"Chuyển đổi số Đại học vùng: Thay đổi tầm nhìn, tư duy, phát huy vai trò kiến tạo"
(Dân trí) - Chuyển đổi số là một phần tất yếu trong phát triển giáo dục đại học. Đại học Thái Nguyên - một trong ba Đại học vùng của cả nước - đã tích cực xây dựng chiến lược chuyển đổi số, từng bước triển khai Đề án và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Tầm nhìn và tư duy chuyển đổi số
PGS. TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Phụ trách Đại học Thái Nguyên trao đổi về quan điểm cũng như quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Đại học Thái Nguyên nói riêng và đối với đại học vùng nói chung.
Đại học Thái Nguyên là một trong ba Đại học vùng của cả nước, Phó giáo sư có thể cho biết yếu tố nào mang tính chất quyết định cho quá trình chuyển đổi số đối với đại học vùng?
Tôi cho rằng tầm nhìn và tư duy là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục đại học hay chuyển đổi số đại học vùng.
Ngày 27 tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh tại phiên họp lần hai của Ủy ban: "Cần có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số". Rõ ràng với sự thay đổi như vũ bão hiện nay, chỉ cần chậm thay đổi tư duy, chúng ta sẽ lỡ nhịp với thời đại.
Đại học Thái Nguyên luôn xác định ba trụ cột: Đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thành công; tư vấn chính sách có hiệu quả. Giai đoạn tới đây cần những người lãnh đạo có tầm nhìn, tư duy đổi mới, ưu tiên quá trình chuyển đổi số của Đại học. Đại học Thái Nguyên đã xác định một trong những mục tiêu chiến lược là trở thành Đại học số và nằm trong nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á (theo QS). Do vậy, trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, cần là những người đầu tiên có nhận thức rõ ràng về thời cơ, thách thức, lợi ích của việc chuyển đổi số, có tầm nhìn về chiến lược chuyển đổi số, có khả năng kết nối, gắn kết các trường đại học thành viên cùng thống nhất trong việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số chung cho toàn Đại học. Thống nhất về tầm nhìn, đồng nhất về tư duy là yếu tố then chốt trong việc xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số.
Thưa Phó Giáo sư, với tầm nhìn chiến lược của Đại học Thái Nguyên, nhân tố nào sẽ quyết định thành công quá trình chuyển đổi số của Đại học Thái Nguyên trong thời gian tới?
Theo tôi, có ba vấn đề chính cần tập trung đối với nhiệm vụ chuyển đổi số trong Đại học vùng:
Một là, chuyển đổi số trong quản trị đại học, trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa Đại học vùng và các đơn vị thành viên; phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều hành, tác nghiệp; cùng đó là đào tạo đội ngũ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị đại học.
Hai là, chuyển đổi số trong đào tạo, trong đó đặt trọng tâm vào việc xây dựng các chương trình đào tạo mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, đặc biệt là các chương trình đào tạo liên ngành gắn kết thế mạnh của các trường đại học thành viên; xây dựng hệ thống học liệu số dùng chung phục vụ cho công tác giảng dạy; triển khai các mô hình đào tạo mới, mô hình đào tạo kết hợp trên cơ sở chia sẻ nguồn lực dùng chung trong toàn Đại học, đặc biệt là nguồn lực về con người, cơ sở vật chất của các trường đại học thành viên.
Ba là, chuyển đổi số trong nghiên cứu, sáng tạo. Dịch chuyển dần các đề tài nghiên cứu lĩnh vực truyền thống sang nghiên cứu kết hợp nhiều lĩnh vực trong đó đặc biệt quan tâm tới việc gắn các công nghệ số Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing),… vào giải quyết các bài toán ứng dụng, liên ngành trong phát triển kinh tế - xã hội vùng và đất nước.
Có thể thấy, cả ba vấn đề này đều liên quan đến công nghệ và thể chế, đặc biệt là người đứng đầu cần vừa có kinh nghiệm, tầm nhìn về chuyển đổi số, vừa có khả năng kết nối, gắn kết các đơn vị thành viên trong toàn Đại học thống nhất các mục tiêu chung. Tính chuyên nghiệp của người đứng đầu sẽ là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công.
Vai trò kiến tạo của Đại học vùng
Thực tế, đã có nhiều kinh nghiệm và bài học về chuyển đổi số từ các trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên, để học hỏi, áp dụng vào thực tiễn, đại học ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các trường đại học thuộc Đại học vùng có mô hình phân cấp đặc thù. Phóng viên có cuộc trao đổi với PGS. TS Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên - đơn vị đã có những bước đi đầu tiên trong Đại học Thái Nguyên về chuyển đổi số với nhiều kết quả tích cực.
Được biết Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là đơn vị có những bước đi đầu tiên trong Đại học Thái Nguyên về chuyển đổi số. Theo Phó giáo sư, chuyển đổi số sẽ đem lại lợi ích gì cho các cơ sở giáo dục thành viên thuộc Đại học vùng như Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên?
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang có nhiều thuận lợi, đặc biệt là từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông là một trong những đơn vị đầu tiên trong Đại học Thái Nguyên kiện toàn cơ cấu tổ chức theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP. Nằm trong mục tiêu tổng thể đổi mới quản trị nhà trường, hoàn thiện cơ chế tự chủ, Hội đồng trường đã ban hành Đề án Chuyển đổi số, trong đó đặt mục tiêu xây dựng thí điểm Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trở thành đại học số. Nhà trường đã xây dựng kiến trúc đại học số tổng thể và lộ trình thực hiện phù hợp với nguồn lực của nhà trường.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số theo lộ trình, nhà trường đã có những bước đi chuyển đổi số đầu tiên và thu được những kết quả tích cực ban đầu. Với quan điểm đặt người học là trung tâm, nhà trường xác định hoạt động đào tạo, giảng dạy, học tập là nội dung đầu tiên cần chuyển đổi số. Hiện nhà trường đang tích cực xây dựng học liệu số với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, trước hết là hoàn thiện học liệu số cho các môn học cốt lõi trong tất cả các chương trình đào tạo; xây dựng hệ thống quản lý học tập LMS triển khai áp dụng cho tất cả các loại hình đào tạo, trong đó có đào tạo chính quy tập trung tại trường dưới hình thức đào tạo kết hợp (Blended learning); thường xuyên bồi dưỡng các kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm cách thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức xây dựng học liệu số, phương pháp giảng dạy theo mô hình đào tạo kết hợp.
Song song với chuyển đổi số công tác đào tạo, nhà trường đang dần hoàn thiện hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ quản trị đại học số, trước hết là chuẩn hóa quy trình tác nghiệp, phân tích các nghiệp vụ dùng chung để xây dựng trục dữ liệu tích hợp dùng chung phục vụ quản trị, quản lý, điều hành tác nghiệp, hoàn thiện các mô đun phần mềm cốt lõi.
Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai chuyển đổi số tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, có thể thấy chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học thành viên của Đại học vùng, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo và quản trị đại học.
Các hệ thống quản lý học tập LMS với nguồn học liệu số được xây dựng, hoàn thiện, bao gồm cả nguồn học liệu các trường đại học thành viên tự xây dựng và nguồn học liệu được chia sẻ trong toàn Đại học, toàn Ngành giáo dục, cũng như các nguồn học liệu mở từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới, sẽ giúp cho người học có thể học tập chủ động và được theo dõi, đánh giá thường xuyên, từ đó tạo ra động lực, nâng cao tính chủ động và cá nhân hóa trong quá trình học tập của người học. Điều này có thể hiểu là mỗi người học sẽ được học tập theo một chương trình giống nhau nhưng lộ trình, phương pháp học tập là khác nhau phù hợp với năng lực tiếp nhận của mỗi người học. Cũng thông qua đó, các trường đại học thành viên có thể linh hoạt, chủ động trong phương pháp và kế hoạch tổ chức giảng dạy; sử dụng các kho tài nguyên dùng chung; nâng cao chất lượng giảng dạy và giảm chi phí đào tạo.
Các hệ thống quản trị số giúp các cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học vùng thực hiện hiệu quả việc quản trị, quản lý, vận hành với mô hình phân cấp quản trị/quản lý giữa Đại học vùng/trường đại học thành viên. Qua đó, giảm thủ tục hành chính, giảm đầu mối trung gian, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục thành viên.
Thưa Phó Giáo sư, với kinh nghiệm triển khai trong thời gian qua, theo ông đâu là rào cản lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số ? Để chuyển đổi số thành công cả Đại học vùng và các trường đại học thành viên ông cho rằng cần lưu ý đến những vấn đề gì?
Rào cản lớn nhất với chuyển đổi số không phải là cơ chế, chính sách, tài chính mà là "thay đổi thói quen" của những người tham gia vào quá trình chuyển số. Muốn thay đổi thói quen phải thay đổi từ hành vi. Muốn thay đổi hành vi phải thay đổi từ tư duy, nhận thức. Vì vậy, vấn đề cốt lõi cần thực hiện đầu tiên để chuyển đổi số thành công là việc thay đổi tư duy, nhận thức, trước hết là sự thay đổi nhận thức từ người lãnh đạo đứng đầu.
Với chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, lãnh đạo có dám chuyển vai trò giảng viên thành người trợ giảng, huấn luyện viên kiến tạo kiến thức thay vì giáo viên truyền thống truyền thụ kiến thức không? Có dám bỏ hệ thống cấp dưới báo cáo cấp trên để sử dụng mô hình quản lý số khai thác dữ liệu số chia sẻ dùng chung không?
Từ thực tiễn thực hiện công tác chuyển đổi số của Trường trong thời gian qua, cá nhân tôi cho rằng để cả Đại học vùng và các trường đại học thành viên chuyển đổi số thành công cần lưu ý hai nội dung sau:
Thứ nhất, chiến lược chuyển đổi số tổng thể cần xây dựng chung cho toàn Đại học. Để làm được điều đó cần sự thống nhất cao về chủ trương của tập thể lãnh đạo Đại học (với Đại học vùng là sự thống nhất cao giữa Đảng ủy, Hội đồng Đại học và Ban giám đốc Đại học) khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Thứ hai, mặc dù chiến lược chuyển đổi số tổng thể cần thống nhất trong toàn Đại học nhưng kế hoạch triển khai cần phân rõ các nội dung chung/riêng giữa Đại học và các trường đại học thành viên, trong đó lưu ý đến phần riêng đặc thù của từng trường thành viên. Để làm được điều đó, chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số Đại học cần sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của các trường đại học thành viên. Đại học vùng phát huy vai trò kiến tạo, các trường đại học thành viên phát huy quyền tự chủ.
Lời kết
Chuyển đổi số vừa là công cụ, vừa là động lực phát triển, tạo ra những hướng đi mới giúp phát huy tốt hơn vai trò của Đại học vùng gắn với sứ mệnh phát triển vùng đã được xác định trong Luật Giáo dục đại học năm 2018 "Đại học quốc gia, Đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước".
Chuyển đổi số Đại học vùng là một quá trình luôn luôn tiếp diễn, là con đường tất yếu phải đi. Chuyển đổi số cần phải chuyển đổi đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố con người, thể chế, công nghệ. Trong ba yếu tố đó, con người đóng vai trò quan trọng nhất, vai trò của người đứng đầu là then chốt nhất, vì vậy rất cần một đội ngũ lãnh đạo có tư duy tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số, có kinh nghiệm triển khai để xây dựng các thể chế phù hợp, gắn kết và cộng hưởng sức mạnh của các trường đại học thành viên.