Chuyện những cô giáo Việt tương lai ở “lò đào tạo” nước ngoài

(Dân trí) - Những giáo viên, giảng viên xuất thân từ các trường sư phạm trong nước, hoặc đi du học về theo nghề giáo là điều không hiếm gặp, nhưng chuyện về những người thầy tương lai học sư phạm ở nước bạn thì chắc chưa nhiều người biết đến.

Kì 1: Có gì khác trong chương trình đào tạo?

 

Một trong những cái nôi sư phạm ở xứ sở bạch dương, từng có khá nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam theo học là trường Đại học Sư phạm Quốc gia Tula mang tên L. N. Tolstoi. Gần 6 năm theo học tại đây, bạn Hoàng Thị Hương, sinh viên năm cuối ngành tiếng Nga và Văn học cũng đã tự rút ra cho mình những điểm khác biệt cơ bản của đào tạo sư phạm tại Nga.

 

Chuyện những cô giáo Việt tương lai ở “lò đào tạo” nước ngoài
ĐHSP Quốc gia Tula là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên quy mô, uy tín của nước Nga, nơi có rất nhiều DHS Việt Nam theo học.



Theo Hương, bên cạnh học các môn chuyên ngành, giao viên bên này cũng rất chú ý đào tạo cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức sư phạm cơ bản, không chỉ qua những môn lý thuyết mà đặc biệt là trong giai đoan đi thực tập. Chương trình học chú trọng nhiều đến thực hành nên nắm bắt vấn đề lý thuyết tốt hơn và dễ ghi nhớ hơn. “Ngoài ra, do đặc trưng là học ngôn ngữ nên hình thức giảng dạy cũng đặc biệt hơn, lớp học chung khoảng mười sinh viên trơ lại, chúng mình được thực hành nghe- nói nhiều hơn, trao đổi với giáo viên một cách thoải mái trên lớp”, Hương chia sẻ.

 

Ở Nga, sinh viên sư phạm đi thực tập từ năm thứ 3, 4 (tức là năm thứ 2, 3 trong chương trình chính khóa). Thuờng mỗi kì thực tập kéo dài một tháng rưỡi, hai tuần đầu đến kiến tập tại trường học để nghe, theo dõi giáo viên đứng lớp rồi qua đó học hỏi phương pháp giảng dạy; bốn tuần sau sẽ trở về khoa thỉnh giảng, rồi có những buổi dạy thử và dạy thật. Còn trong các năm học trước, các nhà giáo tương lai được đi thực tế,  dự giờ rùi tham gia trại hè, đi tham quan dã ngoại cùng với lớp, nhiều khi là đi…trông trẻ để có thêm kinh nghiệm.

 

Một giờ thực hành của các sinh viên sư phạm
Một giờ thực hành của các sinh viên sư phạm



“Nhà trường rất quan tâm những môn giáo dục và tâm lý sư phạm hơn, nội dung đào tạo cũng khá rộng, để cung cấp kiến thức tổng hợp cho người học, vì thế, dù chuyên ngành là sư phạm toán nhưng bọn mình được học rất nhiều môn như giải phẫu học, luật, kinh tế..”, một sinh viên năm thứ 4, khoa Toán tâm sự.

 

Bên cạnh chương trình đào tạo, có thể thấy, chính bản thân các thầy cô giáo - các nhà sư phạm cũng để lại những ấn tượng sâu sắc cho những du học sinh Việt. Hương cho biết thêm: “Các thầy cô giáo Nga là những người rất nhiệt tình. Còn nhớ những ngày đầu chúng minh chưa biết chữ, các cô đã tận tình chỉ dạy từng ly từng tí một rất cẩn thận, từ phát âm, đến viết sao cho chuẩn. Các cô còn rất thân thiện với tụi mình, luôn đồng cảm, hỏi han cuộc sống như  có quen không, có nhớ nhà không, những dip lễ Tết có tổ chức gì không cho đỡ buồn...”.

 

Hoài Đảm - Quang Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm