Chuyên gia quốc tế: "Giáo dục Việt Nam đang trên đà phát triển rất nhanh"
(Dân trí) - GS.TS Paul Glewwe khẳng định: "Giáo dục Việt Nam đang trên đà phát triển rất nhanh và trong tương lai chúng ta có thể dự đoán rất nhiều thay đổi sẽ diễn ra với tốc độ chóng mặt".
Trong khuôn khổ Hội nghị Tư vấn lần thứ tư cho Dự án "Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam" (RISE) được tổ chức bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) mới đây, GS.TS Paul Glewwe và GS.TS. Joan Dejaeghere, trường Đại học Minesota - chuyên gia và nghiên cứu viên chính của dự án RISE tại Việt Nam đã có những chia sẻ về giáo dục Việt Nam giai đoạn vừa qua và định hướng cho giai đoạn tới.
Dự án RISE nhằm mục đích tìm hiểu sự phát triển và kết quả của các chính sách giáo dục ảnh hưởng tới giáo dục phổ thông (bao gồm giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) nhằm cải thiện nền giáo dục của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Giáo viên Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn
Đánh giá về giáo dục Việt Nam 5 năm vừa qua, GS.TS Paul Glewwe cho rẳng, trước tiên nếu xét kết quả PISA, chúng ta có thể thấy Việt Nam vẫn giữ vững đà phát triển như năm 2012 và 2015, năm 2018 cũng như vậy, Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm những nước có kết quả tốt. Điều này cũng thể hiện qua việc Việt Nam có tỉ lệ nhập học sát mức 100% ở bậc Tiểu học và rất cao trên 90% bậc THCS.
Nhìn nhận về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam thời gian qua và vai trò "quyết định" của đội ngũ giáo viên, GS.TS Paul Glewwe nhận định: Rõ ràng giáo viên có tầm ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù kết quả của học sinh cũng chịu tác động từ môi trường ở nhà của các em nhưng vai trò của giáo viên là rất rõ rệt. Đây cũng là kết quả chung được ghi nhận ở các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
"Nếu nhìn vào kết quả nghiên cứu thì giáo viên Việt Nam đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn, nhất là trong bộ môn Toán ở cấp Tiểu học. Tôi thấy đây là một kết quả khá tích cực so với mặt bằng chung các nước", GS.TS Paul Glewwe đánh giá.
Chia sẻ về kết quả mà dự án đã thu thập được liên quan đến việc tổ chức dạy học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh Covid-1, GS.TS Paul Glewwe cho biết: Chúng tôi thu thập kết quả học và kiểm tra cả hai nhóm học sinh ở thời điểm các em kết thúc lớp 3 năm 2019 (không bị ảnh hưởng bởi Covid) và năm 2020 (bị nghỉ học gián đoạn vì Covid).
Theo lẽ thông thường chúng ta sẽ nghĩ lứa học sinh bị nghỉ học vì giãn cách xã hội sẽ có kết quả kiểm tra thấp hơn lứa năm trước không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy điều ngược lại, các em lớp 3 năm 2020 lại cho thấy tiến bộ hơn trong học tập. Trên thực tế, năm học lớp 3 của nhóm học sinh này kéo dài hơn, dù chỉ 7 tháng ở trường còn 3 tháng tại nhà so với 8 tháng ở trường như bình thường. Điều này chỉ ra rằng trong thời gian nghỉ tại nhà, các em vẫn duy trì việc học và đạt đến một mức chất lượng nhất định.
"Như vậy, việc duy trì học tập trong thời kì Covid của học sinh Việt Nam thực sự diễn ra và có kết quả", GS.TS Paul Glewwe chia sẻ.
Từ kết quả này, GS.TS Paul Glewwe cho rằng, nếu trong 5 năm tới, Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao hạ tầng kĩ thuật phục vụ giáo dục trực tuyến, kết quả thu được sẽ còn khả quan hơn nữa. Đây là vấn đề quan trọng cần được quan tâm đầu tư xứng đáng để gia tăng tỉ lệ tiếp cận giáo dục và thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm thu nhập và vùng miền.
