Chuyện tình của hai người "say chữ" dưới chân Pu Si Lung

Mỗi chiều, khi tia nắng cuối ngày vụt tắt cũng là lúc vợ chồng thầy Nước, cô Dòn buồn nhất. Bởi đó là lúc họ nhìn đám trẻ vội vã trở về "tổ ấm".

Họ lại đứng trên đỉnh đồi cao, hướng mắt về phía xa xa, nơi ấy có hai đứa con thơ đang ngóng đợi cha mẹ trở về. Thắm thoắt đã 10 năm họ trải qua, hy sinh tình cảm riêng tư, miệt mài "gieo chữ" dưới chân núi Pu Si Lung… 

Nơi đất rộng, người thưa

Đặt chân giữa miên man đất đá cỏ cây trên con đường độc đạo từ trung tâm xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi toát mồ hôi giữa hơi ẩm lạnh giá của đại ngàn để đến với điểm trường Sín Chải A (Trường Mầm non Pa Vệ Sử).

Giữa núi đồi, bỗng tiếng đọc bài "ê", "a" cất lên trong điểm trường mầm non của những em bé người La Hủ dù chưa rõ tiếng phổ thông nhưng đủ phá vỡ sự im lặng của miền cao nguyên lạnh ngắt xám màu đá.

Tiếp chúng tôi với giọng nói hồ hởi, sang sảng, thầy Nguyễn Đình Tình, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Vệ Sử (Tiểu học Pa Vệ Sử) vừa rót chén trà ấm, vừa tâm sự: "Bây giờ có đường đi cũng khá hơn rất nhiều rồi, chỉ cách đây vài năm thôi các thầy cô giáo đến với điểm trường Sín Chải A đều phải vượt qua những con dốc đá dựng đứng, một bên là núi cao, bên kia là vực sâu".

Chuyện tình của hai người say chữ dưới chân Pu Si Lung - 1

Thầy trò cùng tham gia trải nghiệm. Ảnh: NVCC

Theo chân thầy Tình, chúng tôi đi từng điểm trường tại xã Pa Vệ Sử nằm lẩn khuất sau những ngọn đồi giữa muôn trùng mây núi. Thầy Tình cho biết, đây là một trong 6 xã vùng biên của huyện Mường Tè, nơi có đỉnh Pu Si Lung. Đây cũng là ngọn núi cao thứ 2 của cả nước sau "nóc nhà" Đông Dương (đỉnh Phan Xi Păng).

Cả xã Pa Vệ Sử có đến 13 điểm trường lẻ nằm rải rác trong các bản trải đều trên diện tích lên tới 244 km2 của xã. Tính bình quân, mật độ dân số chỉ có 6 người/km2.

Bước vào những điểm trường, phòng học khang trang hơn cả là để dành cho những trẻ mầm non sơn màu kem còn mới nổi bật trên triền đá. Ở bên cạnh, những phòng học dành cho các em học sinh tiểu học là những căn nhà gỗ tuềnh toàng hun hút gió.

Dừng chân tại điểm trường Mầm non Sín Chải A, người chào đón chúng tôi là thầy giáo Mào Văn Nước. Thầy Nước quê ở xã Bum Nưa, huyện Mường Tè. Gương mặt trẻ trung của thầy vừa bất ngờ vừa xen lẫn niềm vui vì đón những vị khách tới thăm. Thầy Nước vội cho các em ổn định chỗ ngồi rồi hồ hởi đón tiếp chúng tôi.

"Điểm trường Mầm non Sín Chải A có 30 học sinh, thầy Nước và cô Lù Thị Dòn (vợ thầy Nước) vừa giảng dạy cũng đồng thời phụ trách lớp học. Thực sự với góc độ quản lý, tôi luôn trân trọng tình cảm và sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ của họ.

Là địa bàn khó khăn, xa xôi, cách trở, một số chế độ không có song họ đã dành trọn tình yêu nghề, mến trẻ để gắn bó với trường, với lớp, với học trò nghèo nơi đây", thầy giáo Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè tâm sự.

"Gieo" đam mê "trồng người"

Sau phút giới thiệu thân mật, thầy Nước chia sẻ mình đã có gần 10 năm gieo chữ cho trẻ mầm non. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên gắn bó với các em người La Hủ, thầy gặp nhiều khó khăn khi các em không biết tiếng phổ thông, việc dạy những con chữ đầu tiên cũng cần sự kiên trì, tận tâm của người thầy.

