Cô gái hai lần đạt thủ khoa
(Dân trí) - Từng là thủ khoa đầu vào Học viện Bưu chính Viễn thông, sau 4 năm học, lại tiếp tục đoạt danh hiệu thủ khoa đầu ra với điểm trung bình toàn khoá 9,1 điểm. Đó là một bạn gái rất nữ tính nhưng lại có cái tên hơi con trai - Vũ Thị Văn Phong.
Phong là thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra. Vậy em có bí quyết gì mà giỏi thế?
Trong quá trình học tập em luôn xác định mục đích lâu dài là để có việc làm tốt và phát triển sự nghiệp. Những năm học tập trong nhà trường là giai đoạn chuẩn bị. Do đó, em luôn cố gắng chăm chỉ trong học tập, học một cách đều đặn, không học dồn vào lúc thi.
Em cũng có sự xác định những môn học nào là cần thiết hơn cho công việc mong muốn của mình, như các môn về tài chính, kinh doanh, và đặc biệt là Tiếng Anh.
Được biết, em đã có đề tài nghiên cứu khoa học được Giám đốc Học viện khen ngợi. Đề tài nghiên cứu khoa học đó là gì?
Trong năm học thứ hai và thứ ba ĐH, em có tham gia nghiên cứu khoa học cho học sinh sinh viên do Học viện tổ chức. Đề tài: “Một số giải pháp phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS) của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam” của em đã đoạt giải nhì cấp Học viện.
Việc tham gia nghiên cứu khoa học trong những năm sinh viên giúp em rất nhiều trong việc tích lũy những kiến thức thực tế về thị trường Bưu chính Viễn thông Việt Nam, về các chiến lược kinh doanh các dịch vụ nói chung và dịch vụ EMS nói riêng của VNPT cũng như của các doanh nghiệp BCVT khác.
Mọi người thường nghĩ, đạt danh hiệu thủ khoa có rất nhiều cơ hội, rất nhiều đơn vị nhận vào làm việc. Văn Phong hẳn cũng thế?
Kể về gia đình, Văn Phong cho biết, bố em là giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông, mẹ ở nhà làm "thợ bếp", anh trai hiện đang học thạc sĩ điện tử viễn thông bên Thái Lan. Phong cho rằng, được sống trong gia đình có điều kiện thuận lợi là cơ hội tốt để em phấn đấu. |
Tuy tốt nghiệp thủ khoa, nhưng cũng như rất nhiều sinh viên khác mới ra trường, em thấy quãng thời gian bắt đầu đi xin việc, đi làm có rất nhiều lo lắng. Lo lắng không biết mình có được việc làm ưng ý, phù hợp hay không, lo lắng không biết mình sẽ làm việc như thế nào...
Nhưng hiện nay, TP Hà Nội đã ra quyết định nhận tất cả các thủ khoa tốt nghiệp đại học trên địa bàn thành phố vào làm việc, đó là cơ hội tốt?
Đúng, đó là cơ hội tốt. Tuy nhiên, trong tháng 6 vừa qua, em đã thi tuyển vào làm ở Techcombank. Không được làm đúng chuyên ngành nhưng em rất thích môi trường làm việc ở đây rất năng động, buộc em phải nỗ lực học tập và cố gắng.
Môi trường làm việc là điều rất quan trọng. Em không quan trọng làm việc trong nhà nước hay tư nhân mà nơi nào có môi trường làm việc tốt và cho em phát huy năng lực của mình thì em sẽ tìm đến.
Danh hiệu thủ khoa chỉ là ghi nhận những sinh viên đã có quá trình học tập tốt, chưa thể khẳng định là nhân tài sau khi ra trường. Với em thì như thế nào?
Thực tế đi làm cho em thấy, việc học và áp dụng kiến thức vào công việc còn có khoảng cách và nhiều khó khăn. Theo em, thời gian học là thời gian chuẩn bị cho công việc trong tương lai, nó đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên không có nghĩa là học tốt thì sẽ là nhân tài sau khi ra trường.
Có nhiều sinh viên học tốt nhưng khi ra trường làm những công việc không phù hợp, hoặc bản thân người đó không tiếp tục nỗ lực thì cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho xã hội, nên chưa thể gọi là nhân tài.
Cảm ơn em!Hồng Hạnh