Cô giáo chia sẻ: Muôn nẻo chấm bài môn Văn
(Dân trí) - Đọc bài viết “Nỗi niềm của giáo viên dạy Văn khi chấm bài” của cô giáo Loát Trần, tôi rất đồng cảm bởi tôi cũng là một giáo viên dạy văn và không ít lần rơi vào tính huống khó xử bởi điểm số của trò.
Ngữ văn là môn học đặc thù thiên về cảm xúc cá nhân, mang đậm dấu ấn cá tính của người viết. Nếu Toán, Lý, Hóa, Sinh hay bất kỳ một môn học nào cũng có thể xây dựng một đáp án chi ly và chính xác để người chấm có thể rạch ròi, công tâm ghi điểm thì Ngữ văn lại hoàn toàn khác.
Đáp án môn Ngữ văn bao giờ cũng được xây dựng theo hướng mở với những định hướng chính về nội dung làm cơ sở, điểm tựa để giáo viên chấm điểm. Tuy nhiên, không phải lúc nào bài viết của học sinh cũng bám sát được yêu cầu của đáp án để lấy điểm trọn vẹn, ngược lại có những bài viết hơi xa rời gợi ý đáp án nhưng thể hiện cách nhìn độc đáo và cách viết sáng tạo.
Chính lúc này, người chấm thi phải phát huy năng lực đọc hiểu, cảm thụ và sẵn sàng ghi điểm cao cho những bài thi mang dấu ấn riêng. Thục tế lại không phải lúc nào cũng thuận lợi như thế, sự bất đồng ý kiến cùng những tranh cãi không hồi kết luôn để lại những nốt lặng buồn giữa các giáo viên chấm thi.
Tôi vẫn còn nhớ cách đây mấy năm về trước khi tham gia chấm thi tuyển sinh vào lớp 6 tại địa phương, sau một khoảng thời gian cần thiết để trao đổi chung về đáp án, chúng tôi được phát mỗi người một bài thi để chấm chung trong tập thể giám khảo. Và lúc chấm chung như vậy mới thấy sự chênh lệch quá lớn giữa các giám khảo.
Vởi đề bài tả quang cảnh một buổi trưa hè, có một bài viết khá hay không chỉ lột tả được không khí oi nồng của nắng hạ, mặt đất, bầu trời… mà thí sinh ấy còn khắc họa một chân dung làm điểm nhấn cho cảnh, đó là hình ảnh người xích lô oằn mình dưới nắng, giữa trưa với mồ hôi ướt đẫm tấm lưng. Giám khảo chấm chính cho bài văn sau khi đọc cho toàn tổ chấm nghe đã đưa ra mức điểm chủ quan của mình: 2,5 điểm.
Với thang điểm 6, quả thật mức điểm ấy quá thấp so với những yêu cầu cần đạt trong đáp án mà bài viết đã làm được. Sau một hồi thảo luận, tổ chấm thống nhất nâng thành điểm 4. Vậy là khoảng cách chênh lệch 1,5 điểm đã được gỡ bỏ, thí sinh nọ đã suýt vụt mất 1,5 điểm - một con số quá lớn để “chọi” nhau trong các kỳ thi tuyển sinh.
Cũng trong đợt chấm thi đó, khi được phân công chấm chung và hòa điểm, tôi thường nghe những đồng nghiệp đi trước của mình bỏ nhỏ, “mách nước” rằng: Cứ cho điểm trong “ngưỡng an toàn” là chẳng có gì phải lo! Mà ngưỡng an toàn ở đây chính là những con điểm “thường thường bậc trung” không quá cao cũng không quá thấp. Con điểm “an toàn” thường nằm ở khoảng trung bình khá, và khi nhiều giáo viên phóng tay ở khoảng này thì nỗi lo chênh điểm quá lớn giữa hai lượt chấm sẽ không còn tồn tại. Tuy nhiên, với cách chấm như vậy thì người thiệt thòi lại là thí sinh!
Chấm văn không thể nhanh xoèn xoẹt như những môn học khác, mỗi bài viết cần một khoảng thời gian nhất định để giám khảo có thể đọc và cảm nhận cái hay trong ý tứ, dùng từ, đặt câu và phát hiện điểm mới, sáng tạo trong cảm thụ, diễn đạt. Nhưng thực tế không phải lúc nào giáo viên cũng dành cho bài chấm một khoảng thời gian cần thiết.
Có những người thầy chấm thi rất nhanh, có thể đọc lướt và tìm “từ khóa” trong đáp án rồi cứ thế ghi điểm mà quên mất rằng chấm văn không thể chỉ đọc phớt lờ và cho điểm theo kiểu loáng thoáng. Bởi những con điểm đó lại mang tính quyết định đến tương lai của một thí sinh trước ngưỡng cửa chuyển cấp, chọn trường.
Chấm văn cần lắm một chữ “tâm” của người thầy. Tâm tĩnh mới có thể đọc, cảm và ghi nhận sự cố gắng của học sinh trong bài làm. Tâm sáng mới có thể rung cảm thật sự với từng câu từ mà các em viết ra. Bởi vậy, mong rằng mỗi người thầy hãy nuôi dưỡng chữ “tâm” nâng niu từng trang viết của học trò!
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!