Có chứng chỉ là có thể đi làm, có cần học 4 năm đại học ngành ngoại ngữ?
(Dân trí) - Một số người cho rằng "ngành ngoại ngữ không cần học đại học, chỉ cần học ở trung tâm rồi thi lấy chứng chỉ là có thể kiếm tiền". Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Nếu chỉ qua một vài tháng theo học tại các trung tâm tiếng Anh và lấy được tấm bằng chứng chỉ ngoại ngữ nào đó là có thể đủ khả năng làm việc trong lĩnh vực ngôn ngữ thì liệu rằng cứ cầm mic lên là trở thành ca sĩ hay biết đếm tiền là có thể làm được trong ngành tài chính ngân hàng rồi hay không?
Trên thực tế, nhiều phụ huynh và học sinh chưa phân biệt được sự khác nhau được giữa bằng cử nhân ngành Ngoại ngữ được đào tạo ở bậc đại học và bằng, chứng chỉ ngôn ngữ khác nhau như thế nào.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc tranh luận này là việc không phân định rõ mục tiêu sử dụng ngoại ngữ là để làm công cụ giao tiếp hay để đào tạo, nghiên cứu. Cùng tìm hiểu vì sao nhiều sinh viên vẫn đang chọn học đại học chuyên ngành ngoại ngữ 4 năm.
Mức học phí hợp lý
Ngọc Ánh là sinh viên năm cuối chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng: "Trước khi học đại học, mình từng tham gia một khóa học tiếng Anh giao tiếp với mức học phí lên tới cả chục triệu. Sau khóa học, kỹ năng giao tiếp của mình có cải thiện được đôi chút nhưng với mức học phí như vậy thì chưa thực sự hợp lý".
Để tìm được các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ uy tín, người học sẽ cần khảo sát kỹ càng thông tin cũng như các đánh giá của học viên cũ trước khi quyết định theo học.
Hầu hết các trung tâm Anh ngữ nổi tiếng đều có mức học phí khá cao, đặc biệt là các khóa học phục vụ cho kỳ thi chứng chỉ IELTS, dao động trong khoảng 12 triệu đồng/khóa học kéo dài trung bình 3 tháng.
"Cá nhân mình cảm thấy học phí khoa Ngoại ngữ của các trường đại học công lập khá dễ thở, ở mức vài trăm nghìn đồng cho một tín chỉ thôi. Hơn nữa, trên cương vị là sinh viên năm cuối, mình có thể tự tin khẳng định những kiến thức học được ở bậc cử nhân có thể hỗ trợ bạn lấy không chỉ chứng chỉ IELTS mà còn là các chứng chỉ cao cấp hơn như SAT hay TESOL", Ngọc Ánh bày tỏ.
Giảng viên có năng lực và chất lượng đào tạo được đảm bảo
Đứng trước quan điểm "học ngành Ngoại ngữ chính quy ở đại học là mất công", Diệu Mai - cô sinh viên năm nhất vô cùng phản đối: "Đa số khi lựa chọn theo học tại các trung tâm Anh ngữ, học viên thường có nhu cầu cải thiện một kỹ năng cụ thể nào đó cấp tốc. Đối với những người làm việc trong ngành Ngoại ngữ thì khả năng sử dụng ngôn ngữ còn phải là năng lực sử dụng các phương pháp lý luận ngôn ngữ để nghiên cứu".
Tìm kiếm các đề tài nghiên cứu khoa học hay phát hiện những giải pháp mới cho các vấn đề còn tồn đọng trong ngành Ngoại ngữ sẽ phải cần tới những người hướng dẫn có đủ năng lực chuyên môn.
"Các giảng viên ở bậc cử nhân đều là các Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ có những đề tài nghiên cứu nổi bật trong ngành. Điều đó đảm bảo rằng sinh viên sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ những giảng viên đủ năng lực", Diệu Mai nói.
Sinh viên cần phải hoàn thiện các tín chỉ với một số điểm đạt chuẩn thì mới có thể xét duyệt tốt nghiệp và nhận tấm bằng cử nhân đại học.
Kết quả của sinh viên được theo dõi chặt chẽ và ghi nhận trên hệ thống nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Không khó để bắt gặp những nội dung "cam kết giúp học viên đạt được 6.5 hay 8.0 IELTS" sau một khóa học được các trung tâm Anh ngữ quảng cáo trên truyền thông, mạng xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, Diệu Mai nói: "Em cũng tham gia một vài khóa học IELTS cấp tốc như vậy rồi, tuy nhiên kết quả có được như cam kết hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như trình độ hiện tại, sự chăm chỉ và phương pháp học tập nữa. Các trung tâm khó có thể đảm bảo được sự đồng bộ chất lượng đầu ra bởi vì trình độ mỗi học viên và sự nỗ lực là khác nhau".
Nhiều kỹ năng đặc thù được khai phá
Lý thuyết cần phải gắn liền với thực tiễn, khi lý thuyết đã tốt thực hành mới có thể vững vàng, tránh được những lỗi sai căn bản. Từ đó, gây dựng được sự tự tin cần thiết khi làm nghề.
Ngoài các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm phục vụ giao tiếp thì chương trình đào tạo ở bậc cử nhân khoa Ngoại ngữ còn đi sâu vào nghiên cứu những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phục vụ cho từng lĩnh vực cụ thể như: tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, tiếng Anh kinh tế...
