Chuyện thầy trò ở xứ người
1. Chuyện chào: Lần đầu tiên chạm mặt với ông thầy trong khuôn viên trường, tôi cúi đầu chào theo cái cách mà bất cứ sinh viên, học sinh Việt Nam nào cũng làm khi gặp thầy mình. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên rồi nhanh chóng nói “Hi!”. Tôi thoáng ngỡ ngàng một chút rồi chợt nhận ra... mình đang ở Anh mà!
Lần thứ hai, gặp ông ngay trước cửa lớp, tôi và ông cùng cất tiếng một lúc “Hi!” dù tôi vẫn còn gượng gạo với lối chào này. Ở đây khi gặp nhau chỉ cần nói “Hi!” là đủ, dù người đó là già hay trẻ.
Tôi cũng biết vậy và cũng đã quen thuộc khi một ngày ít nhất cũng năm ba lần nói “Hi!” với những người quen. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy không thoải mái cho lắm khi nói “Hi!” với người dạy mình, để rồi sau đó trên đường đi tôi lại bâng khuâng nhớ về cách chào của bao thế hệ học sinh Việt Nam với thầy mình.
2. Chuyện thầy: Ở Việt Nam mình hình như người thầy luôn có sẵn một hình mẫu. Đó phải là một người mẫu mực, giản dị, chỉn chu từ cách ăn mặc đến phong thái... Song những người thầy ở Anh mà chúng tôi biết hết sức đa dạng.
Có người từ tốn, nền nã đúng mực. Có người chăm chút trang phục đến từng chi tiết như cà-vạt bao giờ cũng phải cùng màu với áo, hài hòa với quần. Ngược lại có những thầy lúc nào áo cũng bỏ ngoài quần, vai mang ba lô to sù, quần ka-ki trông rất bụi đời. Thậm chí trong nhiều buổi thi (mùa hè), có những ông thầy ăn mặc hết sức thoải mái: quần lửng, áo thun, đeo bông tai, tóc đinh...
Có thầy là giáo sư đầu ngành hẳn hoi nhưng lại mặc một cái áo sơ mi nhăn nhúm đến mức không còn chỗ để nhăn nữa. Chúng tôi biết có một giáo sư hầu như chỉ mặc áo thun, quần ka-ki, đi xe đạp đến trường. Ông giải thích việc không dùng xe hơi là để... bảo vệ môi trường!
Buổi trưa, ông ra một cửa hiệu trong khuôn viên trường mua tờ báo, một miếng bánh mì, vừa đi vừa gặm bánh và đọc báo. Theo ghi nhận của nhiều sinh viên thì những ông thầy người Anh dễ gần và thân thiện với sinh viên hơn thầy gốc từ các nước khác nhưng sống và làm việc ở Anh lâu năm.
Phong cách giảng dạy của giảng viên cũng có nhiều điều thú vị. Có người giọng đều đều rất buồn ngủ nhưng phần lớn đều năng động và hoạt động như một diễn viên. Khi cao hứng, nhiều ông thầy sẵn sàng đứng lên bàn, ghế múa máy. Nhìn chung, họ hết sức tự nhiên, nhiệt tình và thân thiện.
3. Chuyện sinh viên: Một điều gây ấn tượng mạnh với chúng tôi về những người trẻ nói chung, sinh viên ở đây nói riêng là thái độ tự tin. Họ tự tin từ phong thái đến cách giao tiếp, lối diễn đạt. Dường như giữa thầy và trò không có một khoảng cách giữa người lớn nhỏ hay giữa hai thế hệ.
Trong dịp tham dự khai trương một trung tâm thiếu nhi đặt trong một trường mẫu giáo - tiểu học, tôi nhìn thấy những học sinh còn rất nhỏ đến hỏi chuyện nhiều quan chức một cách rất tự tin và thoải mái.
Trong trường hợp sau đây thì rõ ràng sinh viên Anh và sinh viên Việt Nam có cách cư xử khác nhau: Ông thầy hướng dẫn hẹn gặp và làm việc, đến quá giờ trưa, mặc dù vừa đói vừa mệt nhưng một sinh viên Việt Nam sẵn sàng ngồi đợi thầy chủ động kết thúc buổi làm việc rồi mới đi ăn trưa. Trong khi đó, một sinh viên Anh có thể nhắc ngay thầy rằng “sắp đến giờ tôi hẹn ăn trưa với một người bạn, nếu không có gì quan trọng thì chúng ta sẽ tiếp tục làm việc vào lúc khác!”
Trong lớp học, khi có thắc mắc gì muốn hỏi, sinh viên giơ tay lên, ngồi tại chỗ và kêu tên thầy để thầy nhận thấy và đặt ngay câu hỏi. Lúc đầu tôi cũng thấy hơi kỳ kỳ với kiểu phát biểu này nhưng thời gian trôi qua rồi... cũng quen.
Theo Thuỳ Ngân
(Từ Anh quốc)
Thanh Niên