Chuyên gia giáo dục: "Tạm dừng kỳ thi IELTS ở Việt Nam có phần rất vội vã"
(Dân trí) - Theo chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu, quyết định tạm dừng kỳ thi IELTS ở Việt Nam của Bộ GD&ĐT có phần rất vội vã, ảnh hưởng đến nhiều người. Ở nhiều quốc gia khác, khi thấy rủi ro về kỳ thi, họ có cách xử lý khác.
Liên quan đến câu chuyện Bộ GD&ĐT đang cho tạm hoãn các kỳ thi IELTS tại Việt Nam, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu Giáo dục Lê Đình Hiếu. Anh đang làm nghiên cứu sinh về lĩnh vực giáo dục tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Liên quan đến việc các kỳ thi IELTS phải tạm dừng, anh có suy nghĩ gì về nghi vấn gian lận mà Bộ GD&ĐT thông báo?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói qua một chút về lịch sử và tầm ảnh hưởng của kỳ thi IELTS.
Đây là bài thi được đồng sở hữu bởi Hội đồng Anh (được Chính phủ Anh thành lập từ năm 1930), tổ chức IDP (Chương trình Phát triển Quốc tế của các trường Đại học và Cao đẳng Australia) và Cambridge English (một bộ phận của trường Đại học Cambridge, với đội ngũ nghiên cứu chuyên về các bài kiểm tra tiếng Anh lớn nhất thế giới). Năm 2019, trang chủ IELTS đã công bố số lượng người trên toàn cầu thi trong 1 năm đạt con số 3,5 triệu người. Bài kiểm tra này trở thành bài đánh giá năng lực ngoại ngữ có số người thi nhiều nhất hành tinh.
Nói cho dễ hiểu, cứ mỗi 1 phút, có 6 người được cấp chứng chỉ IELTS ở khắp các quốc gia khác nhau.
Hiện nay, hơn 11.000 công ty, tổ chức, và trường đại học khắp nơi trên thế giới công nhận bài thi này. Thậm chí với nhiều quốc gia như Australia, Anh, New Zealand, IELTS trở thành một yêu cầu bắt buộc và điểm IELTS là một điểm cộng đáng kể để trở thành công dân của nước họ.
Vì sao IELTS lại được đánh giá cao như vậy? Khi nói về nội dung của một bài kiểm tra, đầu tiên các nhà giáo dục thường dùng 2 thước đo về độ tin cậy (reliability) và tính hiệu lực (validitiy) của bài kiểm tra đó. Độ tin cậy đo lường sự ổn định về nội dung của bài kiểm tra.
Một người được 7.0 ở kỳ thi tháng 1/2022 và một người được 7.0 ở kỳ thi tháng 10/2022 phải có trình độ tương đương nhau. Tính hiệu lực của bài kiểm tra giúp chúng ta hiểu rằng khi một người đạt trình độ 7.0, người đó có một năng lực nhất định và năng lực đó kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.
IELTS hàng năm đều làm nghiên cứu và công bố rộng rãi về độ tin cậy của bài kiểm tra, với phương pháp Cronbach Alpha (là phép kiểm định phản ánh mức độ tương quan chặt chẽ giữa các biến quan sát trong cùng một nhân tố, sử dụng phổ biến trong nghiên cứu xã hội), và thường xuyên đạt mức điểm 0.9 (trên thang điểm 1), là mức điểm cho thấy độ tin cậy (reliability) cực kỳ cao.
Tính hiệu lực của bài test cũng rất hợp lý với cột mốc 2 năm. Đây là cột mốc được nhiều tổ chức khác đồng thuận như khung tham chiếu châu Âu và nhiều trường ĐH danh tiếng như Harvard, Yale (nói nôm na, các tổ chức này đồng ý rằng một người có trình độ tiếng Anh 6.5 sẽ duy trì được năng lực tiếng Anh bản thân trong khoảng thời gian 2 năm trước khi thui chột). Chính vì thế, hàng nghìn trường đại học trên thế giới đã tin tưởng IELTS như một thang đo chất lượng về năng lực tiếng Anh của các ứng viên đến từ những nước không nói tiếng Anh.
