Cô bảo mẫu đầu tiên trên đỉnh Suối Giàng

(Dân trí) - Khi ở đô thị, cán bộ, công nhân viên chức nhận đồng lương hàng tháng một vài triệu đồng thì tháng 1/2000, cô giáo Lại Thị Hiền đến nhận công tác tại Trường Tiểu học Suối Giàng với đồng lương hợp đồng 80.000 đồng/tháng. Suốt hai năm liền cô chỉ biết lặng lẽ chia đều cho mỗi ngày và chắt chiu cất đi 20.000 đồng phòng khi thuốc men cho học trò và cho mình giữa miền sơn cước...

“Trận địa” là đây

 

 Đêm đầu tiên nằm một mình trong phòng tập thể, cũng là lần đầu tiên xa nhà, Hiền trằn trọc không sao ngủ được. Gió vù vù thổi xuyên qua vách đất nứt nẻ lọt vào phòng làm cho những mảnh báo cũ dán tạm bợ trên vách bay lật phật. Xa xa, tiếng con thù thì run rẩy trong đêm, tiếng chim ú oà vang vọng khe núi hoà lẫn tiếng nước chảy róc rách của máng nước. Từ một cô gái đồng lúa Thái Bình bây giờ Hiền mới hiểu một đêm giữa vùng cao Suối Giàng. Hiền nhớ nhà quá, song tiếng ông trưởng phòng giáo dục cứ chờn vờn trong óc:

 

- Không xa nhưng mà cao, cháu ạ. Một trăm phần trăm là đồng bào H'Mông. Phải trụ vững nhé!

 

Hiền lại nghĩ, đây có giống Trường Sơn không nhỉ? Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cứ nghe đến Trường Sơn là lòng Hiền như có một sức mạnh nào đó trỗi dậy. Hiền ước ao được sống như cha anh ở Trường Sơn năm xưa, gian khổ, lãng mạn và vĩ đại. Bây giờ Hiền đã nằm giữa đỉnh Suối Giàng, cái đỉnh cao chót vót với bao giai thoại hay, sợ lẫn lộn, vui chẳng nhiều mà buồn thì không ít.

 

Sáng dậy, mấy chị giáo viên đã nấu xong mỗi người một bát bún khô. Vừa húp miếng đầu tiên, Hiền giật mình chững lại, một bát nước muối với chút ớt cay và vài sợi bún. Hiền liếc nhìn xung quanh, các chị ăn xì xụp ngon quá, Hiền vội cúi xuống xuýt xoa húp cho hết bát bún không người lái.

 

Buổi đầu tiên lên nhận việc, anh hiệu trưởng đưa Hiền đến một ngôi nhà cũ, nhà chẳng ra nhà, lán chẳng ra lán, tường đất vỡ lung tung, hốc hác, nền nhà ổ voi, ổ trâu, đầy vết chân lợn thả rông của dân bản. Anh bước vào nhà rồi quay lại cười và đôi mắt vẫn nghiêm: - Trận địa của cô đây. Lớp mẫu giáo đầu tiên của xã Suối Giàng đây, cô gái Trường Sơn ạ.

Suýt nữa Hiền kêu lên: "Lớp đây?" song rất may cô kìm lại được, và cô hiểu từ mai vị trí làm việc của mình là đây. Lướt nhìn xung quanh một lượt, cô với tay rung thử tấm vách, đất rơi xuống lả tả, cô quay lại:

 

- Anh Toán ạ! Ngày mai em sẽ đề xuất với anh bằng văn bản nhé, phải sửa nhiều lắm. Lớp phải ra lớp chứ!

 

Mọi đề xuất của Hiền được chi bộ Đảng, nhà trường và chính quyền xã thông qua nhanh chóng, Chủ tịch xã  Vàng A Đằng chỉ bổ sung bằng lời:

- Còn vất vả lắm đấy cô giáo ạ. Ở đây dân thì nghèo, phong tục lại khó sửa, nó chỉ thích địu con lên nương, lên rẫy thôi, chưa đi lớp bao giờ.

