Cơ điện tử: Ngành học cơ hội việc làm cao

ĐH dân lập Phương Đông là trường dân lập đầu tiên mở ngành đào tạo Cơ điện tử vào năm 2001 đến nay đã được 10 năm. Đây là ngành đào tạo có thế mạnh của trường, hàng năm sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm, thậm chí đủ tiêu chuẩn để ra nước ngoài làm việc.

Đặc thù đào tạo

Sự ra đời của ngành Cơ điện tử bắt nguồn từ sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin, công nghệ vi điện tử vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Ở Việt Nam, từ năm 2000, một số trường đại học đã mở ngành Cơ điện tử: ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TPHCM. Đại học dân lập Phương Đông là trường đại học dân lập đầu tiên mở ngành đào tạo Cơ điện tử vào năm 2001 đến nay đã được 10 năm.

Theo PGS. TS. Đinh Công Mễ, chủ nhiệm khoa Điện - Cơ điện tử, Trường ĐH Phương Đông, chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử Trường ĐH Phương Đông được thiết kế phần cơ bản và cơ sở đảm bảo theo đúng chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Phần chuyên ngành có những đặc thù riêng của trường để tăng cường chất lượng đào tạo, cập nhật kiến thức và mang tính cạnh tranh cao. Ví dụ có môn học đặc thù: PLC, Vi xử lý nâng cao, Đo lường và cảm biến, Tự động hóa quá trình sản xuất, Cơ điện tử 1 (Hệ thống sản xuất linh hoạt và tích hợp FMS&CIM), Cơ điện tử 2 (Cơ điện tử công nghiệp và y tế: Kỹ thuật siêu âm, Kỹ thuật laser ứng dụng trong công nghiệp và y tế…). Chương trình đào tạo được xây dựng có tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành hợp lý, hài hòa đảm bảo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp vững về lý thuyết và giỏi thực hành.
 
Cơ điện tử: Ngành học cơ hội việc làm cao - 1
Giờ thực tập CNC tại Khoa Điện - Cơ điện tử, Trường đại học Phương Đông.

Một trong những điểm nhấn về chất lượng đào tạo ngành Cơ điện tử ở Trường ĐH dân lập Phương Đông là việc thiết kế chương trình có tỷ lệ thực hành rất lớn (30-40%).

Nhà trường đã đầu tư một khối lượng lớn nhà xưởng và trang thiết bị thực hành để phục vụ cho đào tạo, được chia làm 2 khối:

- Khối các phòng thí nghiệm, trang bị các thiết bị thí nghiệm đa năng: Phòng thí nghiệm và thực hành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, Điện công nghiệp và dân dụng, Máy điện, Điện tử công suất, Điều khiển tự động, Điều khiển khả lập trình PLC, Vi xử lý, Điều khiển thủy khí, Điều khiển máy NC, CNC; Hệ thống sản xuất tích hợp CIM, Hệ thống sản xuất linh hoạt FMS, Robot công nghiệp.

- Khối các xưởng thực hành: Xưởng nguội, Xưởng cơ khí, Xưởng hàn TIG, MIG, MAG, Xưởng may công nghiệp, Xưởng gia công trên các máy CNC (tiện CNC, phay CNC, cắt Plasma, gia công tia lửa điện CNC…).

Nhờ hoạt động thực hành như vậy, Trường ĐH Phương Đông khẳng định đảm bảo đào tạo sinh viên giỏi về thực hành - đây là một thế mạnh và cũng là một yếu tố có tính cạnh tranh của Đại học Phương Đông - PGS. TS. Đinh Công Mễ khẳng định.

Đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu doanh nghiệp

Nhằm hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, Khoa Điện - Cơ điện tử Trường ĐH Phương Đông rất chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhà trường đã tập trung vào các hoạt động như xây dựng câu lạc bộ nghiên cứu khoa học; Thành lập đội Robot; Quy tụ các sinh viên ham thích robot và cử giáo viên phụ trách; hàng năm đều đăng ký từ 1 đến 2 đội tham gia cuộc thi Robocon toàn quốc từ năm 2003 đến nay. Năm 2004, đội Robocon của Khoa Điện - Cơ điện tử đã đoạt giải 2 thi Olympic Robocon - Micromouse toàn quốc do Hội Tin học Việt Nam tổ chức. Năm 2009, Khoa được nhận bằng khen của Hội Tự động hóa Việt Nam vì có thành tích tham dự hội chợ triển lãm quốc tế Automa Việt Nam 2009. Năm 2010, Đội Robot của Khoa đại diện cho nhà trường tham dự cuộc thi “Robot Quốc tế TDK - 14th” tại Đài Loan đã giành được giải Nhì.
 
Cơ điện tử: Ngành học cơ hội việc làm cao - 2
Gìờ thực tập Điện - Tự động hoá tại Khoa Điện - Cơ điện tử, Trường ĐH Phương Đông.

Đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của khoa. Hàng năm, Khoa Điện - Cơ điện tử nhận được các đơn đặt hàng từ phía các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và một số công ty nước ngoài (như Công ty Global Osaka Nhật Bản, Công ty Emico, Halasuco, DKS…) về đào tạo lao động theo các chuyên ngành Cơ điện tử gia công trên máy CNC, Lập trình thiết kế, Điều khiển Robot…). Khoa đã tổ chức các buổi semina để định hướng và cung cấp thêm thông tin, tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc với các doanh nghiệp… theo nhu cầu tuyển dụng nói trên. Khoa cũng đồng thời chú trọng đào tạo tiếng Nhật, tiếng Anh chuyên ngành phục vụ cho lao động có thể làm việc ở nước ngoài. Bằng chứng là trong những năm 2005, 2006, 2007, hàng năm khoa có hàng chục sinh viên tốt nghiệp đã được nhận vào làmviệc ở các công ty Canon, Toyota, Honda hoặc được tuyển chọn làm kỹ thuật viên đi làm việc tại Osaka - Nhật Bản.

Ngoài ra, hàng năm ở Khoa Điện - Cơ điện tử Trường ĐH Phương Đông còn thực hiện hàng trăm hợp đồng lao động sản xuất và đào tạo kỹ thuật viên xuất khẩu lao động. Chỉ tính trong 2 năm 2009 và 2010 đã có gần 100 hợp đồng đào tạo với trên 800 học viên kỹ thuật đã tốt nghiệp và sang lao động tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Tính đến năm học 2010 - 2011, Trường ĐH dân lập Phương Đông đã tuyển sinh 17 khóa với khoảng 30.000 sinh viên học tập tại trường và gần 20.000 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp (trong đó Khoa Điện - Cơ điện tử đã tuyển sinh 10 khóa với hàng ngàn sinh viên theo học và đã có 6 khóa tốt nghiệp với khoảng 500 sinh viên).