Chuyên nghiệp hóa đội ngũ hiệu trưởng: Yếu tố nào quan trọng?

(Dân trí) - “Mục đích của chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông nhằm phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của đội ngũ hiệu trưởng. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và tiến đến đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”.

Đó là chia sẻ của ông Ninh Thành Viên - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang về Dự thảo quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông vừa được Bộ GD&ĐT công bố.


Cha mẹ học sinh, giáo viên là những nhân tố quan trọng để đánh giá hiệu trưởng

Cha mẹ học sinh, giáo viên là những nhân tố quan trọng để đánh giá hiệu trưởng

Cần “đo đếm” được chức danh hiệu trưởng

Theo ông Ninh Thành Viên, dự thảo quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông với 5 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí đã hướng đến xây dựng đội ngũ quản lý trường học phổ thông hiện đại, năng động, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tiêu chuẩn năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; phát triển phẩm chất, năng lực quản trị trường học của hiệu trưởng trường phổ thông.

Phân tích kỹ hơn về dự thảo chuẩn hiệu trưởng, ông Viên cho rằng, thời gian tới, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, để đáp ứng yêu cầu thì đội ngũ nhà giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, đội ngũ hiệu trưởng các trường phổ thông cũng không thể đứng ngoài cuộc. Hiệu trưởng là người lãnh đạo nhà trường cả về đội ngũ lẫn chuyên môn, nghiệp vụ nên phải đi đầu và đáp ứng các yêu cầu đổi mới.

Trong bối cảnh như vậy, hiệu trưởng cần phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí để “chấm điểm”, “đo đếm” được. Đây sẽ là căn cứ để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông tự đánh giá, tự phấn đấu, học tập nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá nhằm xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục...

Nhìn chung đây sẽ là giải pháp quan trọng để chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý nhà trường.

Nhân tố xây dựng môi trường giáo dục dân chủ

Ngoài ra, cũng theo ông Viên, dự thảo chuẩn hiệu trưởng đã đề cao yêu cầu người hiệu trưởng phải có tâm, có kỹ năng quản lý, có năng lực chuyên môn.

Nhấn mạnh đến tiêu chuẩn năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, ông Viên cho rằng, hiệu trưởng theo chuẩn mới không chỉ có việc tự đánh giá của bản thân và cấp quản lý mà còn có sự tham gia của xã hội.

Cụ thể là về phương pháp đánh giá, xếp loại đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông sẽ sử dụng các nguồn thông tin như ý kiến tự đánh giá của hiệu trưởng qua hồ sơ minh chứng; ý kiến của tập thể giáo viên, nhân viên trong trường; ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng; ý kiến đánh giá, kết luận của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp…

Với 5 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông sẽ giúp đội ngũ hiệu trưởng hoàn thiện hơn trong việc tu dưỡng, nâng cao trình độ chính trị cũng như chuyên môn, nghiệp vụ.

Người hiệu trưởng được hoàn thiện các yếu tố sẽ là động lực để tập thể nhà trường tiến bộ. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để mỗi nhà trường, mỗi địa phương và toàn ngành Giáo dục thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Xuân Hồng