Chuyện thanh tra ủy quyền giám sát kì thi

(Dân trí) - Chế độ công tác phí thì thấp, áp lực thì cao…, đến địa phương thì nơp nớp lo sợ. Bao nhiêu nỗi khổ dành cho thanh tra ủy quyền mà chỉ có những người trong cuộc mới thấu hiểu.

Hai năm trở lại đây lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GĐ-ĐT ở các địa phương “mỏng” đi rất nhiều. Cả nước có hơn 600 thanh tra ủy quyền được bố trí cho 64 đơn vị. Do đó, chỉ những địa phương nào có số lượng thí sinh dự thi lớn hoặc được liệt vào danh sách “tầm ngắm” của Bộ GD-ĐT thì mới được ưu ái “tiếp đón” tối đa 15 thanh tra. Trong khi đó, với địa bàn thi rộng đòi hỏi thanh tra ủy quyền phải luôn gồng mình với sứ mệnh được giao xen lẫn cùng nỗi lo về “trách nhiệm”.
 
Chuyện thanh tra ủy quyền giám sát kì thi - 1

Chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi khổ của thanh tra ủy quyền.

Trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại một tỉnh vùng cao, thầy L.V.A, giảng viên trường ĐH T. chia sẻ: “Đây là năm thứ 4 tôi đi làm công tác thanh tra. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ là sướng nhưng thú thật từ lúc đặt chân đến địa phương tâm trạng lúc nào cũng lo lắng, chỉ khi kết thúc kì thi không có vấn đề gì thì lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm”.

Cũng theo thầy L.V.A, khi đoàn thanh tra ủy quyền đến địa phương thì công việc đầu tiên là nắm bắt tình hình thực tế. Sau đó anh em trong đoàn bàn bạc đến công việc “tác chiến” trong những ngày thi.

“Nghe thì có vẻ bình thường nhưng thú thật khâu lên kế hoạch đi đâu, “đột kích” ở vùng nào anh em đều phải phân tích kỹ lưỡng. Thường thì các điểm thi “nóng” của những năm trước đều lọt vào tầm ngắm. Tuy nhiên đôi khi cũng phải thay đổi chiến thuật để tạo bất ngờ. Không khác gì chơi trò “đột kích”!” - thanh tra ủy quyền L.V.A hóm hỉnh tiết lộ.

Nếu chúng ta để ý thì dễ nhận thấy một điều là phần lớn giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia vào công tác thanh tra kì thi tốt nghiệp đều có độ tuổi rất. Sở dĩ các trường lựa chọn những đối tượng này bởi đều tin tường vào lực lượng trẻ, những người có lòng nhiệt huyết và trách nhiệm. Thầy L.T.T, giảng viên trường ĐH K. mới ngót 30 tuổi nhưng đã có 3 năm chinh chiến ở kì thi tốt nghiệp THPT. Bề ngoài được mệnh danh là hiền từ nhưng đối với giám sát thi thì được nhiều người gọi là “sát thủ”.

“Mình nghĩ việc bố trí nhiều hay ít thanh tra ủy quyền đến địa phương không quan trọng. Vấn đề chính là những người tham gia kì thi làm có nghiêm hay không. Mình thấy vài năm trở lại đây thi tốt nghiệp THPT đã nghiêm túc hơn nhiều bởi nhẽ có nhiều lực lượng tham gia kì thi và giám sát lẫn nhau. Chỉ cần lơ là, thiếu trách nhiệm là bị “phê binh” ngay. Thú thật đi làm thanh tra bọn mình sợ nhất là “tố” lẫn nhau, chính vì thế tốt nhất là làm đúng quy chế và không được phép nương tay” - thầy L.T.T cho hay.

Mặc dù nói là thế nhưng không ít thanh tra ủy quyền từng rời vào những tình huống “mếu máo”. Lo sợ cũng có, khó xử cũng không ít lần, thậm chí còn linh động “phá” quy chế thi để ứng phó với tình huống “không giống ai”.

“Có một năm bọn mình mạnh dạn phê bình một hội đồng thi vì chưa làm tròn trách nhiệm. Chẳng biết thông tin lọt ra thế nào mà người địa phương cứ tưởng đoàn làm “khó”. Ngay tối hôm đó đoàn ăn cơm xong, đang nghỉ ngơi thì đèn điện vụt tắt, cửa thì bị chốt bên ngoài. Anh em trong phòng ai cũng mướt mồ hôi. May mà việc chỉ có thế. Đến bây giờ nghĩ lại mà tôi vẫn còn thấy run” - Trường đoàn thanh tra của trường ĐH L. bồi hồi nhớ lại.

Trước câu hỏi: Liệu địa phương có “quà cáp” để lấy lòng thanh tra uy quyền hay không? Thầy T.X.K thẳng thắn cho biết: “Mình đi làm công việc này đã 3 năm nhưng chưa có một địa phương nào dám “táo bạo” làm như vậy. Nhiều người thì cứ đồn thổi thế này, thế nọ làm bọn mình toàn mang tiếng oan”.

“Đôi khi thấy anh em lên công tác vất vả nên địa phương cũng cố gắng tiếp đón chu đáo thể hiện ở chỗ chủ động liên hệ để đặt hộ phòng nghỉ cho anh em, đi thanh tra đâu đó thì linh động bố trí cho cái xe. Chỉ từng ấy thôi mà bọn mình cũng đã rơi vào thế khó xử” - thầy K. bộc bạch.

Theo thầy L.Q.G thì khổ nhất trong công tác thanh tra đó là rơi vào tình trạng “oái ăm”. Nhiều tình huống mà nếu cứ dập khuôn theo quy chế thì chắc chắn phải lập biên bản xử lý thí sinh, chính vì thế mà thanh tra phải luôn cân nhắc với quyết định của mình.

“Có lần mình chứng kiến một thí sinh chưa phát đề đã hí húi ghi chép sau đó khoanh tròn hết đáp số trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Nghi ngờ anh em vào trong kiểm tra thì mới vỡ lẽ do môn thi này thí sinh học yếu nên đành phải chọn giải pháp chọn tất cả cùng một đáp án, kiểu gì cũng được 2,5 điểm. Nếu mà chiếu theo quy chế thì rõ ràng thí sinh sai nhưng ở đây mình không thể xử lý mạnh tay được” - thầy G. tiết lộ.

Cùng chung quan điểm này, thầy L.V.A chia sẻ thêm: “Khi giải quyết các tình huống đòi hỏi phải hết sức thận trọng bởi chỉ cần một tác động không tốt dễ đưa thí sinh vào trạng thái tuyệt vọng và hậu quả thì không thể lường trước được. Quan điểm của bọn mình thì nhắc nhở vẫn là giải pháp hàng đầu”.

Kì thi tốt nghiệp THPT lại đến và theo quy luật đó thanh tra ủy quyền tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ với những tâm trạng khác nhau. Thổn thức cùng thí sinh một thanh tra ủy quyền gọi điện cho chúng tôi chia sẻ: “ Không chỉ có thí sinh mà ngay cả thanh tra bọn mình cũng cần phải “an toàn” và “nghiêm túc”!”.

Nguyễn Hùng (ghi theo lời kể)