Bên cạnh những bài học cho trẻ mầm non, thầy Nước còn đóng vai trò như người cha reo vui cho các con khi cất tiếng hát, điệu múa trên khắp các sườn non của xã Pa Vệ Sử. 

Chia sẻ về quyết định chọn nghề mầm non của mình, thầy Nước chỉ cười và nói ngắn gọn: "Thì mình cũng yêu trẻ rồi đến mến rồi chọn nghề thôi, hàng ngày thấy các con khỏe mạnh, ngủ ngon, học được nhiều điều mới mẻ là mình thấy hạnh phúc rồi".

Cũng bởi tình yêu trẻ, mến nghề ấy đã khiến người yêu thuở "thanh mai trúc mã" của thầy Nước là cô Lù Thị Dòn ở cùng xã Bum Nưa. Hai người yêu nhau từ thuở cắp sách tới trường.

Thế rồi thầy Nước, chọn cho mình nghề mầm non, đi học, đi làm rồi say nghề. Thầy Nước đã "gieo" vào người yêu mình niềm đam mê nghề giáo từ khi nào cũng chẳng hay. 

"Trước khi đến với nghề em thấy lo lắng bởi cô giáo mầm non đòi hỏi công sức và thời gian rất nhiều cho các con. Em băn khoăn thì được anh Nước động viên "chồng làm được thì vợ cũng sẽ làm được" nên đã quyết tâm chọn nghề theo học và gắn bó", cô giáo Lù Văn Dòn kể lại. 

Cùng với sự quyết tâm của thầy giáo mầm non trẻ, cô Dòn cũng vững tin hơn khi đồng hành cùng thầy Nước. Hai người nên duyên vợ chồng. Thầy Nước lên non cao dạy trẻ, chắt chiu dành tiền nuôi vợ theo học sư phạm mầm non. Ngày ra trường, cô Dòn lại theo chồng lên non làm cô giáo nuôi dạy trẻ.  

Những năm đầu cô Dòn vào công tác, tuy cùng một xã, song hai vợ chồng như cách xa nhau cả trăm cây số vì cả tuần mới gặp nhau vào mỗi dịp cuối tuần. Từ 2017, được BGH tạo điều kiện, hai vợ chồng được phân công về cùng điểm trường ở bản Sín Chải A công tác

. Cũng vì thế mà từ đó đến nay, hai vợ chồng được gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Nói về việc vợ chồng được cùng một bản, cô Dòn bảo mình có cảm thấy may mắn khi hai vợ chồng được gần nhau, cùng làm công việc mà cả hai đã lựa chọn.

"Khó khăn ở đây thì luôn vô vàn, từ vận động học sinh, phụ huynh đưa ra lớp, đến việc bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò. Để vận động các bậc phụ huynh đưa con đến lớp là một hành trình gian nan khi phải băng rừng, lội suối để đến với bản làng.

Vận động bà con hiểu được ý nghĩa của việc học tiếng phổ thông để gửi các con theo học cũng là cả vấn đề. Nhiều khi chúng tôi phải đến tận nhà để đưa đón các con đi học đều đặn", thầy Nước tâm sự. 

Mỗi tối, khi gà lên chuồng thì vợ chồng thầy Nước, cô Dòn lại buồn hơn lúc nào hết. Bởi đó là lúc đám trò nhỏ vội vã về tổ ấm. Hai vợ chồng lại đứng trên đỉnh đồi cao, hướng mắt về phía xa xa. Nơi ấy có hai đứa con thơ ở độ tuổi mầm non cũng đang về với ông bà nội ngoại. 

"Mỗi lúc giao mùa, bọn trẻ thường bị ốm. Hai cháu nhà tôi cũng thế. Nhiều lúc cứ tủi thân vì hàng ngày vẫn chăm bẵm cho 30 đứa con, trong khi hai đứa mà mình đẻ ra lại chẳng được chăm trọn vẹn vài ngày. Nghĩ mà thương các cháu", cô Dòn nghẹn ngào tâm sự.  

Theo Ngọc Diệp - Huệ Trang

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm