Chuyện khó tin về đôi vợ chồng già tuổi thất thập cùng tốt nghiệp ĐH

Thật khó tin, khi đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thì đôi vợ chồng cô Lê Thị Bạch Vân và thầy Trần Hữu Tài vẫn không nguôi niềm ham học. Đôi vợ chồng này đang nắm trong tay vài ba bằng đại học, cao đẳng.

Cặp đôi U70 trong lễ nhận bằng tốt nghiệp ngành Luật - Đại học Huế

Cặp đôi U70 trong lễ nhận bằng tốt nghiệp ngành Luật - Đại học Huế

 

 

Đôi bạn già cùng tiến

 

Không khó để người viết tìm đến địa chỉ của đôi vợ chồng già Lê Thị Bạch Vân (1947) và thầy Trần Hữu Tài (1944), nằm trên đường Phạm Phú Thứ, P.3, Q.6,TP.HCM). Vẫn nụ cười tươi tắn, hiền hậu đó, trông cả hai ông bà trẻ hơn nhiều so với độ tuổi gần thất thập.

 

Cô Vân lật lại ký ức của cuộc đời mình, kể về “cái sự lạ đời” mà cả đôi vợ chồng già từng làm, khiến hàng xóm, bạn bè biết chuyện đều phải tròn mắt ngạc nhiên. Cô bảo, mình từng tốt nghiệp ngành Khoa giáo vạn vật (nay là Sinh học) tại Đại học Sài Gòn (1972). Trong khi đó, thầy Tài tốt nghiệp cử nhân Anh văn của Đại học Sư phạm TP.HCM. Quãng thời gian công tác, nghĩ đến chuyện về hưu ở nhà sẽ buồn, hai vợ chồng ông lại cùng tham gia học lớp dược sĩ tại Trung tâm đào tạo cán bộ y tế (khóa 1997-2001), nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, để sau này mở nhà thuốc tư nhân. Năm 2001, ông bà lại rủ nhau đi học tiếp lớp Đông y tại Trường đại học Y dược TP.HCM (khóa 2001-2006).

 

Trong suốt nhiều năm làm nghề giáo, cô Vân, thầy Tài luôn được đồng nghiệp và các em học sinh quý mến, không chỉ vì tấm lòng tận tâm, nhiệt thành của hai người mà còn ở sự hài hước, liêm khiết mà hai vị luôn giữ. Dù hoàn cảnh gia đình cũng chẳng lấy gì làm dư giả, nhưng thầy cô đặc biệt không mở lớp dạy thêm tại nhà để kiếm thêm thu nhập, phần vì sợ phụ huynh đánh giá nghề giáo thực dụng, phần vì lo các em học sinh nghĩ thầy cô sẽ thiên vị các bạn học thêm. Vì thế, họ chỉ mở các lớp phụ đạo miễn phí để kèm cặp các học sinh yếu kém trong lớp.

 

Thầy Tài nói về những suy nghĩ của mình: “Nghề giáo là một nghề cao quý. Chính tháng ngày đứng trên bục giảng đã thay đổi con người tôi, biến tôi thành người sống quy củ và trách nhiệm, bởi mình phải làm gương cho học trò. Nhiều năm theo nghề, nghề dạy cho mình tính nghiêm túc. Sau này đi học, vợ chồng tôi cũng luôn giữ tính nghiêm túc như thế”, cô Vân cho hay: “Nhiều lúc vợ chồng giận nhau, muốn cãi nhau nhưng phải kìm lại để tìm cách dung hòa, nghề giáo làm nền lại tính nóng nảy của con người. Giận nhau, cãi vã nhau không có lợi ích gì. Cô nghĩ cứ sống vị tha, trái tim của mình sẽ ổn định, không lo những cơn tai biến”

 

Đến tuổi nghỉ hưu, những tưởng cặp vợ chồng này sẽ chịu an nhàn, hưởng niềm vui buổi xế chiều cùng quầy thuốc nhỏ mở tại nhà, nhưng ai nấy đều bất ngờ khi họ lại cùng nhau đăng kí học Luật tại Đại học Huế, liên kết với Trung tâm Cemet thuộc Trường cao đẳng Giao thông vận tải III (khóa 2008-2012). Khi được hỏi về lí do chọn ngành học “khó chơi” nhất là Luật chứ không phải một ngành nào khác, thầy Tài cho hay: “Tôi muốn học những gì có ích chứ không phải học cho có. Học luật là để hiểu biết luật và lúc tranh luận thì biết thông tin chính xác mà nói chuyện. Biết cái gì nên làm, cái gì không được làm, nhất lại là dược sĩ mở nhà thuốc”. Cái ngày mà hai học viên U70 này tốt nghiệp, ai nấy đều vui mừng và ngưỡng mộ cái sự ham học của họ. Nhiều người dân quanh khu vực còn nhớ mãi cảnh tượng đôi vợ chồng già khoác áo mưa đến lớp, ngày ngày vừa bán thuốc vừa lật mở cuốn giáo trình Luật học để nghiên cứu. Một học viên từng học chung lớp chia sẻ: “Bản thân em còn trẻ nhưng nhiều khi cũng không thể tập trung học như hai bác. Là những người từng trải lại học qua nhiều lớp nên kiến thức xã hội của hai bác rất sâu rộng, có liên hệ rất tốt trong bài. Hai bác thực sự là tấm gương sáng cho lớp trẻ bọn em noi theo”.

