Cô giáo bị "tẩy chay" vì nói không với tiêu cực
Hai năm qua, cô giáo Đào Bích Thuỷ, giáo viên Trường THCS Việt Nam - Angiêri Hà Nội, đã một mình kiên quyết đấu tranh làm rõ những biểu hiện sai phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý của ban giám hiệu nhà trường. Vì lẽ đó, cô gần như bị cô lập...
Kiên quyết nói không với tiêu cực
Cô Đào Bích Thuỷ kể: Trường THCS Việt Nam - Angiêri thành lập được 20 năm, cũng là 20 năm cô công tác ở trường. Những năm trước, việc chép lại, sửa sổ điểm chỉ là rất hy hữu khi không có cách khắc phục nào khác về những nhầm lẫn trong khi vào điểm.
Việc thay, chữa sổ điểm trở nên nghiêm trọng vào năm 2004-2005 khi cô Cảnh Bạch Yến lên làm hiệu trưởng. Hội đồng thi đua của nhà trường đề ra tiêu chuẩn thi đua: "Giáo viên nào chữa 5 lỗi, dù đúng quy chế cũng sẽ bị trừ 1 điểm thi đua". Và thế là để tránh bị trừ điểm thi đua, giáo viên chỉ còn cách "chép lại sổ". Người vô tình nhầm cũng có, người "cố tình nhầm cũng có".
Kể đến đây, giọng cô Thuỷ trở nên đầy bức xúc: "Đây là việc làm vi phạm quy chế nghiêm trọng. Nó tạo cơ hội cho việc chạy theo thành tích, cơ hội cho những giáo viên "tự đánh bóng" mình khi không "dạy thật", học sinh không "học thật", không có "kiến thức thật".
Không thể im lặng được nữa, nhất là khi thấy quyển sổ điểm lớp 8A do mình chủ nhiệm "tơi tả và mất tờ điểm của chính môn mình dạy", cô đã đưa vấn đề này ra trước cuộc họp của nhà trường. Nhưng ngoài hai giáo viên mà họ cho là chép lại sổ điểm không xin phép bị hạ một bậc thi đua của năm học, những người khác vẫn nhận phần danh hiệu bình thường.
Đối với cuốn sổ điểm lớp 8A, cô cương quyết không tự ý chép lại phần điểm môn văn của mình, nếu như không có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Một tháng sau, 5 lần hiệu trưởng liên tục yêu cầu, gần như "ép", đe doạ xử lý kỷ luật cô nếu không chép đủ cơ số điểm vào tờ ghi điểm mới được đóng thêm vào sau khi cô trả sổ điểm.
Đặc biệt vào đầu năm học 2005-2006, vẫn tái diễn quy định trừ điểm thi đua khi cần chữa điểm đúng quy chế - điều đó đồng nghĩa với quy định ngầm giáo viên vẫn phải "chép lại sổ, thay trang điểm, khi cần phải thay", và quy định này chỉ chấm dứt khi Phòng GD-ĐT vào giải quyết, yêu cầu bỏ quy định này.
Ngày 18/8/2005, cô làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị thanh tra làm rõ sự việc trên. Đơn gửi đi nhiều nơi, nhưng không hiểu sao chỉ duy nhất có một công văn hồi âm của Vụ Pháp chế - Bộ GD-ĐT. Nội dung công văn chỉ thông báo về việc yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội làm rõ và trả lời hướng dẫn thực hiện trước ngày 20/9/2005 cho bộ trưởng - thông qua Vụ Pháp chế.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, sự việc vẫn trong tình trạng án binh bất động. Đầu tháng 3, khi chỉ còn hai tháng nữa là phải hoàn tất mọi hồ sơ cho học sinh lớp 9 ra trường, lúc này thì cô đã thực sự "sốt ruột" trước sự im lặng, làm ngơ của các cơ quan chức năng.
Hồi 18h30 ngày 22/3/2006, khi vừa kết thúc buổi lên lớp ở trường, cô tức tốc phóng xe đến nhà một đồng nghiệp vì nghe tin có bà Thuý - Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội ở đó. Cô đến và năn nỉ xin gặp bà trong thời gian 30 phút để báo cáo sự việc sổ điểm.
Vài ngày sau đó, một số phóng viên (có mặt trong buổi chiều ngày 22/3 cùng với bà Thuý) đã gọi điện cho cô. Ngày 13/5/2006, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin khách quan. Ngày 22/5/2006, UBND quận Thanh Xuân, thanh tra quận Thanh Xuân đã về trường thanh tra làm rõ sự việc.
Theo kết luận của Phòng GD-ĐT và Thanh tra quận, thì những sai phạm về việc quản lý và sử dụng sổ điểm là có, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng và những người có liên quan. Tuy nhiên, lại một lần nữa kết quả thanh tra, xử lý kỷ luật của các cấp quản lý không khiến cô hài lòng.
Trong bản kết luận điều tra của Thanh tra UBND quận Thanh Xuân, trách nhiệm của hiệu trưởng thì mơ hồ, đánh giá sai bản chất vấn đề: "Thiếu kiên quyết" trong quản lý, xử lý giáo viên sai phạm chứ không phải chính hiệu trưởng là người sai phạm khi "cho phép" - đồng nghĩa với "chỉ đạo giữ cho sổ sạch đẹp". Sai phạm cũng được chia nhỏ, mỗi người "gánh một ít lỗi" để nhoà đi sai phạm của hiệu trưởng.
Nực cười hơn, người đứng đầu nhà trường - sai phạm chính - lại là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm, phê bình - biến cuộc phê bình sai phạm thành cuộc họp ca ngợi tung hê công-đức-trí của hiệu trưởng, mà liên tịch nhà trường là những người cùng êkíp, thân cận do chính cô Yến chọn lựa, cơ cấu. Rồi cái "tự phê" ấy được phó chủ tịch văn xã chấp nhận và xử lý bằng một thông báo có tính hành chính.
Đấu tranh... tránh đâu?
Cô Thuỷ tâm sự: "Trong năm học tới, có thể nhà trường sẽ không bố trí tôi chủ nhiệm, không bố trí tôi dạy ở những lớp 9 như cách đây 6 năm, khi tôi đấu tranh với hiệu trưởng, với trưởng phòng giáo dục cũ về sai phạm của họ trong việc sử dụng quỹ học phí đi du lịch nước ngoài.
Họ tẩy chay tôi, đe doạ, xúi bẩy những giáo viên có nhân cách nếu như họ quan hệ, thân thiết với tôi, thậm chí còn viết đơn vu khống, bôi nhọ những giáo viên đó đến UBND quận Thanh Xuân; đầu trò lại là những đảng viên, những người nằm trong ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng công đoàn".
Cô tiếp lời: "Tôi không có được cái may mắn như thầy Đỗ Việt Khoa, là được sự ủng hộ, giúp đỡ hướng dẫn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các cơ quan báo chí". Vượt lên muôn vàn khó khăn, cô vẫn cố gắng làm tốt phần công việc của một giáo viên chủ nhiệm.
Cô nói chua chát: "Kết luận của thanh tra quận đã buộc cho tôi cái tội "chép lại sổ điểm" của một lớp - điều tôi không hề làm. Họ quy kết tôi "giữ sổ điểm, làm trái quy trình vào điểm", mặc dù tôi đã trình bày "giữ tang vật vì có thể bị thủ tiêu như một quyển sổ điểm lớp 8I đã bị mất, và hoàn thành điểm để có kết quả báo cáo phụ huynh và nhà trường và hoàn thành trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm".
Kết thúc câu chuyện với tôi, cô Thuỷ cho biết: "Tôi sẽ liên hệ với thầy Đỗ Việt Khoa để hợp tác cùng đấu tranh".
Theo Văn Dũng
Lao Động