện các trường hơn hết, thổi một luồng sinh khí mới, làm thay đổi nhận thức và khơi dậy phong trào đọc sách ở các trường".
Ông Trần Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
Hoài Nam