 

Kể về niềm vui trong ngày tốt nghiệp, thầy Tài tâm sự: “Vợ chồng tôi đều có chung một khát khao học tập, nâng cao kiến thức. Mỗi lớp học trôi qua, là chúng tôi lại thu nạp được rất nhiều điều hay, cảm thấy cuộc sống này rất đáng sống. Tôi không biết sau này mình có hành nghề Luật được không? Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng để chạy đua với thời gian, không để uổng phí giây phút nào”. Cô Vân cũng cho biết thêm, bản thân cô ngay từ nhỏ đã mong ước trở thành luật sư, nhưng vì hoàn cảnh thời đó chưa cho phép.

 

Giờ đây, khi về già, dù ước mơ này có là viển vông thì cô cũng mong được một lần trong đời được thử sức, được có trong tay tấm bằng luật sư đầy trân trọng. Tháng 5 vừa qua, hai vợ chồng vừa nhập học lớp Luật sư và công chứng ở Học viện Tư pháp. Cô Vân bày tỏ: “Khi đi học, nhiều khi hai vợ chồng phải gặm bánh mì trừ bữa. Ngày học từ 4h chiều đến 9h tối, từ thứ 2 đến thứ 6, khi học song song công chứng và luật thì học thêm cả sáng thứ 7, chủ nhật. Về nhà thì phải dành thời gian bán thuốc, chẳng dám ngủ trưa vì mình đi học suốt, đến trưa về mà còn ngủ thì còn buôn bán gì”.
 
Bằng tốt nghiệp của cô Vân, thầy Tài


Bằng tốt nghiệp của cô Vân, thầy Tài

Bằng tốt nghiệp của cô Vân, thầy Tài

 

Lấy chuyện học làm niềm vui

 

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập dựa chủ yếu vào tiền lương hưu sư phạm và tiền bán thuốc ít ỏi tích góp mà có được, nhưng vì ham học, đôi vợ chồng già đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng cho mỗi khóa. Quả thật, nếu không yêu cái sự học, không ham tích lũy tri thức, thì chẳng cặp vợ chồng nào đã ngót 70 mà dám bỏ ra cả số tiền 40 triệu để hoàn thành khóa Luật sư. Có lẽ vì điều này, thầy cô đã được mọi người biết đến như một hiện tượng lạ, một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học.

 

Tuy nhiên, để có thể theo đuổi đam mê học tập thì cả hai vợ chồng đều phải suy nghĩ “nát cả đầu”. Trước khi đăng kí mỗi lớp học, hai cô thầy đều cùng ngồi lại, bàn bạc, chỉ khi hai người cùng đồng ý thì mới nộp hồ sơ. Dù hầu hết các lớp đều do thầy Tài tìm hiểu và đăng kí học nhưng đối với cô Vân, được đi học là một niềm vui. Đi học, tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ, học thêm được nhiều cái mới khiến cô cũng thấy mình trẻ hơn rất nhiều. Thời gian qua đi, biết bao kỉ niệm thời cắp sách tới trường lại ùa về sau mỗi giờ lên lớp. “Nhớ lại hồi còn làm giáo viên, ngắm các em học sinh mà thèm, giờ lại đến lúc mình được làm học sinh. Nghĩ cũng hay”, cô Vân cười chia sẻ.

 

Cùng trải qua rất nhiều lớp học, khóa học, nhất lại là học cùng người bạn đời của mình, thầy Tài tâm sự: “Hai vợ chồng cùng đi học có nhiều cái hay lắm, để mà nói về chuyện bài vở thì cả ngày không hết. Cùng đi học, cùng làm bài, có gì người này không hiểu thì người kia sẽ giải thích”. Quả thật, không phải ai cũng có thể tìm cho mình một người bạn đời cùng chí hướng, luôn thấu hiểu và tin tưởng đối phương hết mực như trường hợp của cô Vân, thầy Tài. Trong suốt buổi trò chuyện, đôi lúc vẫn bắt gặp ánh nhìn trìu mến mà cô Vân dành cho thầy Tài mỗi khi thầy say mê kể về những buổi học trên lớp hay những điều thú vị mà thầy vừa bắt gặp.

 

Hai vợ chồng vốn có một người con trai, nhưng đã mất do bệnh viêm gan nặng cách đây vài năm, khi mà anh chưa kịp lập gia đình. Nỗi đau mất mát, cộng thêm sự cô đơn tuổi già cũng chính là động lực để đôi vợ chồng này tiếp tục coi việc học làm niềm vui, làm ý nghĩa sống. Thầy Tài cười vui vẻ chia sẻ: “Già rồi, mỗi người đều có những cách để tìm niềm vui cho mình. Người thì thích đánh cờ, bàn chuyện trên trời dưới biển, người lại thích cây cảnh, chim kiểng… còn tôi thì thích học. Lạ thế đấy. Tuổi cao, người ta thường trở nên kém trí nhớ và không còn linh hoạt được như hồi trẻ nữa. Học để não được hoạt động, bài vở nhiều nên phải lo làm bài, không nghĩ về chuyện cũ, không nghĩ hồi nhỏ mình như thế nào, trung niên mình ra sao”. 

 

Tiến sĩ khoa học Đặng Công Tráng, giảng môn Luật Hiến pháp cho lớp học của cô Vân, thầy Tài cho biết: “Đã nhiều năm đứng trên bục giảng nhưng lần đầu tiên tôi thấy cả hai vợ chồng sinh viên già cùng học chung một lớp. Tuy lớn tuổi nhưng hai sinh viên này không những tham gia đầy đủ các buổi học mà còn rất tích cực phát biểu xây dựng bài, luôn hoàn thành các bài kiểm tra và bài thu hoạch sớm. Sau đợt giảng dạy đó, về nhà tôi thường lấy hai tấm gương này ra để giáo dục các con”.

 


Theo An Nhàn

Gia Đình&Xã Hội