Chương trình GDPT mới là bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam
Nhìn lại kết quả của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, GS.TS Joan DeJaeghere nhận định: Bên cạnh những thành tựu trong tỉ lệ nhập học, tỉ lệ tốt nghiệp các bậc giáo dục cơ bản, cũng như thành tích đầu ra, giai đoạn này còn là lúc Việt Nam chú trọng tới chất lượng đào tạo trong tương quan với những đòi hỏi của thị trường lao động về chất lượng nhân sự trong kỉ nguyên số.
"Tôi nhận thấy một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam là chương trình mới thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, mặc dù còn những tranh luận ở thời điểm mới bắt đầu. Rõ ràng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập", GS.TS Joan DeJaeghere cho hay.
Theo GS.TS Joan DeJaeghere, điều quan trọng làm nên sự khác biệt của giáo viên là khả năng truyền cảm hứng học tập và lôi cuốn học sinh tìm thấy đam mê và phát triển các kĩ năng học tập. Điều này bao gồm nhiều thứ hơn là kiến thức chuyên môn của giáo viên.
Có nhiều ý kiến cho rằng giáo viên ở Việt Nam chỉ tập trung dạy luyện thi nhưng các kết quả rõ ràng chỉ ra rằng họ làm nhiều hơn thế, bao gồm trang bị cho học sinh các năng lực tư duy và kĩ năng học tập suốt đời.
Gợi ý về giáo dục Việt Nam trong 5 năm tới, GS.TS Paul Glewwe khẳng định: Giáo dục Việt Nam đang trên đà phát triển rất nhanh và trong tương lai chúng ta có thể dự đoán rất nhiều thay đổi sẽ diễn ra với tốc độ chóng mặt. Với thực tiễn như vậy, Việt Nam rất cần triển khai các nghiên cứu sâu rộng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các chính sách/biện pháp mới được ban hành và áp dụng.
"Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta muốn tìm hiểu về mức độ chênh lệch và khác biệt giữa vùng miền, giữa các đơn vị đào tạo trong cùng hệ thống hoặc hiệu quả trên học sinh thuộc những nhóm dân số khác nhau", GS.TS Joan DeJaeghere chia sẻ.
GS.TS Paul Glewwe là thành viên của Nhóm Lãnh đạo Trí tuệ RISE và Điều tra viên chính của nhóm RISE Việt Nam. Ông là một trong những nhà kinh tế có công bố và được trích dẫn rộng rãi nhất làm việc về các yếu tố quyết định việc học tập của sinh viên, bao gồm đầu vào hộ gia đình, xã hội và phương pháp tiếp cận sư phạm.
Ông là người đi đầu trong việc sử dụng các phương pháp thực nghiệm để nghiên cứu tác động của các can thiệp giáo dục. Ngoài ra, ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em và tác động của các yếu tố thời thơ ấu đến sự phát triển của trẻ.
GS.TS Joan DeJaeghere là Điều tra viên chính của nhóm RISE Việt Nam. Bà là Giáo sư về Giáo dục So sánh và Phát triển Quốc tế tại Khoa Lãnh đạo Tổ chức, Chính sách và Phát triển tại Đại học Minnesota, nơi bà giảng dạy các khóa học về phát triển và giáo dục quốc tế; giáo dục so sánh; giới tính, giáo dục và phát triển. Chuyên ngành của bà liên quan đến giáo dục, phát triển, nghèo đói và bất bình đẳng, và đặc biệt là bất bình đẳng về giới, kinh tế xã hội và dân tộc trong giáo dục.
Bà đã từng là Người điều tra chính về các nghiên cứu kéo dài nhiều năm tại nhiều quốc gia do Quỹ MasterCard và CARE tài trợ. Bà cũng đã làm việc trong các dự án giáo dục với UNICEF, USAID, Aga Khan, Ngân hàng Thế giới và Bộ Lao động, đồng thời thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Tanzania, Uganda, Nam Phi, Honduras và Australia.