100% các ĐH thuộc Top 100 ĐH hàng đầu tại Mỹ cũng như 100% tất cả ĐH tại Anh và Australia đều chấp nhận sử dụng điểm IELTS.
Lẽ dĩ nhiên, không có gì đảm bảo 100% các kỳ thi IELTS không có tiêu cực, gian lận. Thực tế là ngay cả kì thi tốt nghiệp THPT của chúng ta cũng đã phanh phui rất nhiều tiêu cực.
Ở những trường ĐH hàng đầu thế giới như Harvard, chuyện tiêu cực vẫn xảy ra đâu đó. Mấy năm vừa qua, đã có trường hợp gian lận trong các kỳ thi IETLS được phát hiện ở một số quốc gia ở châu Á. Vì thế việc gian lận trong các kỳ thi IELTS ở Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Anh đánh giá sao về quyết định tạm hoãn các kỳ thi IELTS của Bộ GD&ĐT?
- Đúng là gần đây trên mạng xã hội liên tục rộ lên những thông tin quảng cáo trên mạng về các đường dây thi hộ IELTS hoặc mua đề trước.
Theo tôi, đây là một quyết định có phần rất vội vã của Bộ, ảnh hưởng đến quá nhiều người.
Tôi nói ví dụ như này, nếu như một bệnh viện X xảy ra tiêu cực trong quá trình chạy thận cho bệnh nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý là điều tra chính xác những tiêu cực xảy ra trong quy trình tại nơi đó. Có thể đình chỉ việc chạy thận tại bệnh viện X, chứ không nên đình chỉ toàn bộ việc chạy thận ở tất cả bệnh viện.
Ở các quốc gia khác, ứng xử của họ khi phát hiện ra gian lận trong các kỳ thi IELTS hoàn toàn khác với cách Việt Nam đang làm.
Trên toàn thế giới, có mấy chục nghìn test centers (các trung tâm do Hội đồng Anh, IDP và Cambridge English quản lý để tổ chức các kỳ thi IELTS). Cũng có một số nước xảy ra vấn đề không minh bạch nhưng cơ quan quản lý giáo dục của họ xử lý vấn đề rất khác với cách mà Bộ GD&ĐT của chúng ta đang làm.
Ở Trung Quốc, khi có thông tin không minh bạch, các cơ quan quản lý giáo dục Trung Quốc chọn cách thông báo cho Hội đồng Anh, IDP và Cambridge English và yêu cầu họ tự giải quyết với các test centers. Ba tổ chức này sẽ xác minh thông tin, sau đó có thể rút giấy phép test centers nào phát hiện gian lận.
Vì sao cách làm này hiệu quả? Bởi vì Hội đồng Anh, IDP và Cambridge English chính là bên bị thiệt hại nặng nề nhất nếu như bài test IELTS không còn giữ được uy tín với các tập đoàn và các trường đại học. Họ kiếm hàng trăm triệu USD từ kỳ thi này và hưởng lợi từ sự minh bạch này, nên họ sẽ là những bên nỗ lực làm cho kỳ thi này minh bạch nhất có thể. Vì vậy, vấn đề gian lận trong kỳ thi IELTS được xử lý rất nhẹ nhàng nhưng hiệu quả ở Trung Quốc.
Nhưng ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT lại ra một quyết định mang tính hành chính. Khi có vấn đề đã triển khai một cách vội vã, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, sinh viên và nhiều người lao động.
Thật ra nếu Bộ không tin vào năng lực tự quản lý của Hội đồng Anh, IDP Education, thì cũng có rất nhiều biện pháp tăng cường giám sát, thay vì cấm cản.
Xu hướng thế giới sau đại dịch Covid-19 là cho phép nhiều cuộc thi được thực hiện trực tuyến hơn, ngay tại nhà của thí sinh, với sự hỗ trợ của các thiết bị nghe nhìn và giám sát. Ví dụ từ năm 2023, bài thi SAT của College Board, Mỹ, sẽ được thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Điều đó chứng tỏ có rất nhiều phương pháp kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào công tác quản lý một bài thi, giúp quá trình thi cử trở nên minh bạch, rõ ràng.
