Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông

Quang Trường

(Dân trí) - Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi nhưng khi cánh cửa đại học tưởng như khép lại, Loan quyết định "đi đường vòng" và giành học bổng "chắp cánh ước mơ" 1,5 tỷ đồng...

Số phận không may đã cướp đi của Nghiêm Vũ Thu Loan (Sinh năm 1998, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) khả năng nhìn thấy vạn vật như bao người. Nhưng bằng nỗ lực vượt khó phi thường, em đã giành học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp giấc mơ theo đuổi ngành truyền thông.

Năm 2019, Loan nhận học bổng "chắp cánh ước mơ" của ĐH RMIT trị giá 1,5 tỷ đồng. Loan trở thành sinh viên đại học với vốn tiếng Anh tương đương 6.5 điểm IELTS trở lên.

Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông - 1

Nghiêm Vũ Thu Loan.

Tuổi thơ ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà

Mỗi lần nhắc đến các con mình, bà Vũ Thị Hương (mẹ của Loan, 53 tuổi) lại không giấu được nghẹn ngào. Chị cả của Loan, Nghiêm Thị Thu Trang sinh ra là người khiếm thị, nay đã học đến bậc Thạc sĩ.

Bà Hương lạc quan tưởng rằng, vận rủi chỉ đến với gia đình khi sinh con đầu lòng, nhưng sự không may còn đeo bám đến Loan. Loan sinh ra, bác sĩ nói cô bị khiếm thị, phải sớm làm phẫu thuật.

"Loan còn bị nặng hơn chị nó. Cháu được 2 tuần tuổi đã phải lên Bệnh viện Mắt Trung ương mổ cả 2 mắt. Tôi tham vọng dù thế nào cũng phải chữa chạy cho con bằng mọi giá", bà Hương cho biết.

Bố mẹ Loan vay mượn ngân hàng, họ hàng mỗi người một ít, bán được cái gì là phải bán đi để chữa trị. Loan ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, trải qua hơn 10 lần phẫu thuật, đến nỗi bố mẹ cô quen hết các bác sĩ, thuộc từng đường đi lối lại trong bệnh viện.

Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông - 2

Mẹ của Loan từng phải vay mượn, bán đồ đạc để chữa trị cho con. 

Một mắt hỏng hẳn, một mắt còn giữ được chút ánh sáng, Loan lờ mờ biết được thế nào là màu sắc. Năm 11 tuổi, chiếc dây sắt thừa từ dây phơi quần áo đã vô tình chọc vào đúng con mắt còn lại ấy. Loan chìm trong bóng tối.

Không được tới trường, Loan nhờ chị cả dạy học, chị mang những tác phẩm văn học của dân tộc và thế giới đọc cho Loan nghe. Đêm hè oi bức, Loan thức cùng chị ôn thi đại học, nghe chị đọc bài văn, bài giảng của thầy cô. Loan bỗng nảy nở tình yêu với văn chương, chữ nghĩa, thèm được đi học.

"Chị Trang là sợi dây kết nối giữa em với thế giới bên ngoài. Gieo hạt mầm đầu tiên cho ước mơ tới trường của em", Loan chia sẻ.

Lên 9 tuổi, Loan bắt đầu đi học tại Tỉnh Hội người mù Hà Tây, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Thỏa mãn mong ước tới trường, Loan trau dồi tình yêu môn văn, cô giáo dạy văn thấy thế cũng hết lòng tạo điều kiện cho Loan ôn thi học sinh giỏi, tham gia các kì thi viết lách.

"Mới vào học lớp 6, em đã tính chuyện làm thế nào để vào cấp 3. Biết rằng mình không thể tham gia thi lên cấp như các bạn nên đã chọn cách khác. Em dự các cuộc thi lớn, kiếm giải thưởng để được bước chân vào các trường cấp 3 công lập mà không cần thi lên cấp. Như vậy em sẽ vào cấp 3 bằng thực lực của mình chứ không nhờ sự ưu tiên nào", Loan tự tin.

Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông - 3

Thu Loan nhận giải thưởng trong cuộc thi Tin học dành cho người khiếm thị năm 2020. 

Nhờ quyết tâm cao, Loan 2 lần nhận giải đặc biệt trong cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Giải nhì trong cuộc thi viết văn nhân dịp kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời em còn là cây bút chủ lực cho tạp chí của trường.

Cánh cửa đại học tưởng khép lại, nhận học bổng 1,5 tỷ đồng

Học hết cấp 2 với nhiều giải thưởng, Loan cùng mẹ lên Hà Nội xin vào cấp 3. Hai mẹ con đội nắng, mang đủ loại giấy tờ đi khắp các trường cấp 3, nhưng dù nhà trường có nhiệt tình đều đành phải từ chối vì "trường không có cách nào để dạy học sinh khiếm thị".

Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với hai mẹ con khi có được sự giúp đỡ của cô hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), Loan mới trở thành học sinh ngôi trường này.

Năm 2015, Bà Hương cũng theo con lên Hà Nội, thuê nhà trọ gần trường, đi bán nước vỉa hè, lúc rảnh thì giúp việc nhà cho người ta.

"Mới lên Hà Nội cũng bỡ ngỡ lắm, chả quen biết ai, đi làm thuê thu nhập chẳng được bao nhiêu. May mắn có sự giúp đỡ của thầy cô giáo và phụ huynh trường Yên Hòa nên cũng đỡ được phần nào. Ngày tôi rảnh thì đưa Loan đi học, lúc bận thì nhờ bạn cùng lớp Loan đưa đi", Bà Hương chia sẻ.

Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông - 4

Thu Loan cũng thích làm đẹp, xúng xính áo quần như bao bạn nữ khác. 

Học chương trình nâng cao, không có sách nói, sách chữ nổi. Loan chỉ có thể lên lớp nghe giảng, chép không kịp thì về nhà chép lại. Viết bằng chữ nổi tốn thời gian hơn gấp mấy lần so với bình thường, thế mà Loan luôn đứng top đầu của lớp về thành tích học tập.

Dẫu vậy, khác biệt về hoàn cảnh khiến Loan không tránh khỏi nỗi mặc cảm về bản thân. Loan cũng muốn xúng xính áo quần như các bạn nữ khác, cũng muốn tham gia vào các cuộc trò chuyện về ngôi sao phim Hàn của các bạn cùng lớp. Loan ngại tham gia các hoạt động, vì có Loan "các bạn sẽ mất công dìu dắt em".

Tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, một lần nữa, cánh cửa vào đại học tưởng như khép lại vì các trường không có chương trình dành cho người khiếm thị. Loan quyết định "đi đường vòng".

Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông - 5

Thu Loan trong ngày nhận học bổng "Chắp cánh ước mơ".

Loan dành thời gian để chắp bút cho cuốn sách Giấc mơ nơi thiên đường, chuẩn bị kĩ năng tiếng Anh và Tin học, làm hồ sơ để chinh phục học bổng của đại học RMIT.

Năm 2019, Loan nhận học bổng "chắp cánh ước mơ" của đại học RMIT trị giá 1,5 tỷ đồng. Loan trở thành sinh viên đại học RMIT với vốn tiếng Anh tương đương 6.5 điểm IELTS trở lên.

Chia sẻ về lí do chọn ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Loan cho biết: "Khi trưởng thành hơn, em nhận ra giá trị của ngành truyền thông. Để nâng cao tiếng nói của người khuyết tật trong xã hội, để cộng đồng công nhận khả năng của người khuyết tật thì truyền thông là một cách thức, công vụ hữu hiệu. Vì vậy, em quyết định theo đuổi".

Viết "Giấc mơ nơi thiên đường"

Cuốn sách Giấc mơ nơi thiên đường là "đứa con tinh thần" đầu tay của Nghiêm Vũ Thu Loan, được xuất bản năm 2020. Đánh dấu hành trình vượt khó vươn lên đầy phi thường của Loan.

Cuốn sách được chia làm 2 phần. Phần 1 phản ánh hiện thực xã hội, mang tên "Hành trình cỏ 4 lá", kể các câu chuyện Loan từng trải qua hay chứng kiến về các bạn nhỏ trong xã hội, trẻ mồ côi do bố mẹ li dị, trẻ khuyết tật.

Phần 2 mang tên "Hạt nắng dừng chân", phần lớn kể về câu chuyện của chính tác giả trong những ngày chống chọi với bệnh tật, kỉ niệm cùng với người thân, thầy cô, bạn bè.

"Mục đích chính để em viết cuốn sách này là để tri ân với cuộc đời, những người đã giúp đỡ mình", Loan nhấn mạnh.

Cô gái khiếm thị nhận học bổng 1,5 tỷ đồng để viết tiếp ước mơ truyền thông - 6

"Giấc mơ nơi thiên đường" là cách để Thu Loan tri ân cuộc đời. 

Hiện nay, Loan là chủ nhiệm câu lạc bộ Step - hành động vì người khiếm thị. Tổ chức nhiều chương trình nhằm truyền cảm hứng sống tích cực, các cuộc thi để người khiếm thị thể hiện khả năng, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Loan tổ chức lớp dạy tiếng Anh miễn phí, tự xây dựng chương trình, phương pháp học phù hợp với người khiếm thị. Loan còn tham gia nhiều dự án công tác xã hội, là trưởng ban liên lạc của mạng lưới sinh viên khiếm thị Hà Nội.

"Em hiểu những khó khăn của các bạn khiếm thị. Khi giúp đỡ các bạn đó, em thấy hình ảnh của mình ngày xưa, cũng nhận được sự giúp đỡ của xã hội. Đây là cách để em cảm ơn cuộc đời", Loan chia sẻ.

Năm 2020, Loan đạt giải Nhì, giải chuyên đề trong Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, giả ba Cuộc thi Gia đình đọc sách do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.