Sau khi được trải nghiệm và học hỏi những kỹ năng đặc thù của từng lĩnh vực ngôn ngữ riêng biệt, sinh viên sẽ dễ tìm được điểm mạnh của bản thân. Đồng thời, qua đó có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn hơn.
Phạm Thị Hoa, tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, bên cạnh đó cô còn đạt thành tích 7.0 trong kỳ thi IELTS tâm sự: "Mặc dù tiếng Anh của mình có nền tảng kiến thức khá vững rồi nhưng trong quãng thời gian năm nhất, khi mình còn làm gia sư đôi chỗ vẫn khó có thể truyền tải cho học sinh của mình. Được đào tạo bài bản qua trường lớp, khiến mình có nhiều kỹ năng sư phạm cũng như các kỹ năng biên phiên dịch hơn. Chính điều này đã khiến mình dễ thích nghi với thị trường lao động luôn cập nhật và thay đổi chóng mặt như hiện nay".
Giao tiếp là điều kiện cần, học kỹ năng "làm nghề" mới là điều kiện đủ
Không phải ai nói được tiếng Việt cũng có thể trở thành biên tập viên, phát thanh viên và cũng đâu phải ai viết được tiếng Việt cũng có thể trở thành nhà văn, nhà giáo…
Đối với ngành ngoại ngữ nói chung cũng vậy, để sử dụng ngôn ngữ để "làm nghề" cần trải qua một khoảng thời gian đào tạo, luyện tập, trang bị đủ kỹ năng cần thiết trước khi thực chiến.
Thầy Đặng Ngọc Quang - giảng viên khoa tiếng Anh chuyên ngành của trường Đại học Hà Nội bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm "đào tạo ngành Ngoại ngữ ở bậc đại học là không cần thiết".
Nói về các kỹ năng mềm sinh viên sẽ được tiếp cận, thầy Ngọc Quang nói: "Thuyết trình, tóm tắt hay tổng hợp dữ liệu đều là những kỹ năng các bạn bắt buộc phải thành thạo khi được giáo dục ở bậc cử nhân. Kỹ năng sư phạm, kỹ năng biên phiên dịch hay các phương pháp lý luận về ngôn ngữ sẽ là điều kiện cần và đủ để các bạn tự tin khi làm nghề trong tương lai sau này khi được đào tạo ở đại học".
"Trong quá trình giảng dạy, thầy từng được nghe và chứng kiến những bạn học rất tốt nhưng thiếu kỹ năng sư phạm nên cách giảng dạy ngữ pháp còn lủng củng, rối rắm, không đi sâu vào bản chất thông điệp diễn đạt của cấu trúc ngữ pháp. Hay khi dạy từ vựng chỉ giới thiệu các từ, cấu trúc cao siêu nhằm "khè" học viên mà không hướng dẫn người học cách tự học từ hoặc áp dụng từ trong nhiều văn cảnh, đề tài khác nhau", thầy Quang chia sẻ.
Để có thể đủ điều kiện làm nghề, ngoài năng lực ngoại ngữ cũng phải xét tới các kỹ năng mềm, khả năng cũng như thực lực, tâm lý của từng học sinh. "Các học sinh và phụ huynh cho rằng điểm IELTS cao sẽ là đỉnh cao của việc học ngoại ngữ dẫn tới chủ quan", thầy Quang tâm sự.
Một khi đã đề cập tới khía cạnh làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới ngoại ngữ, sự tự tin là vô cùng cần thiết. Không chỉ là sự tự tin trong giao tiếp bằng ngôn ngữ đó thôi mà còn là sự tự tin khi làm việc với người bản xứ.
Nếu không có kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và phương pháp lý luận về ngôn ngữ mà cứ chỉ tập trung so sánh và cố gắng giao tiếp sao cho giống hệt người bản xứ thì kết quả chỉ có thể là thua cuộc bởi lẽ, xét cho cùng đây vẫn không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn.
Thầy Quang nhận thấy đối với mỗi một ngành nghề trong lĩnh vực Ngoại ngữ đều có một tiêu chí khác nhau mà sinh viên sẽ tìm hiểu được thông qua quá trình đào tạo ở bậc cử nhân: "Nếu nói về biên phiên dịch, thì nhiều sinh viên dù học tốt tiếng Anh chưa chắc đã có chuyên môn để chuyển ngữ từ Anh sang Việt sao cho bản dịch thuần Việt nhất".
Cô Đỗ Thu Hòa - giảng viên khoa Tiếng Anh trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng đồng tình rằng: "Tiếng Anh bây giờ phổ biến là sự thật hiển nhiên, việc đào tạo tiếng Anh hiện nay tại một số trung tâm có phần nào bị ồ ạt và phong trào nên để có thể thực sự sử dụng tiếng Anh phục vụ cho công việc thì chưa nhiều người làm được điều đó".
Một số ý kiến cho rằng việc thi lấy chứng chỉ rồi "làm nghề" sẽ nhanh gọn hơn, tuy vậy đào tạo ở bậc cử nhân hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi mới tạo ưu thế cho sinh viên có đủ năng lực.
"Nếu các bạn muốn rút ngắn thời gian đào tạo thì có rất nhiều trường đại học ưu tiên các bạn học vượt tín chỉ nếu đủ điều kiện hay có thể quy đổi điểm của một số môn học bằng thành tích các bạn đã đạt được tại một số kỳ thi, hoạt động ngoại khóa", cô Thu Hòa chia sẻ.