Cô gái thách thức tử thần

19 tuổi, Nguyễn Thị Diệp ở xóm 8, xã Hải Minh (huyện Hải Hậu, Nam Định) hồn nhiên và đầy hoài bão. Ít ai biết rằng, 10 năm trước, em là “tâm điểm” của ngành y tế khi là bệnh nhi đầu tiên của Việt Nam được thực hiện phẫu thuật ghép gan miễn phí và đã vượt qua lưỡi hái tử thần.

Cái tết trước cửa tử thần

Gặp Diệp, chúng tôi cảm nhận được ẩn sau nụ cười giòn tan khi hỏi chuyện với mọi người, là sự kìm nén cảm xúc và nỗi buồn của người mang bệnh đi suốt cuộc đời. Em cho biết, dù 10 năm trôi qua rồi, sau lần mổ gan ấy nhưng đến nay em và bố vẫn đều đặn mỗi tháng 1 lần lên Viện Quân y 103 khám bệnh. Tiền thuốc và các thủ thuật như: Xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm và thuốc chống thải ghép, thuốc bổ gan thì em được miễn phí. Chỉ có tiền đi lại, ăn ở thì gia đình em phải lo liệu hết. “Có đợt sức khỏe em yếu hơn mọi lần, nên bác sĩ bảo nhập viện 2 – 3 hôm để theo dõi, khi ấy thấy bố em buồn lắm vì em biết điều kiện kinh tế gia đình em không có, nếu mà nhập viện thì lại tiêu tốn thêm một khoản. Em cũng rất buồn”- Diệp bộc bạch.

 

Cô gái thách thức tử thần
“Bé” Nguyễn Thị Diệp - giờ đã là một cô gái - được đón 10 cái tết đầm ấm bên gia đình sau ca ghép gan lịch sử của Việt Nam.


Khi được hỏi về ca phẫu thuật cách đây 10 năm, cảm giác của em như thế nào? Diệp hồn nhiên nói: “Khi ấy em còn nhỏ lắm, chưa biết được gì nhiều, chỉ biết là 8 tháng em phải nằm viện, hết thử máu rồi lại tiêm thuốc. Lúc đó người em mệt lắm, chỉ muốn nằm ngủ một giấc thật dài cho quên đi mọi thứ rồi khi tỉnh lại mình không còn bị bệnh nữa để được về nhà đi học cùng các bạn”.

Buồn nhất là năm đó em phải đón Tết Nguyên Đán ngay trong bệnh viện cùng các bác sĩ, ngày lên bàn mổ của em đúng vào 31.1.2004, sau tết 10 ngày, thế nên em không được ra ngoài như mọi khi phải nằm trong phòng cách ly và thực hiện chế độ ăn kiêng trước khi phẫu thuật. Diệp kể: “Đôi lúc nằm một mình ở giường bệnh, em chỉ biết khóc vì sợ, sợ phẫu thuật không thành công em sẽ không còn thấy bố mẹ, bạn bè, thầy cô nữa… Cái tết năm ấy với em mà nói như đứng trước cửa tử thần”.

Thế rồi như một điều kỳ diệu, ca phẫu thuật trải qua gần 16 giờ, với sự trợ giúp của các y bác sĩ Nhật Bản và chuyên gia Việt Nam đã mang sự sống trở lại cho Nguyễn Thị Diệp.

10 cái tết đầm ấm

Ông Nguyễn Quốc Phòng - bố đẻ Diệp với nước da xanh xao, gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi, kể: Cả nhà có mỗi 2-4 sào ruộng để sống, ngày mùa thì hai vợ chồng động viên nhau cùng làm, ngày nhàn thì tôi thì đi làm thuê trên thành phố. Từ ngày biết tin cháu lâm bệnh, rồi mổ ghép gan về đến nay cả hai bố con sức khỏe đều giảm sút nhiều. “Là trụ cột gia đình, ngoài lo cho cháu kinh phí đi lại mỗi tháng lên Hà Nội khám định kỳ, tôi còn trang trải cuộc sống, học tập cho 2 chị em Diệp. Rồi tới đây, cháu vào đại học tôi không biết lấy gì mà nuôi cháu nữa”-anh Phòng nghẹn ngào nói.

Sáng 31/1/2004, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam cho bệnh nhi Nguyễn Thị Diệp được tiến hành tại khoa Phẫu thuật tạo hình Học viện Quân y 103, với sự giúp đỡ của bác sĩ người Nhật Masatoshi Makuuchi cùng êkip 12 - 14 y bác sĩ. Trải qua 16 giờ phẫu thuật, bệnh nhi Diệp được cứu sống nhờ lấy 33% gan của người bố đẻ. Chi phí của ca ghép gan này là 2,6 tỷ đồng.  

 

Mặc dù sức khoẻ yếu, đau ốm luôn và học bị chậm 1 năm so với các bạn cùng trang lứa nhưng Diệp luôn cố gắng, phấn đấu học tập. Bà Thoa - mẹ Diệp kể: “Hôm nào người yếu quá, phải nghỉ ở nhà là cháu như người mất hồn nên chẳng mấy khi cháu nghỉ. Vừa kết thúc học kỳ I của năm học lớp 12, cháu được xếp loại học sinh khá, tôi vui lắm”. Còn Diệp tiết lộ: “Sắp tới em sẽ đăng ký thi vào Học viện Quân y với mong muốn đem sức trẻ của mình cống hiến cho đất nước và cảm tạ những tình cảm của các cô chú bác sĩ đã giúp đỡ em trong suốt thời gian điều trị”.

Khi chúng tôi ra về, Diệp chạy theo và dúi vào tay tôi tờ giấy nhỏ với những dòng chữ viết vội: “Cháu thấy mình thật là may mắn dù sinh ra mà lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng cháu đã vượt qua, đã hồi sinh thêm một lần nữa, chính điều này giúp cháu càng thêm yêu cuộc sống, quý sức khỏe hơn. Vì thế cháu rất muốn gửi lời cảm ơn đến người bố tuyệt vời đã sinh ra cháu lần thứ 2, người mẹ hoàn hảo đã mệt nhọc, tảo tần chăm sóc cháu trưởng thành. Và đặc biệt hơn, là toàn bộ các giáo sư, bác sĩ Viện 103 đã giúp cháu có lại cuộc sống của mình”.

 

Theo Ngô Xuân

Dân Việt