Cô cử nhân 9X xinh xắn và học bổng tới ĐH Oxford danh giá
(Dân trí) - Tốt nghiệp loại giỏi ngành Quảng cáo và Quan hệ công chúng - ĐH RMIT, có thêm 2 năm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, Nguyễn Hồng Hải Đăng xuất sắc nhận học bổng Chevening để theo đuổi bằng Thạc sỹ tại ĐH Oxford, Vương quốc Anh.
Thành tích cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Hồng Hải Đăng
Sinh ngày: 28/2/1991
Năm 2014:
- Học bổng Chevening danh giá của Bộ Ngoại giao Anh. - Giải Áp phích nghiên cứu hay nhất, Cuộc thi Áp phích nghiên cứu của ĐH RMIT Việt Nam.
Năm 2013: Giải Áp phích nghiên cứu hay nhất, Triển lãm của Bảo tàng Quốc gia Úc Questacon: “Khoa học hấp dẫn di động”, ĐH RMIT Việt Nam.
Năm 2012:
- Giải thưởng của Phó chủ tịch hội đồng ĐH RMIT toàn cầu dành cho sinh viên xuất sắc. - Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khóa 2012, ĐH RMIT Việt Nam.
Năm 2011:
- Học bổng toàn phần cho thành tích học tập xuất sắc, ĐH RMIT Việt Nam. - Công nhận thành tích học tập xuất sắc của tổ chức Danh dự quốc tế Golden Key. |
Quá “mê” Học viện Internet Oxford
Kết thúc đợt thực tập 3 tháng ở mảng Quan hệ công chúng, Hải Đăng được chính giảng viên của mình tiến cử vào vị trí Trợ lý Nghiên cứu cho giáo sư tại ĐH quốc tế RMIT (chi nhánh phía Nam).
Sau khi công tác và gặt hái tương đối đủ kinh nghiệm làm nghiên cứu và xuất bản một cách độc lập, cô gái 24 tuổi quyết định học lên cao học để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu học thuật.
“Mình nộp hồ sơ xin học tại Oxford thuần túy là vì mình quá “mê” Học viện Internet Oxford (Oxford Internet Institute), học viện đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho tới nay thực hiện giảng dạy và nghiên cứu về Internet một cách chuyên sâu.
Dự án nghiên cứu Đăng đề xuất thực hiện cho chương trình thạc sĩ của mình xoay quanh việc người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng sự hài hước như là một phương cách giao tiếp đặc biệt để thể hiện quan điểm và nhận thức của họ về những vấn đề xã hội.
Và Oxford là nơi lí tưởng nhất để có thể thực hiện điều đó. Lúc đầu Đăng không nghĩ là mình sẽ được nhận, nhưng cuối cùng may mắn là mọi việc được như ý muốn”, Hải Đăng cho hay.
Chọn một ngã rẽ khác với chuyên ngành học, cô nàng vẫn luôn được các thầy cô tại chính ngành Truyền thông ủng hộ. Hải Đăng tâm sự, tiến sĩ Lukas Parker, người dạy môn Truyền thông là người đã tạo điều kiện cho cô tham gia nhóm nghiên cứu xã hội tại RMIT cùng với giáo sư Linda Brennan.
Nhờ đó, Hải Đăng có cơ hội được xuất bản nghiên cứu của chính mình tại các hội nghị khoa học quốc tế và tạp chí khoa học chuyên ngành, cũng như đồng xuất bản sách về tiếp thị xã hội. Những thành quả đó đóng vai trò cốt yếu trong việc giúp cô nàng được nhận học tại Oxford và đạt học bổng Chevening.
Ra đi để trở về…
Chinh phục học bổng Chevening tới “Đảo quốc sương mù” để theo đuổi đam mê nghiên cứu học thuật ở Oxford là mục tiêu quan trọng trong ước mơ lớn của Hải Đăng là trở về đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách công tại Việt Nam trong suốt chiều dài sự nghiệp sau này.
“Học bổng Chevening của chính phủ Anh tìm kiếm các ứng viên có thành tích học tập cao, khả năng hoặc tiềm năng lãnh đạo giỏi, và xác định là sẽ cống hiến cho Việt Nam khi trở về. Công việc hàng ngày của mình là nghiên cứu khoa học chuyên sâu vào những vấn đề xã hội tại Việt Nam, nên khá phù hợp với các tiêu chí của học bổng.
Học bổng cũng tìm kiếm các ứng viên xác định được mục tiêu lâu dài cho sự nghiệp, mà trong trường hợp của mình là nghiên cứu khoa học và góp phần tư vấn cho các chính sách công”, Đăng khẳng định sự tương thích của bản thân với suất học bổng Anh quốc.
Ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, cô nàng thích đọc sách phi giả tưởng, xem TV series, nghe nhạc “Indie”, du lịch và chơi cầu mây.
Hải Đăng gọi học bổng Chevening là học bổng của đam mê và cống hiến. Bởi lẽ, để tuyển trúng các ứng viên tham gia phải chứng tỏ có tiềm năng tiến xa hơn trong sự nghiệp và góp phần vào sự phát triển hơn nữa của Việt Nam.
“Không chỉ chú tâm vào điểm số, dù đó là phần quan trọng. Con đường của bạn là điểm trọng tâm. Hội đồng phỏng vấn học bổng thường muốn biết bạn sẽ làm gì sau khi sau tốt nghiệp để xứng đáng với số tiền học bổng mà họ bỏ ra cho bạn”, cô bạn nhấn mạnh.
Suất học bổng Chevening sẽ đài thọ toàn bộ học phí (không vượt quá 12.000 Bảng Anh), vé máy bay khứ hồi đến Anh, học bổng hàng tháng cùng một số phụ cấp và lệ phí xin thị thực vào Vương quốc Anh cho Hải Đăng.
Ngoài đam mê nghiên cứu khoa học, cô nàng thích đọc sách phi giả tưởng, xem TV series, nghe nhạc “Indie”, du lịch và chơi cầu mây. Tác giả mà Hải Đăng yêu thích trong nghề là David Gunkel - người đã truyền cảm hứng cho cô theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.
Đặt chân tới “Đảo quốc sương mù”, mục tiêu của cô nàng là có 2 năm học Thạc sĩ ý nghĩa và trọn vẹn tại ĐH Oxford trước khi quay trở về quê hương Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu và có thể cống hiến nhiều hơn với mong muốn: “Thành quả nghiên cứu của mình không chỉ truyền lại cho sinh viên ở giảng đường ĐH, mà còn có thể ứng dụng và mang đến chuyển đổi tích cực cho xã hội”.
Lệ Thu