Đắk Lắk:
Chuyện ít biết về những GV dạy tiếng Ê-đê
(Dân trí)-“Soạn giáo án bằng tiếng Ê-đê có lẽ là nỗi “ám ảnh” đối với những GV mới nhận công tác, nhất là đánh phông chữ tiếng Ê-đê vô cùng khó khăn, nhiều chữ cái phức tạp, khó gõ…. phải kiên nhẫn làm quen và học hỏi các GV đi trước mới có thể rành mạch được”.
Từ GV Toán chuyển sang GV dạy tiếng Ê-đê
Có lẽ đến bây giờ thầy trò Trường THCS Tô Hiệu (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) vẫn không quên những kỷ niệm đẹp đối với cô giáo H’loen Byă (46 tuổi) - người có một thời gian dài tham gia giảng dạy môn Toán tại trường. Ngày cô H’loen Byă bịn rịn chia tay trường để chuyển sang công tác tại một trường tiểu học và phụ trách một chuyên môn hoàn toàn chưa hề được đào tạo bài bản là dạy tiếng Ê-đê khiến cả trường rất ngạc nhiên. Lý do chỉ đơn giản vì địa phương này GV dạy tiếng Ê-đê còn thiếu, trong khi số lượng trường lớp và HS học tiếng Ê-đê ngày càng nhiều đã khiến cô H’loen Byă bao đêm trằn trọc về lời đề nghị chuyển công tác của một lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Krông Ana khi hàng trăm HS người đồng bào Ê-đê đang từng ngày chờ mong được học tiếng mẹ đẻ.
“Có một lần tôi đi vào Phòng Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục đặt vấn đề hiện tại GV dạy tiếng Ê-đê còn thiếu rất nhiều. Chỗ cô dạy nếu cô đi thì sẽ có người sẽ thay thế, còn chỗ đang cần thì lại không có. Trong khi các em HS người đồng bào Ê-đê đang chờ mong tiếng mẹ đẻ thì không ai đến dạy. Nghe vậy, như chạm vào lòng tự ái và cảm thấy thương trò vô cùng… Tôi quyết định nhận lời chuyển sang dạy tiếng Ê-đê cho HS Tiểu học” - cô giáo H’loen Byă tâm sự.
Không được đào tạo bài bản, thời gian đầu tham gia giảng dạy tiếng Ê-đê tại Trường tiểu học Lê Lợi (xã Ea Na, huyện Krông Ana) với cô H’loen Byă là cả một đoạn trường gian nan. Sau những buổi học đầu tiên, cô H’loen Byă lại tìm đến các thầy cô giáo có chuyên môn vững vàng để học hỏi phương pháp giảng dạy, mà theo cô, là đi từng bước như học phương pháp phổ thông tiếng Việt.
Khi được hỏi khó khăn nhất trong những ngày đầu tham gia giảng dạy tiếng Ê-đê, cô H’loen Byă tâm sự: “Soạn giáo án bằng tiếng Ê-đê có lẽ là nỗi “ám ảnh” đối với những GV mới nhận công tác, nhất là đánh phông chữ tiếng Ê-đê vô cùng khó khăn, nhiều chữ cái phức tạp, khó gõ nhiều khi rối như tơ vò…. phải kiên nhẫn một thời gian làm quen và học hỏi các GV đi trước mới có thể rành mạch được”.
“Cho HS viết được tiếng mẹ đẻ, đọc được tiêng mẹ đẻ, thấy được cái hay tiếng trong mẹ đẻ đúng bằng văn phạm khi viết là một quá trình vô cùng gian nạn và lâu dài. Bởi viết đúng văn phạm tiếng Ê-đê là vô cùng khó. Nên khi các em thành thạo các kỹ năng này là niềm vui mừng khôn xiết của GV dạy tiếng Ê-đê chúng tôi”, cô H’loen Byă nói về niềm vui của cô cũng như bao GV khác khi tham gia giảng dạy tiếng Ê-đê cho con em người đồng bào dân tộc mình.
Dạy song ngữ Ê-đê - Việt
Cô giáo H’zen H’mok (49 tuổi, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đã có một thời gian dài đảm trách công tác dạy song ngữ Ê-đê - Việt tại Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin). Cô tâm sự tại địa bàn cô phụ trách khó khăn nhất trong công tác dạy tiếng Ê-đê là vận động các em đến trường và duy trì sĩ số. “Thực tế số lượng các em theo học bộ môn này rất ít khi các em buổi sáng đến trường theo học chính khóa, buổi chiều lại đi học tiếng Ê-đê nên nhiều em bỏ dở việc học tiếng mẹ đẻ giữ chừng. Để làm tốt công tác dạy tiếng Ê-đê, ngoài công tác vận động, thay đổi cách nghĩ trong mỗi em, GV chúng tôi cũng luôn cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú tích cực cho các em khi học bộ môn này”.
Theo số liệu từ Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc (trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tính đến cuối năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh Đắk Lắk có 14 huyện, thị xã, thành phố triển khai học tiếng Ê-đê ở 85 trường Tiểu học, 526 lớp, 11.629 HS và 14 trường PTDTNT với 39 lớp, 1.424 HS THCS học tiếng Ê-đê. Có 97 GV Tiểu học và 13 GV THCS dạy tiếng Ê-đê.