Khổ học thành tài:

Cô gái mù và hai bằng đại học

(Dân trí) - Với nụ cười luôn thường trực trên môi, khó có thể hình Đinh Việt Anh lại bị mù cả hai mắt từ năm lên ba tuổi. Bằng nghị lực của cô gái này, cô đã vươn lên với hai bằng đại học và là người soạn thảo chương trình dạy vi tính dành riêng cho người mù.

Cô gái mù hiếu học

 

Cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Ngàn Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh), cô bé Đinh Việt Anh cũng được cha mẹ ban cho đôi mắt đen tròn, long lanh như bao trẻ em khác. Nhưng đến năm lên ba tuổi, trong một trận sốt cao, căn bệnh thoái hóa giác mạc đã làm đôi mắt cô mờ dần đi. Còn quá bé nên Việt Anh chưa cảm nhận được nỗi bất hạnh của mình, ngày ngày em vẫn theo bạn chơi đồ hàng, chơi trốn tìm... Và mỗi lần bố mẹ dạy các anh chị học bài, Việt Anh đều lân la tới ngồi nghe, rồi đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao.

 

Đến tuổi đi học, Việt Anh nằng nặc đòi bố đưa đến trường. Thương con, người cha già đành nuốt nước mắt vào trong dẫn con đến trường xin nhập học. Thầy giáo xếp cho Việt Anh chỗ ngồi ở bàn trên cùng, đối diện với bàn giáo viên để em có thể nhìn được dòng chữ trên bảng và tiện cho việc theo dõi, giúp đỡ em học tập. Ghé sát mắt vào trang vở, phải khó khăn lắm, cô bé hiếu học mới có thể nhận ra những dòng kẻ đã được ba mẹ tô đậm lên bằng bút mực.

 

Ban ngày, Việt Anh dời bàn học đến sát cửa sổ, đêm về lại khêu to ngọn đèn dầu thức đến khuya, cặm cụi ngồi viết và đọc bài. Có những lúc mải mê theo đuổi những con chữ, không để ý khiến ngọn lửa đèn dầu làm cháy xém cả tóc, khét lẹt, xấu xí, Việt Anh vẫn cặm cụi viết. Những dòng chữ tròn trịa, nắn nót, thẳng tắp dòng kẻ của cô bé kém may mắn đã nhiều lần được đi thi vở sạch chữ đẹp của huyện...

 

Năm lên cấp II, đôi mắt Việt Anh mờ dần đi, những dòng kẻ đậm được bố kẻ bằng bút lông cũng không còn giúp cô nhìn rõ mặt chữ nữa. Cô bé đau đớn, hàng đêm vùi mặt vào gối khóc thầm khi nghĩ đến việc phải bỏ học. Một ngày, rồi hai ngày không đến lớp, thẫn thờ ngồi bên góc học tập, nước mắt Việt Anh trào ra. Những lời giảng của thầy cô, tiếng đọc bài của các bạn, rồi cả tiếng trống trường... cứ văng vẳng bên tai càng làm bùng lên nỗi khát khao được tiếp tục học tập. Cô bé lại năn nỉ bố đưa đến xin các thầy cô cho được trở lại trường.

 

Không còn nhìn thấy con chữ, các con số, bài viết cứ bị đè lên nhau, Việt Anh bỏ hẳn cuốn vở viết, tập trung cao độ khi thầy cô giảng bài và nuốt lấy từng chữ. Suốt những năm học phổ thông, bố mẹ là đôi mắt giúp cô đọc bài, đọc chữ. “Khó nhất là môn hình học không gian, em không thể nhìn thấy, chỉ còn cách căng đầu ra để tưởng tượng rồi nhờ bố mẹ vẽ lại vào vở”, Việt Anh mỉm cười nhớ lại. Say mê học đến kiệt sức, nhiều lần ngủ mơ đuổi theo những con chữ, hình vẽ khiến cô bé ngã nhào từ trên giường cao xuống đất, choàng tỉnh dậy lại mò mẫm trong đêm để leo lên giường.

 

Đáp lại những nỗ lực vượt bậc của cô gái mù nghị lực, 12 năm miệt mài đèn sách, 12 năm vật lộn, đấu tranh với từng con chữ, vị trí đứng đầu lớp chưa bao giờ tuột khỏi tay cô.

 

Cầm tấm bằng tốt nghiệp đỏ chói trên tay, Việt Anh phấn khởi tìm trường nộp đơn dự thi đại học nhưng tìm mãi vẫn không thấy trường nào nhận hồ sơ cho học sinh mù thi đại học. Buồn bã và tủi hờn, Việt Anh không dám khóc trước mặt bố mẹ mà chỉ biết gửi gắm tất cả nỗi niềm vào trang nhật kí: “Mình đã đi hỏi rất nhiều nơi mà không trường nào nhận hồ sơ của những người như mình. 12 năm đèn sách, mình vẫn còn muốn học lên nữa. Làm sao đây?” Và đây cũng là lúc những dòng cảm xúc chân thật, những ước mơ của người con gái mới lớn bị vỡ òa thành những dòng thơ, thành những trang truyện ngắn. Có không ít tác phẩm được sử dụng trên mặt báo, trên đài phát thanh. Vốn đã nhút nhát, rụt rè, Việt Anh lại càng thu mình vào trong góc sâu của tâm hồn vốn đã bị nhiều tổn thương.

Đinh Việt Anh sinh năm 1978, tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hiện cô là cán bộ phụ trách bộ môn Tin học tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù với hai bằng đại học loại giỏi. Vừa qua , cô được Hội người mù Châu á- Thái Bình Dương lựa chọn là một trong năm người mù của khu vực tham dự lớp học công nghệ thông tin tại Nhật Bản. Việt Anh được kết nạp Đảng vào ngày 22/7/2005.

Nhật kí sang trang

 

Thế rồi, ông trời vẫn rủ lòng thương cô gái nhỏ. Một dịp tình cờ Việt Anh được làm quen với chữ nổi và được Tỉnh hội người mù Hà Tĩnh giới thiệu đi học tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù ở Hà Nội. Với thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, tốt nghiệp khóa học cô được giữ lại làm giảng viên hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ. Không nguôi ước vọng được bước chân đến giảng đường đại học, lại cất công tìm kiếm, năm 1999, cô cũng đã tìm được chỗ phù hợp để nộp hồ sơ dự thi vào hệ tại chức khoa Quản lý xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đỗ với số điểm cao.

 

Ngày nối ngày, sáng lên lớp chép bài bằng chữ nổi, tối về dò dẫm đọc lại từng dòng, từng chữ, ngày thi lại vác chiếc máy chữ cũ đến lớp làm bài, Việt Anh luôn chăm chỉ, cần mẫn như con tằm nhả tơ như thế suốt 4 năm học đại học. Rất hiếm có bài thi của cô dưới điểm 8. Vừa nhìn thấy Việt Anh giảng dạy cho người mù tại trung tâm, thoát đã thấy cô ngồi sau lưng bác xe ôm quen thuộc để đến lớp học vào buổi tối.

 

Cũng từ những buổi học gối đuôi nhau như thế, giáo án dạy vi tính cho người mù với 5 chương dựa vào chương trình đọc màn hình hỗ trợ  cho người khiếm thị đã ra đời. Chỉ cần một chiếc máy vi tính gắn kết bộ phận hỗ trợ, Việt Anh và những người bạn của mình có thể giao lưu, học hỏi và bổ sung rất nhiều kiến thức trong cuộc sống.

 

Mùa hè năm 2004, với điểm 10 của khóa luận: “Thực hiện chính sách giáo dục cho người mù tại Việt Nam”, Việt Anh tốt nghiệp đại học với điểm số 8,68. Bạn bè cùng lớp toàn những người sáng mắt, nhưng vị trí dẫn đầu lớp lại thuộc về cô gái mù vốn xuất thân từ một làng quê nghèo lam lũ.

 

Tự nhận mình là người tham lam với những kiến thức mới, đang học tại trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Việt Anh lại nộp tiếp đơn vào khoa tiếng Anh, hệ từ xa của Viện đại học Mở Hà Nội. “Chưa bao giờ mình thấy chán học cả. Mình luôn ao ước giá như thời gian có thể dài thêm nữa, bởi kiến thức mình có còn quá ít”, Việt Anh tâm sự.

 

Lam Ngọc