Chuyện khuyến học của một danh nhân thành đạt
(Dân trí) - Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, phải vượt qua bao nhiêu khó khăn vất vả để được đến trường. Hơn ai hết, anh Phạm Sơn Hải (Hải Sơn) hiểu và thông cảm với những đứa con nhà nghèo đi học.
Giờ đây, anh Hải Sơn đã trở thành một danh nhân thành đạt. Anh trở về quê hương (Tháp Mười - Đồng Tháp) trao học bổng hàng năm, giúp đỡ những em học sinh nghèo hiếu học.
Anh Hải Sơn là người con của Tháp Mười (Đồng Tháp). Thưở nhỏ, nhà nghèo anh đi học rất vất vả, phải vượt qua hơn chục cây số đi bộ mới đến được trường. Với tinh thần ham học anh cố gắng vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Mười hai năm phấn đấu học tập cũng qua. Anh tốt nghiệp phổ thông, ra trường năm 1986.
Cuộc đời anh lại bắt đầu một giai đoạn gian lao mới. Sau nhiều năm bôn ba tìm việc, làm đủ nghề: đi tàu thuỷ, buôn bán, khai hoang mở đất… anh quyết định tìm đến với nghề kinh doanh. Lúc đầu chỉ là buôn bán cà phê, buôn bán nhỏ. Giờ đây, anh đã trở thành một danh nhân thành đạt.
Anh là giám đốc của Công ty TNHH Thiên Lộc chuyên khai thác vật liệu xây dựng; thi công trình các công trình xây dựng và là ông chủ của một cửa hàng bán cà phê lớn ở Kiên Lương - Kiên Giang.
Thấu hiểu được nỗi khổ của những học trò nghèo. Anh Hải Sơn trở về nơi chôn nhau cắt rốn, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hằng năm, anh đóng góp 10 triệu đồng cho trường THPT Tháp Mười, trao 20 suất học bổng cho những em học sinh nghèo hiếu học, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đi học. Anh định tặng một phòng máy vi tính cho trường THPT Phú Điền, nhưng vì cơ sở vật chất chưa có nên trường chưa nhận.
Anh Hải Sơn còn tạo công ăn việc làm cho gần hai chục em thất nghiệp ở quê. Hàng tháng anh bao cơm, bao chỗ ở cho các em. Đặc biệt hơn, anh trả công cho họ bằng vàng và trả trực tiếp cho gia đình (mỗi tháng một chỉ) để tránh việc tiêu xài phung phí của các em.
Hiện anh Sơn còn là Uỷ viên Hội khuyến học tỉnh Kiên Giang. Anh mong muốn có thể đóng góp nhiều công sức cho phong trào khuyến học của quê hương.
Nguyễn Nhi