Hãy nhìn vào một bài thi tương tự IELTS là DuoLingo. Đây là bài thi trực tuyến hoàn toàn, cho phép người học được quyền tự thi tại nhà, vào bất cứ lúc nào, miễn đảm bảo các quy trình và phương thức giám sát minh bạch được quy định sẵn. Bài thi Duolingo đã được xấp xỉ 4.000 ĐH toàn thế giới công nhận, trong đó có 1.700 trường ĐH Mỹ công nhận, và gần 100 trường ĐH tại Anh.
Đáng lý ra đây là hướng đi mà Bộ nên cân nhắc nếu như nhận được thông tin về rủi ro gian lận trong các cuộc thi.
Anh có ước tính được số lượng người bị ảnh hưởng bởi quyết định này của Bộ GD&ĐT là bao nhiêu?
- Mỗi năm, có từ 900.000 đến 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học tại Việt Nam. Trong số này có khoảng 100.000 người quan tâm đến cơ hội du học và cần thi những bài thi ngoại ngữ để có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ này.
Hạn nộp đơn của hầu hết các trường Mỹ, Anh, Australia, Canada... đều sẽ diễn ra trong giai đoạn quý I và quý IV. Như vậy, rất nhiều thí sinh sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.
Đó là chưa kể hàng chục nghìn học sinh khác đang hướng tới việc nộp đơn vào các trường ĐH trong nước có sử dụng IELTS là phương thức xét tuyển cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nhiều học sinh ngay từ đầu năm lớp 11, lớp 12 đã chọn phương thức dùng điểm IELTS kết hợp với một số yếu tố học thuật để ứng tuyển vào ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân.
Đến thời điểm này, chiến lược nộp đơn của hàng chục nghìn học sinh cần phải tính toán lại. Chưa kể những người đang có nhu cầu nộp hồ sơ đi làm tại các tập đoàn đa quốc gia, những người đang có nhu cầu di dân…
Trong lúc chờ đợi kỳ thi IELTS được mở lại, giải pháp cho những người cần có chứng chỉ IELTS gấp là gì?
- Ngay sau khi thông tin hoãn thi IELTS diễn ra ở Việt Nam, đã nổi lên thông tin về các chương trình đưa người có nhu cầu sang các quốc gia lân cận như Campuchia, Thái Lan, Singapore để thi IELTS. Điều này tạo ra một sự lãng phí khủng khiếp đối với xã hội.
Chúng ta thử tính nếu mỗi người mất thêm 5-10 triệu đồng cho chi phí di chuyển và ăn ở tại nước ngoài, thì chúng ta đã tạo ra sự lãng phí khá lớn. Tuy nhiên, đó là giải pháp nhiều học sinh, sinh viên có điều kiện lựa chọn lúc này.
Giải pháp thứ 2 mà những học sinh, sinh viên có nền tảng tiếng Anh tốt có thể lựa chọn khi có nhu cầu đi du học đó là tham gia những kỳ thi khác như kỳ thi trực tuyến của DouLingo (hiện đã được 4000 trường Đại học trên thế giới công nhận).
Hiện tôi cũng đang nhận hỗ trợ cho một số học sinh, sinh viên - những người đang có nhu cầu nộp hồ sơ du học ở các trường đại học lớn hoặc xin vào làm tại các tập đoàn đa quốc gia. Giải pháp mà một số học sinh của tôi lựa chọn là viết thư cho nhà trường/ cho công ty mình muốn lập hồ sơ, đề nghị nộp chứng chỉ IELTS cũ (nếu có), hoặc xin gia hạn thời gian nộp chứng chỉ IELTS vì tình huống bất khả kháng. Nhiều trường đại học và nhiều công ty đã chấp nhận đề nghị này, do thông cảm với hoàn cảnh bất khả kháng.
Thực tế, trong giai đoạn Việt Nam bị lockdown do Covid-19 khiến các kỳ thi IELTS bị hoãn, học trò của tôi cũng đã áp dụng biện pháp này.
Dù thế nào thì đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Cái quan trọng hơn cả vẫn là việc Bộ GD&ĐT cần tìm ngay ra một biện pháp hợp lý, chứ không phải một mệnh lệnh cấm đoán mang tính hành chính như này.
Xin cảm ơn anh!