“Cô bé lọ lem” giàu nghị lực

(Dân trí) - Đến xã Vinh Lộc (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), chúng tôi được nghe câu chuyện về một cô bé nghèo, mồ côi bố nhưng có một thành tích học tập rất đáng nể: Giải nhất Văn tỉnh, giải ba Văn toàn quốc, hiện là sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế.

Lớn lên trong ngôi nhà tuềnh toàng nằm sâu trong một xóm nghèo, nơi mà trẻ con lên năm, lên sáu đã phải nghỉ học mưu sinh, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, Hoàng Thị Hường đã phải trải qua những chuỗi ngày cố gắng không mệt mỏi.

 

Hường kể: “Mạ em đi làm cả ngày, vất vả lắm, ngày nào mạ cũng phải đầu tắt mặt tối từ lúc mờ sáng cho đến 7h tối mới về nhà. Lao động quần quật vất vả là rứa mà cũng không kiếm đủ tiền cho tụi em ăn học”. Mẹ của Hường, chị Trương Thị Nhơn, làm nghề buôn bán ở chợ, chạy hàng từ chợ này sang chợ khác, thường không đủ thời gian về ăn trưa với chị em Hường. Từ ngày bố Hường mất, mọi gánh nặng oằn trên vai mẹ. Thương mẹ, Hường cũng giành gánh một phần lo toan.

 

Ban đầu, Hường nói với mẹ cho em nghỉ học, ở nhà phụ mẹ kiếm tiền nhưng mẹ cương quyết bắt Hường đến trường. “Anh Bá qua đời, gia đình tui chao đảo vì mất đi người trụ cột trong nhà và vì nợ nần chồng chất. Có khi tìm trong nhà không còn thứ gì có thể bán được, gạo cơm không đủ mà ăn. Nhưng tui nhất thiết không để cho đứa mô phải nghỉ học, dù khổ sở đến mức mô thì tui vẫn quyết tâm nuôi chúng ăn học”, chị Nhơn tâm sự.

 

Với quyết tâm đó, mẹ Hường giờ một mình nuôi ba người con ăn học: Hường - sinh viên Khoa Văn, trường Đại học Sư Phạm Huế, em trai Hoàng Đức Long học lớp 11 và em Hoàng Văn Minh học lớp 4. Chị Nhơn tự hào kể: “Tui buôn bán ở chợ vất vả là thế mà tiền bạc cũng chẳng kiếm được là bao. Một mình làm không xuể việc nên Hường và em nó cũng phải đỡ đần tui rất nhiều. Vất vả là rứa nhưng được cái đứa mô cũng học khá cả”.

 

Chị Nhơn khoe, từ khi học lớp 1 đến giờ, năm nào Hường cũng đạt học sinh giỏi. Nhiều lần Hường nhận bằng khen học sinh giỏi huyện, tỉnh. Đó là nguồn động viên lớn nhất giúp chị vượt qua mọi khó khăn.

 

Hường còn có cách khác để kiếm tiền phụ mẹ. Em tập viết báo, viết văn, làm thơ gửi cho các báo. “Tập viết thời gian rồi cũng có bài được đăng báo, càng viết số bài được sử dụng càng nhiều, thế là em có thêm khoản thu nhập đáng kể thêm vào  để mua sách bút và nộp các khoản khác”. Bây giờ em đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên - Huế và nhiều tờ báo dành cho tuổi học trò khác.

 

Em đưa tôi xem bài thơ “Lời nhắn” còn chưa ráo mực: “Tôi nghiêng mình tìm lại ngày xưa / Của những kỉ niệm còn rơi vãi / Trong kí ức còn sót lại mùi hoa cải / Của vùng quê nghèo cát bụi / Dáng mẹ gầy lầm lũi / Đôi tay cha đầy những vết chai / Gánh gia đình oằn nặng trên vai…”

 

Không phụ lòng mẹ và thầy cô, Hường liên tiếp đạt nhiều thành tích đáng nể trong học tập, đặc biệt là với môn Văn. Bài văn đạt giải nhất tỉnh của em đã được các thầy cô giáo chấm thi đánh giá rất cao và đã được chọn đăng trên Tạp chí Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên - Huế. Chưa dừng lại ở đó, Hường tiếp tục đi thi học sinh giỏi Văn quốc gia và đạt giải ba. Nhưng Hường chưa hài lòng với kết quả này, em tiếc nuối: “Đề thi học sinh giỏi quốc gia không khó, nhưng vì không có nhiều sách vở để mở mang kiến thức từ trước nên em cũng chỉ đạt được kết quả khiêm tốn”.

 

Giờ đây, khi đã đặt chân vào giảng đường đại học, em lại tiếp tục nuôi lớn ước mơ: “Em sẽ nỗ lực nhiều hơn để trở thành một giảng viên Đại học”.

 

Nguyễn Khoa - Nguyễn Hòe