Cơ chế tự chủ cho trường Đại học: Không thể “nửa vời”

(Dân trí) - Giao quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, cơ chế khó có thể phát huy hiệu quả nếu chỉ là “tự chủ nửa vời”.

Thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GĐ-ĐT đã phân loại và giao phương án tự chủ tài chính cho một số đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có 6 trường Đại học được giao tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên.

 

Sáu trường đại học được Bộ GĐ-ĐT chọn thí điểm tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên là Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Hà Nội, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và Viện Đại học Mở Hà Nội.

 

Các trường đại học Việt Nam cần có cơ chế tự chủ để phát triển
Các trường đại học Việt Nam cần có cơ chế tự chủ để phát triển



Sau hơn 4 năm thực hiện, việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ tài chính ở các cơ sở giáo dục Đại học này đã đạt những thành công bước đầu, nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.

 

Tự chủ về chi mà chưa được tự chủ về thu

 

“Thực tế cho thấy, việc giao tự chủ tài chính nhưng không được giao tự chủ về mức thu học phí, các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện mức thu học phí trong trần quy định thấp, không bù đắp đủ chi phí hoạt động thường xuyên nên việc thực hiện tự chủ tài chính không thực chất”, Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính Sự nghiệp, Bộ Tài chính nói.

 

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ KHTC, Bộ GD-ĐT chỉ rõ: “Nghị định 43/CP có phân loại các đơn vị tự chủ thành tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên và tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên nhưng quy định thu là như nhau nên thiếu cơ chế khuyến khích các đơn vị thí điểm tự chủ trong việc tăng nguồn thu”.

 

Nguồn thu hiện nay của các trường đại học chủ yếu vẫn là nguồn thu học phí. Nguồn thu này được quyết định bởi hai yếu tố: Chỉ tiêu đào tạo và mức thu. Tuy nhiên, các đơn vị này thí điểm tự chủ vẫn bị khống chế chỉ tiêu đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT và mức thu học phí, lệ phí bị giới hạn theo NĐ 49/CP của Chính phủ về khung học phí.

 

“Trên thực tế, các trường này bị cắt giảm ngân sách chi thường xuyên nhưng lại thực hiện thu như các trường đại học khác nên dẫn đến các trường không muốn tham gia thí điểm tự chủ tài chính”, ông Vũ chia sẻ.

 

Cơ chế chưa khuyến khích tự chủ
 

Theo TS Giang, cơ chế giao quyền tự chủ tài chính cho các trường đại học còn bất cập ở chỗ, một số cơ sở đào tạo đi tiên phong trong việc thực hiện tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng nhà nước thiếu những chính sách khuyến khích cao hơn các đơn vị được ngân sách nhà nước hỗ trợ, dẫn đến không khuyến khích các đơn vị chuyển từ loại hình tự chủ một phần sang tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên , ngược lại một số đơn vị đang đề nghị được quay trở lại loại hình được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động.

 

Đánh giá từ phía Bộ GD-ĐT cũng cho thấy thực tế còn bất cập này. “Với các trường được giao thí điểm tự chủ tài chính, mặc dù các đơn vị này không còn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng không được hưởng bất cứ cơ chế tài chính ưu đãi nào so với các đơn vị được giao tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ nói trong hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học”.

 

Bên cạnh đó, hiện chưa có quy định việc huy động vốn và vay vốn của các tổ chức tín dụng cho các hoạt động dịch vụ công để khuyến khích các đơn vị chủ động giải quyết việc thiếu phòng học, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu phát triển của đơn vị.

 

Theo ông Vũ, để giải quyết các bất cập nêu trên, các trường cần được trao quyền tự chủ hơn nữa, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đào tạo, tự chủ về hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế. Điểm quan trọng nữa là các trường cần được tự chủ nhiều hơn trong việc trả thu nhập cho người lao động để thu hút các thày giáo và chuyên gia giỏi phục vụ nhà trường.

 

Mạnh Hải