Cô gái Việt ở Harvard

Nguyễn Lê Vân, <i>Người đẹp thanh lịch</i>, niềm tự hào của thế hệ thứ hai người Việt ở Ba Lan ngày nào, nay là sinh viên năm thứ tư của Đại học Harvard, Mỹ. Câu chuyện về danh hiệu <i>Người đẹp thanh lịch</i> ở Ba Lan với Lê Vân như một kỷ niệm vui của thời thiếu nữ.

"Cả lớp cười, chỉ mình Vân không cười”

Tháng 12/2004, khi đang học lớp 10 Trường THPT Kopernik tại Warsaw, Ba Lan, Vân giành danh hiệu Người đẹp thanh lịch cộng đồng, cuộc thi do báo Quê Việt và các đoàn thể người Việt tại Ba Lan tổ chức. Vân kể: “Lúc đó em mới 17 tuổi. Lúc đầu các bạn gái hơi ngượng và không muốn tham gia. Bố em lại là thành viên hoạt động nhiều trong cộng đồng, nên mới bảo em “con đi thi đi vì đang… thiếu thí sinh”. Khi vào thi, mẹ giúp chọn phấn son, làm đầu tóc. Vui lắm vì em chưa bao giờ lên sân khấu làm người mẫu như thế”.

Không lâu sau ngày đó, báo chí của người Việt ở Ba Lan, ở các nước Đông Âu rộ lên tin tức về Người đẹp thanh lịch ngày nào giành được học bổng của trường đại học danh tiếng Harvard.

Chuyện nhiều người biết là Vân thừa hưởng gene của dòng họ có truyền thống nghiên cứu khoa học. Bác Vân là GS. VS Nguyễn Văn Hiệu. Khi sang Ba Lan, cô con gái đầu lòng Lê Vân của vợ chồng kỹ sư Nguyễn Đức Vượng - Lê Thị Kim Ánh mới 5 tuổi. Và cô bé trưởng thành trong hành trình gian khổ để hòa nhập cộng đồng.

Cô gái Việt ở Harvard  - 1
Nguyễn Lê Vân tại Đại học Harvard.

Chị Kim Ánh kể rằng khi mới sang, Vân và mẹ không biết tiếng Ba Lan. Hai mẹ con nhiều khi phải đánh vật với quyển từ điển. “Cháu sang học mẫu giáo. Có rất nhiều chuyện xảy ra. Như khi tôi đến đón cháu, cô giáo bảo: cô kể chuyện cười cả lớp cười, riêng mỗi mình Lê Vân không cười. Tôi rất lo, phải xin truyện của cô, về tra từ điển để dịch, kể cho cháu nghe trước. Dần dần khi vượt qua được khó khăn ban đầu, cháu tiến bộ rất nhanh. Sau đó luôn đạt kết quả cao nhất trường”. Từ tiểu học lên trung học, kết quả học tập của Vân lúc nào cũng dẫn đầu.

Luôn tìm lối đi riêng

Vân  có lúc làm Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam ở Havard. Vân nói: Ở Harvard, sinh viên gốc Việt rất nhiều, mỗi năm khoảng chừng chục người, phần lớn là người Mỹ gốc Việt. Vì thế, nên Hội Sinh viên Việt Nam ở Harvard là một tổ chức đông đảo, các chức danh cũng được bầu luân phiên, hoạt động rất sôi nổi.

Mỗi dịp Tết, hội tổ chức biểu diễn văn nghệ, làm món ăn Việt Nam cho sinh viên trong trường đến tham dự, rồi cùng hội sinh viên các nước khác tham gia trong những hoạt động chung như Tuần văn hóa châu Á. Lê Vân tham gia giúp đội trong sở trường của mình là dàn dựng các điệu múa dân tộc: múa sạp, múa nón.

Luôn tự tìm cho mình được lối đi riêng, trong cộng đồng sinh viên Harvard ấy, Nguyễn Lê Vân đã dành được học bổng duy nhất đi Nhật Bản học tiếp năm thứ 3 tại Đại học Tokyo, ngành kinh tế lượng và toán ứng dụng. Vân nói, có thể cô được chọn một phần vì đề tài nghiên cứu về kinh tế vĩ mô của Nhật Bản trong giao thương với châu Á của cô.

Bây giờ, Vân trở về Mỹ hoàn thành nốt năm cuối ở Harvard. Nguyễn Lê Vân nói vui, so với nhiều bạn ở Harvard, vốn chỉ ngủ ngày 3 - 4 giờ/ngày, thời gian còn lại là học và học, thì cô vẫn ngủ nhiều hơn. Ngành học của Vân có ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Vì thế, Vân không phải chỉ thuần túy là mơ ước về làm việc ở Việt Nam giúp ích cho đất nước mà làm được một cái gì đó thiết thực có liên quan đến Việt Nam, đến các nước nghèo. “Em vẫn ước mơ, công việc sau này mình làm không chỉ có ý nghĩa cho mình em. Nếu qua công việc mà em đạt được kết quả như làm thay đổi dù chỉ hai, ba người hay tới hai, ba chục người, với em đó cũng là một kiểu thành công rồi”, Vân nói.

Theo Phi Hà
Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm