Chuyện học ở miền sông nước Cà Mau
(Dân trí) - Học sinh đi học bằng đường sông phải thức giấc từ lúc 4h sáng để chuẩn bị đến trường cùng với mức chi phí gần nửa triệu đồng/tháng. Con học hai buổi/ngay thì bậc phụ huynh phải song hành đến trường và đợi tan học để đón về…
Công việc thường ngày đến trường và về nhà của HS miền sông nước Cà Mau.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Cà Mau. trước đây địa phương có chính sách hỗ trợ tiền xăng, dầu cho người dân đưa con đến trường những về sau chuyển sang mục tiêu xây cầu, tặng xe đạp… nên không còn duy trì nữa.
Chứng kiến cảnh những con thuyền lênh đênh trên dòng sông nước, những chiếc thuyền trở quá tải nhưng lại không được trang bị áo pháo mới thấy được sự nguy hiểm cho mỗi lần đến trường của HS nơi đây.
Anh Hải - một người chuyên lái đò chở học sinh đi học tâm sự: “Chặng đường xa nhất anh chở học sinh đến trường là khoảng 7km. Nhiều con rạch nhỏ nên có em phải xuất phát từ lúc 4h30 sáng để kịp giờ học vào lúc 7h sáng. Phần lớn con em đều là những gia đình nghèo nên giá của lượt đi anh cũng chỉ thu phí từ 3 - 5 ngàn đồng”.
Cũng theo anh Hải, sở dĩ mùa khô nên nước lũ chưa lên nên học sinh chưa mặc áo phao, còn mùa lũ các gia đình đều sắm áo phao cho các con. Nhưng ngày mưa gió thì lượng học sinh đi đò càng đông, còn khô giáo thì học sinh lớn đến trường bằng phương tiện xe đạp..
Nhằm tạo điều kiện cho người dân và thực hiện chủ trương của ngành giáo dục, một số địa phương ở Cà Mau có điều kiện hơn đã tổ chức học hai buổi/ngày. Tuy nhiên sự cố gắng của ngành lại là nỗi khó khăn của phụ huynh khi mà số lần đưa đón con em đến trường tăng lên, đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí đi lại.
Con học hai buổi/ngày nên phụ Huynh đành ở lại trường mắc võng để đợi con
Chị Trần Thị Lệ Sương ở ấp 4, xã Thới Bình (huyện Thới Bình, Cà Mau) tâm sự: “Mỗi ngày đưa con đi học hết khoảng 1 lít xăng. Với việc học hai buổi trên ngày nên nếu đưa con về sẽ mất 4 lượt đi lại mà cũng không yên tâm vì buổi trưa con ở trường không có ai quản. Chính vì thế chị đành chọn giải pháp ở lại trường cùng với con, lúc nào tan học thì cùng về”.
Đồng cảm với nổi khổ của phụ huynh, thầy Châu Văn Tính - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thới Bình C (huyện Thới Bình) bộc bạch: “Lúc đầu triển khai học hai buổi/ngày phụ huynh không đồng tình vì phải đi lại nhiều. Công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn. Sau này phụ huynh hiểu nên đồng ý cho con học hai buổi/ngày tuy nhiên do chi phí đi lại nên họ đành phải chờ đợi con cả ngày. Buổi trưa nhà trường cũng có mở cửa để phụ huynh cùng các con vào nghỉ ngơi. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mấu chốt là phải hình thành cơ sở bán trú, nhà ở bán trú để phụ huynh yên tâm, quan trọng hơn là nó sẽ đảm bảo sức khỏe để các em học tập tốt”.
Cũng theo thầy Tính, với điều kiện khó khăn như vậy thì nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho học sinh. Nếu các em không được ở bán trú, nội trú mà lại học hai buổi/ngày thì nên có hỗ trợ tiền xăng, dầu.
Để khắc phục bất cập này một số địa phương ở Cà Mau đang nỗ lực cố gắng thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh. Tuy nhiên thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn ngân sách… đang khiến cho công tác này gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Hoàng Dự - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thới Bình cho biết: “Phòng cũng đã có tờ trình xin các cấp lãnh đạo hỗ trợ cho học sinh buổi ăn trưa bán trú tại trường. Do cơ sở vật chất địa phương còn khó khăn nên việc xây nhà ở bán trú cho học sinh cần phải có lộ trình và thời gian”.
Nguyễn Hùng