“Cô giáo của lớp học trên sông”

Đó là cái tên mà đồng nghiệp và những người dân chài ven sông Cầu trìu mến gọi cô công nhân đường sông Đỗ Thị Nga. Suốt 15 năm nay, chị Nga tình nguyện dạy học miễn phí cho những em bé thuyền chài.

Đón tiếp tôi tại căn nhà nhỏ trong khu tập thể trạm Quản lý đường sông Yên Tập (Đoạn quản lý đường sông số 4 – xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là người phụ nữ tuổi đã ngoài 40 nhưng gương mặt còn rất tươi trẻ và đặc biệt, đôi mắt luôn ánh lên niềm vui.

Chị cho biết lý do rất đơn giản để chị bắt đầu và duy trì công việc dạy học miễn phí của mình từ 1993 đến nay là sự cảm thông với cảnh nghèo và khát khao học tập của những đứa trẻ vùng sông nước. Chị kể, từ một lần đi mua cá, chị thấy một cô bé bán hàng tuổi chừng 13, 14 tính mãi không ra số tiền phải trả và số tiền thừa. Sau một vài câu chuyện, chị ngỡ ngàng khi cô bé bộc bạch vì nhà nghèo, lại quanh năm ngày tháng trên thuyền nên chưa biết chữ. Chị bảo: “Nếu cháu muốn học chữ, muốn biết cách làm phép tính thì từ tối mai cứ sang nhà cô ở khu tập thể, cô chỉ cho vài tháng là cháu biết thôi”. Từ đó, lớp học của chị ra đời.

Lớp học của chị không có tên, không cố định ở một địa điểm, giờ giấc, bởi có rất nhiều con thuyền xuôi ngược qua trạm sông Yên Tập mà những con thuyền thì không ở yên một chỗ bao giờ.

Công việc quản lý, sắp lịch, lên lớp giảng dạy chỉ do một “cô giáo” Nga đảm nhiệm. Khi thì trò đến nhà học, khi thì cô đến tận thuyền của các em để dạy, không quản xa xôi, không ngại sông nước hay trời tối.

Cứ khi trời nhá nhem là chị bắt đầu công việc “lên lớp”. Ban đầu, các em tới căn phòng nhỏ của chị để học chữ. Trong ánh sáng vàng mờ của chiếc bóng điện tròn, cô trò chụm đầu lại say sưa bên trang giấy. Không có bàn học, không có bảng đen, cả sách vở, bút chì cũng thiếu thốn, chị trích số tiền lương ít ỏi của mình để mua bút, sách giáo khoa và giấy vở hỗ trợ các em.

Vậynên dù đêm hay ngày, trời mưa hay trời nắng, các em bé thuyền chài vẫn tìm đến nhà chị để được học đánh vần, làm phép tính...

Cảm kích việc làm nhiều ý nghĩa của cô nữ công nhân, ngay khi mới về làm Trạm trưởng trạm quản lý đường sông Yên Tập, anh Nguyễn Văn Nam đã cho chị mượn một căn phòng vốn là phòng họp của trạm để dạy học.

Lớp thường đông đúc vào mùa nước, mùa bão, bởi đó là lúc nhà thuyền không ra sông đánh cá. Có những lần nước ngập tràn trong nhà, chị cùng các em kê chồng gạch cao lênđể học.

Học sinh của chị rất đặc biệt, hầu hết đã quá tuổi để đến trường, có những “em” đã có gia đình, có những trường hợp cả nhà bảy người cùng đến nhờ cô giáo Nga chỉ cho biết chữ. Đi học, họ phải chờ lúc trời nhá nhem không rõ mặt người, đến lớp là khép chặt cửa phòng học, bởi “lớn như vầy mà còn đi học chữ cái thì ngại lắm”.

Những trang “giáo án” do cô giáo Nga soạn cũngrất đặc biệt. Buổi đầu, học sinh còn chưa nhớ hết con chữ, chị phải đánh vần “Ka hát o kho sắc khó” chứ không phải “khờ o kho sắc khó”. Đó là giáo án không thể có ở các trường tiểu học bình thường, nhưng nó phù hợp với những học sinhcủa chị.

“Dù không được học cao, học nhiều, nhưng trong tôi luôn nuôi hi vọng được gợi mở cho các em một điều gì đó, nho nhỏ thôi, nhưng là nền tảng rất cần thiết, để các em bước vào đời”,chị Nga tâm sự.

Ngày 8/3, 20/11, chị vui khi có những con thuyền từ xa tới, đem những bó hoa mộc mạc chúc mừng cô giáo, càng cảm động hơn khi ngồi nghe những học sinh cũ kể về cuộc sống từ khi họ biết đọc tờ báo, biết viết thư cho người thân, biết làm phép tính.

Công việc hàng ngày của chị vẫn bận rộn với những số đo mực nước, những thông tin hướng dẫn thuyền đi đúng hướng, nhưng chị và lớp học vẫn luôn rộng mở đón những ai muốn học chữ. Với chị, “mình biết bao nhiêu thì chia sẻ với các em chừng ấy”, được đem chữ đến cho các em là vui rồi".

Theo Ngọc Bích
VTC