 

Giọng hát líu lo trên đỉnh Suối Giàng

 

Cùng với công việc sửa chữa lớp học, Hiền xuống cơ sở để vận động bà con đưa trẻ đến lớp, từ Pang Cáng đến Giàng A, Giàng B, Giàng Cao, Suối Lóp, rồi Bản Mới, Tập Lăng I, Tập Lăng II cách nhau hàng chục cây số đường rừng. Có lần rời khỏi bản trời đã về khuya, đi một chập thì đèn pin bị hỏng, Hiền mò mẫm đi theo trí nhớ rồi lại lạc vào bãi tha ma của dân bản. Sợ hãi, bất lực, Hiền ngồi thụp xuống, nước mắt lăn hai bên má, cổ nghèn nghẹn nấc lên nhiều lần mà miệng vẫn mím chặt. Chợt phía xa có ánh đèn lấp ló. Hiền vụt đứng dậy gọi to:

 

- Ai trên nương không? Cho tôi về với các bác ơi!

 

Một tiếng hú dài vọng vào vách đá, rồi có tiếng người:

 

- Lạc đường à? Đợi đấy...!

 

Thế rồi Hiền được một trai bản trên đường đi thăm nương đưa về đến tận trường. Lúc chia tay, anh thanh niên còn nói: "Mình thích cô giáo lạc đường nhiều lần nữa đấy. Mình lại đưa về mà".

 

Buổi học đầu tiên Hiền nhớ lắm, từ các con đường nhỏ chênh vênh vách đá, các bà, các chị váy trùm gối, lưng đeo gùi, tay bế trẻ đằng trước, dắt trẻ đằng sau, rung rinh tiếng nhạc rừng quanh người. Có gia đình, chồng dắt ngựa cùng vợ đưa con đến lớp. Ba chục cháu ngồi trong lớp học thì có hơn ba chục người nhà vây quanh, thập thò, ngó nghiêng xem con cháu mình học. Buổi trưa nghỉ, họ ào vào đón con, dở cơm gói trong lá dong, lá chuối với thức ăn chỉ là muối ớt, măng chua cùng ăn ngon lành.

 

Cô bảo mẫu đầu tiên trên đỉnh Suối Giàng - 1

Ba chục cháu đến lớp là hạnh phúc lớn đối với Hiền và cũng trong buổi học đầu tiên này cô nhận thấy mình phải học tiếng H'Mông, đó chính là cơ hội cho mình nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng và dạy dỗ các cháu, nhất là duy trì số lượng các cháu đến lớp. Trên đỉnh Suối Giàng lần đầu tiên đã vọng lên tiếng hát trong trẻo của cô, líu lo của cháu.

 

Tiếng cô kể chuyện sôi nổi khi thì thành tiếng thỏ con, khi thì tiếng gấu mẹ, tiếng gà gáy, tiếng chim hót, cả tiếng ô tô, tiếng xe máy và cả tiếng còi xe bim bim... Các suất ăn đã được để trong cặp lồng cách nhiệt, sạch sẽ, ấm áp thay cho lá rừng, là chuối. Quần áo các cháu đến lớp đã gọn gàng, sạch sẽ, đủ ấm trong những ngày giá lạnh, những đôi giày nhỏ, dép hồng đã thay cho những đôi chân đi đất triền miên của các cháu.

 

Suốt ngày dạy dỗ, chăm sóc hơn ba chục cháu nhỏ, tối về Hiền cặm cụi soạn giáo án, làm những con rối ngộ nghĩnh, vẽ tranh, cắt hình, làm cả cái xe đạp, cái cối nước... cho các cháu học và chơi. Chủ nhật, sáng tranh thủ đi cơ sở, chiều về lại bê đá, gánh đất đắp mấy luống đất trồng rau xanh. Với đồng lương hợp đồng 80.000 đồng một tháng, suốt hai năm liền Hiền chỉ biết lặng lẽ chia đều cho mỗi ngày và chắt chiu cất đi 20.000 đồng phòng khi thuốc men cho cháu, cho cô.

 

“Sáng cả xã mình cô giáo ạ!”

 

Năm thứ hai, số học trò tăng lên, Hiền có thêm đồng nghiệp mới, đồng thời Hiền đề xuất với lãnh đạo cho đào tạo giáo viên mầm non là người địa phương và phát triển lớp về tận thôn bản.

 

Năm học 2002-2003 khối mẫu giáo được tách khỏi trường tiểu học, Hiền được đề bạt phụ trách trường mẫu giáo Suối Giàng và được chuyển từ hợp đồng ngắn hạn sang hợp đồng dài hạn. Đồng lương nhích lên chút ít, thỉnh thoảng bữa cơm chị em có thêm chút thịt gửi mua từ chợ xa về. Trường được xây dựng kiên cố ở trung tâm Pang Cáng và số lớp được phát triển thêm về Giàng A, Giàng B, giáo viên đã làm tốt nhiệm vụ dạy các cháu bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng H'Mông.

 

Cũng trong năm học này, lần đầu tiên Nhà trường tổ chức hội thi "Bé khoẻ - Bé ngoan". Ngày tổ chức, bà con dân bản kéo về chật cả sân Uỷ ban xã, có bà mẹ đã khóc rất to khi nhìn thấy con mình ở trên sân khấu đẹp quá, giỏi quá. Tan hội, phụ huynh chẳng muốn về, cứ xúm quanh các cô giáo, muốn nói được lời biết ơn.

 

Anh Phù Can Sứ có tới 3 con gửi ở trường đã thốt lên: "Bản mình muốn gửi tất con cho cô giáo dạy đấy, cho nó biết nhiều cái chữ, biết hát, biết múa, để lại làm cô giáo mà". Bí thư Vàng A Tủa cũng không kìm nổi xúc động: "Giỏi lắm rồi! Sáng cả xã mình rồi cô giáo ạ. Suối Giàng mình chẳng kém gì các xã nữa".

 

“Vì đàn em, cô giáo về cùng dân”

 

Năm học 2003-2004 tin vui liên tiếp đến với Hiền. Cô được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được biên chế chính thức và có quyết định là Hiệu trưởng trường Mầm non Suối Giàng. Tầm hoạt động được mở rộng hơn, Hiền về Sở Giáo dục & Đào tạo, sang khoa mầm non trường Cao đẳng mẫu giáo của tỉnh mua sắm, xin trang thiết bị cho trường Suối Giàng. Sân chơi của các cháu đã có cầu trượt, đu quay, bập bênh, phòng học đã có phòng nhạc, múa, phòng thực hành với các loại giáo cụ trực quan để nâng cao chất lượng dạy và học. Bữa ăn của các cháu đã được nâng cao theo chế độ 3.000 đồng/ngày do các cô chế biến, nấu nướng.

 

Bảy năm là thời gian ngắn cho một cơ sở từ tay không đi lên, lại có quá nửa thời gian 100% giáo viên là hợp đồng và chưa đạt chuẩn, nhưng trường mầm non Suối Giàng với nữ hiệu trưởng Lại Thị Hiền - cô gái Thái Bình trên đỉnh núi lặng lẽ bới đá, nhặt cỏ, cơm ngô muối ớt, cần mẫn đã trụ vững và đi lên.

 

Hội thi "Bé khoẻ - Bé đẹp" lần thứ ba thành công, chương trình khép lại với tốp ca của các cô giáo có các cháu ríu rít xung quanh. Tất cả cùng cất cao lời ca: "... bản làng đây núi rừng cao lắm - Vì đàn em cô giáo về cùng dân...". Tiếng hát bay xa vọng vào vách núi, thấm vào rừng xanh, hoà quện trong hương sắc của ngàn cây chè cổ thụ và đọng lại trong tâm hồn con người trên đỉnh Suối Giàng hôm nay và mai sau.            

 

Hương Giang