Chuyện học và thi của sĩ tử khiếm thị

(Dân trí) - Thiếu đi ánh sáng từ đôi mắt, sĩ tử khiếm thị sử dụng đôi tai để tiếp nhận kiến thức. Và khi làm bài thi đại học, họ gõ chữ nổi braille nhanh với tốc độ tương đương viết chữ thì mới kịp giờ làm bài.

Học bằng băng cat-set 
 
Hơn 8 giờ tối, trong khuôn viên của Hội người mù TPHCM, chúng tôi bắt gặp Nguyễn Anh Tấn, thí sinh khiếm thị (TSKT) thi vào ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM đang say sưa viết vào tập vở phần lý thuyết về tác giả Xuân Diệu. Đọc cho Tấn chép là anh Trường, một người bạn mắt còn sáng của Tấn.
 
Chuyện học và thi của sĩ tử khiếm thị  - 1

Thí sinh Nguyễn Anh Tấn, ngày bán vé số, đêm về ôn bài thi ĐH

Em cho biết: “Đây chỉ là ghi chép lại những phần còn khó hiểu. Chứ đa phần là em học bằng cách nghe băng cat-set”. Nếu như người bình thường, để tiếp nhận kiến thức thì đôi mắt là công cụ chủ yếu nhất. Nhưng với Nguyễn Anh Tấn, thì học bằng cách lắng nghe có thể giúp em nhớ rất tốt, hơn hẳn cách ghi nhớ bằng rờ rẫm chữ nổi braille.  

Để chuẩn bị cho kỳ thi lần này vào ngành Ngôn ngữ - Văn học, Tấn nhờ bạn bè sáng mắt đọc những bài giảng văn vào băng cat-set. Một cuốn sách ôn thi như vậy chỉ cần 3 cuộn băng 90 phút là xong.

Những phần nào cần đọc lại, cần suy ngẫm thì Tấn sẽ tự tay chép lại vào vở bằng chữ nổi braille. Thông thường, chỉ với môn Văn thì mới cần chép lại. Vì Tấn cho biết, nếu như môn Sử chỉ cần nhớ ý chính thì môn Văn phải chịu khó suy nghĩ ý tứ một chút.  

Cạnh tranh công bằng với hàng ngàn thí sinh sáng mắt

ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM là nơi có thể nói là duy nhất của thành phố tiếp nhận các thí sinh bị khiếm thị. Theo lời TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo của trường thì hầu như năm nào cũng có TSKT thi vào trường. Tuy nhiên, không phải cứ sĩ tử khiếm thị thi là đậu. Như đợt tuyển sinh năm ngoái, có 2 TSKT thì rớt cả 2.  

Hầu hết các em khiếm thị thi vào các ngành thiên về xã hội như Giáo dục học, Xã hội học, Triết học… TS Hạ cho biết, các em theo ngành học này chủ yếu là để sau này ra trường có thể giúp đỡ các em khiếm thị khác. Theo lời TS Hạ, đã có những em khiếm thị học cao học tại trường, có em sau khi ra trường đã có những chỗ làm rất tốt.  
 
Chuyện học và thi của sĩ tử khiếm thị  - 2
Nguyễn Anh Tấn ôn bài ngay trên ghế đá 

Chuẩn bị cho các em khiếm thị, trường dành riêng một phòng với 2 giám thị, dù rằng có khi chỉ 1 thí sinh. Sau khi có hiệu lệnh bóc đề thi, giám thị sẽ đọc đề cho thí sinh chép. Do đó, TSKT được nộp bài trễ hơn thí sinh sáng mắt. Để kịp thời gian làm bài, các em phải gõ chữ braille nhanh như viết tay. Sau khi thí sinh nộp bài, sẽ có một giáo viên ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu dịch bài thi của các em sang giấy thi rồi rọc phách. Lúc này, bài thi của các em giống như bài thi bình thường, không có phân biệt.  

Để đảm bảo sự chính xác của người dịch bài, trường sẽ cho người dịch viết giấy cam đoan sẽ dịch chính xác bài làm của TSKT. TS Phạm Tấn Hạ cho biết, trong những năm qua có những em khiếm thị rớt đại học, đó cũng là minh chứng cho thấy sự công tâm của người dịch mà trường lựa chọn.  

Bán vé số kiếm tiền ôn thi
 
Nguyễn Anh Tấn là một trong hai thí sinh thi vào trường ĐH KH-XH&NV TPHCM năm 2009. Sinh năm 1985, ở Phan Rang, Ninh Thuận, Tấn bị teo dây thần kinh thị giác. Đây là lần thứ 2 Tấn thi ĐH.
 
Lần đầu tiên vào năm 2006, ĐH Luật TPHCM từ chối nhận thí sinh khiếm thị nên Tấn phải học 2 năm hệ tại chức trường ĐH KH-XH&NV TPHCM nhưng em phải nghỉ học giữa chừng vì không đủ kinh phí.
 
Thuê một căn nhà trọ ở quận 1 cùng với những bạn bè khiếm thị, hàng ngày Tấn đi bán vé số tự lo cho sinh hoạt bản thân và mua sách vở ôn thi ĐH. Tấn tự tin thi vào trường ĐH KH-XH&NV TPHCM vì có một người quen đứng ra bảo đảm sẽ lo kinh phí cho việc học của em.
 
Nếu rớt ĐH, Tấn sẽ về quê tham gia vào Hội người mù của tỉnh Ninh Thuận để giúp đỡ các em khiếm thị.
 
Ngoài Tấn, gia đình em có người cha và người chị cũng bị mù vì căn bệnh giống em. Cha em ở quê sống bằng nghề hát đám ma. Ông đặt hết niềm tin vào đứa con trong dịp thi ĐH lần này. Biết tin con nghỉ học giữa chừng, ông buồn và thất vọng nên Tấn quyết tâm nếu đậu ĐH thì sẽ theo đến cùng.  

 Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm