Cô gái khiếm thị với ước mơ trở thành nhà báo
Gia đình khó khăn, một mình lên Hà Nội để đi học, cô gái khiếm thị Hải Anh đã sớm phải tự lập và làm mọi việc trong bóng tối.
Em phải cảm nhận mọi vật bằng các giác quan khác của mình nhưng không vì thế mà cô bé ấy từ bỏ ước mơ trở thành một nhà báo.
Cộng đồng người khiếm thị có nhiều tấm gương về sự vươn lên "tàn nhưng không phế" và Vũ Thị Hải Anh là một trong số đó. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Nam Định, Hải Anh bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam của bố.
Nhưng vượt qua tất cả những trở ngại, cô bé luôn có nụ cười tươi trên môi và có một khát khao cháy bỏng là được làm Biên tập viên. Em đã nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Là một học sinh khiếm thị được nhiều người biết đến với những nỗ lực không ngừng vươn lên trong cuộc sống, Hải Anh vừa được Hội Khuyến học trao tặng học bổng "Học không bao giờ cùng".
Ngoài nỗ lực học tập, em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc trao giải nhất trong cuộc thi ảnh "Thật tự hào, tôi cùng bạn vượt rào".
Không những thế, Hải Anh còn nhận được nhiều giải thưởng lớn khác: Giải Đặc biệt trong "Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019"; Giải Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô năm 2019...
Và mới sáng 20/6, Hải Anh đã được tuyên dương là một trong những học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2019-2020. Em đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người không may mắn không thể nhìn được ánh sáng.
"Người khiếm thị có thể mất đi khả năng nhìn nhưng không mất đi "tầm nhìn trong suy nghĩ" về mọi thứ xung quanh chúng ta; chỉ cần chúng ta nỗ lực, sau tất cả sẽ thành công" – Vũ Thị Hải Anh.
Hải Anh là một trong những thí sinh đã gửi bài tham gia Cuộc thi "Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương" do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức.
Trong bài dự thi, em đã khẳng định vai trò của văn hóa đọc trong gia đình "Đọc sách chính là một cách giáo dục con toàn diện và đa dạng nhất. Mỗi cuốn sách hay đều là những chắt lọc từ cuộc sống của tác giả, thậm trí là kinh nghiệm của cả một cuộc đời, cả một thế hệ.
Ta thử làm một phép tính đơn giản: một người vấp ngã rất nhiều lần và cần tới vài chục năm để chiêm nhiệm, giác ngộ và đúc kết ra những kinh nghiệm của bản thân.
Trong khi, ta chỉ cần đọc cuốn sách do người đó viết là đã hiểu được phần nào những điều mà người đó trải qua, hơn nữa chỉ cần một khoảng thời gian rất ngắn".
Đồng thời, em đã nêu ý nghĩa của sách nói với người khiếm thị: "Với những trẻ là khiếm thị, việc đọc một cuốn sách chữ sáng là vô cùng khó khăn không phải lúc nào cũng có người mắt sáng bên cạnh cả ngày để đọc sách cho nghe.
Bởi vậy, cho trẻ khiếm thị nói riêng và người khiếm thị nói chung nghe sách nói vừa để tăng hiểu biết, vừa tránh khỏi nguy cơ mắc chứng tự kỉ, tự cô lập mình ở lứa tuổi của trẻ nhỏ".
Trong bài dự thi, em đã chia sẻ những trải nghiệm của mình khi nghe kênh "Cùng bạn đọc sách": "Tôi biết đến kênh qua trang web của Vụ Thư viện và qua sự giới thiệu của một người bạn.
Thông qua lời giới thiệu của người bạn ấy, cộng với việc trực tiếp trải nghiệm kênh, tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay và có ích cho cộng đồng, đặc biệt là những người khiếm thị như tôi - những người không thể tự mình đọc được một cuốn sách bình thường mà phải nhờ đến sự hỗ trợ của người sáng mắt.
Qua một thời gian trải nghiệm, đón nghe những clip của kênh, tôi ấn tượng nhất là chuyên mục "Giới thiệu những cuốn sách". Trong đó, tôi rất xúc động với phần giới thiệu cuốn sách "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh".
Cuốn sách với hai phần:
Phần 1: Hồ Chủ Tịch với đọc sách và tự học. Bao gồm các nội dung viết về Hồ Chí Minh như: Sách báo, người bạn đường tri kỉ của Hồ Chí Minh, quan điểm của Hồ Chủ Tịch về vai trò và tác dụng của sách báo, phương pháp đọc sách báo của Hồ Chủ Tịch, các nguồn tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng,...
Phần 2: Một số tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh. Đây là những tấm gương cụ thể đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tự học, tự đọc. Đó là chân dung các vị lãnh đạo như: Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số nhà khoa học, toán học, y khoa,…
Là một người khiếm thị đã tốt nghiệp Trung học Cơ sở và không có cơ hội được đi học Trung học Phổ thông, sau khi nghe phần giới thiệu về cuốn sách này, tôi đã hiểu ra rằng, việc mình tự đọc, tự học, tự trau dồi tri thức cũng là điều rất cần thiết và quan trọng. chỉ cần chúng ta có quyết tâm, tin tưởng vào sách báo thì sách báo sẽ là người bạn đồng hành thiết thực, mang lại cho ta những kiến thức và kinh nhiệm quý giá.
"Với sự nỗ lực của các tình nguyện viên đang cộng tác với kênh "Cùng bạn đọc sách", tôi tin rằng, mình sẽ có rất nhiều cơ hội biết đến các cuốn sách hay và bổ ích. Nguồn tài liệu ấy sẽ góp phần giúp những người khiếm thị như tôi nắm được chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai của mình", Hải Anh khẳng định.
Thông qua bài dự thi của mình, em cũng bày tỏ mơ ước trở thành một Biên tập viên và mong muốn được tiếp cận sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thông tin và tài liệu thông qua kênh "Cùng bạn đọc sách". Em đã viết: "Tôi là một người khiếm thị mong muốn trở thành một Biên tập viên nên nguồn tài liệu về Văn học, Lịch sử, sách truyền cảm hứng, sách kĩ năng sống, kĩ năng mềm, tài liệu chuyên ngành là vô cùng quan trọng. Tất cả đối với tôi đều là một kho tàng tri thức quý báu.
Những audio sách nói của Vụ Thư viện chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa kho tàng ấy. Sách nói sẽ đưa tôi đến gần hơn với tri thức. Những người khiếm thị như tôi sẽ có thể tiếp cận nguồn tài liệu như những người mắt sáng bình thường".
20 năm sống trong bóng tối, điều khiến cho Hải Anh mạnh mẽ như ngày hôm nay chính là tình yêu của những người xung quanh. Không những thế em còn truyền năng lượng tích cực đến cho mọi người bằng nụ cười và bằng cả trái tim yêu thương.
Hôm nay, trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực của Hải Anh đi sẽ còn nhiều chướng ngại, nhưng em luôn tin vào một ngày mai tươi sáng hơn cho em và cho tất cả mọi người kém may mắn.
Theo Lan Phạm
Báo điện tử Tổ quốc