Chuyển đổi ĐH Dân lập sang Tư thục: Lúng túng!

(Dân trí) - Dự thảo chuyển đổi mô hình Dân lập sang Tư thục mà Bộ GD-ĐT đưa ra được các trường rất tán đồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi tài sản, tài chính, vốn tích luỹ và các bước thực hiện đã gặp sự phản đối của các trường.

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi 19 trường ĐH Dân lập sang Tư thục. Hôm qua 6/6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc hội thảo lấy ý kiến của các trường được chuyển đổi. Nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều ý không đồng nhất.

 

Không thể cổ phần trường đại học!

 

Theo 3 phương án chuyển đổi của Bộ GD-ĐT là Vốn tích luỹ sẽ giao cho HĐQT trường Tư thục quản lý; Vốn tích luỹ được chia thành nhiều cổ phẩn bán cho các cổ đông; Chuyển phần Vốn tích luỹ cho Nhà nước quản lý và Nhà nước có vai trò như một cổ đông tham gia quản lý trường.

 

Ông Trần Ngọc Ánh, ĐH Dân lập Duy Tân phản đối mạnh mẽ: “Không nên cổ phần hoá đại học tư thục. Chúng tôi những người sáng lập ĐH Duy Tân, xuất thân từ nhà giáo chứ không phải nhà kinh doanh. Lợi nhuận của đại học không phải là lợi ích kinh doanh (lợi cho những người bỏ vốn).  Tài khoản mà của nhà trường không thể chia chác.

 

Các cán bộ, giáo viên của trường cũng đã được hưởng mức lương thoả đáng trong thời gian công tác. Vì vậy, nếu thực hiện cổ phần hoá trong đại học như vậy sẽ rất khó khăn trong xã hội hoá giáo dục”.

 

Đồng tình với ý kiến của ông Ánh, ông Nguyễn Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM đồng thời là nhà sáng lập, chủ đầu tư cho rằng: “Chúng ta mong đợi chuyển đổi sang tư thục như trời hạn hán gặp đổ mưa. Hiện, chúng ta “tắm” chung quyết định của Thủ tướng. Vậy nên, chúng ta không nên cổ phần hoá để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân như vậy thì cổ phần hoá như thế nào đây! Không nên đưa tư tưởng kinh doanh làm giàu vào trong giáo dục.

 

Ông Đỗ Hữu Tài, sáng lập viên, chủ đầu tư ĐH Lạc Hồng cho biết: “Tôi tán đồng phương án chuyển đổi của Bộ nhưng với phương án chủ sở hữu. Nếu phân chia thì sẽ đi ngược lại với quyết định của ĐH Dân lập”.

 

Bộ sẽ xử lý những kiến nghị của các trường

 

Ông Trương Quang Được, ĐH Dân lập Công nghệ TPHCM cho rằng: “Hồ sơ chuyển đổi  rất rườm rà. Hội đồng Quản trị và Hiệu trưởng chịu trách nhiệm  thực hiện phương án mà Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ xây dựng phương án. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm thẩm định trình Chính phủ, không nên đưa nhiều Bộ, ngành vào như thế rất phức tạp, lằng nhằng”.

 

GS Hoàng Thế Liên, thứ trưởng Bộ Tư pháp thắc mắc: “Chuyển đổi phải có quy trình. Phải xác định nguồn tài sản ở đâu và giá trị như thế nào? Nếu không tìm cho ra nguồn gốc tài sản thì chuyển thành vốn tích luỹ vì vậy phải có từng bước. Tôi thấy quá trình chuyển đổi rất lúng túng”.

 

Ông Phan văn Sâm, ĐH Cửu Long đưa ra ý kiến: “Chuyển đổi Dân lập sang Tư thục là phải rõ ràng về nhà đầu tư và người sáng lập. Không nên áp đặt mô hình chuyển đổi vào từng trường.

 

Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng: “Việc chuyển đổi thực chất chỉ là sự gọi tên lại, điều chỉnh cho hợp lý để các trường hoạt động theo qui chế mới. Quá trình chuyển đổi không cần phải quá nhiêu khê, cồng kềnh với sự tham gia của quá nhiều bên cơ quan quản lý. Chính phủ đã có quyết định, Bộ GD-ĐT nên để các trường tự xây dựng phương án, Bộ chỉ chỉnh sửa, giám sát các trường thực hiện”.

 

Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đánh giá: “Chính phủ đã nêu rõ việc chuyển đổi của 19 trường ĐH DL phải hoàn tất vào cuối tháng 6/2007. Vì vậy, Bộ sẽ xử lý những kiến nghị của các trường một cách thận trọng và khẩn trương ban hành được quy trình chuyển đổi.

 

Bộ sẽ theo hướng đưa ra khung quy trình và những nguyên tắc chuyển đổi, còn phương án cụ thể sẽ do các trường xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường. Nhưng các trường phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, rõ ràng, minh bạch và đúng quy định về mặt tài sản, vốn, bảo đảm quyền lợi của những người đã có đóng góp thực sự trong quá trình hình thành và phát triển của trường cũng như quyền lợi của người lao động, của người học.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh