Liên quan vụ Sở GD-ĐT TPHCM triển khai chương trinh mới:

Chương trình tiếng Anh mới tiếp tục là chương trình thí điểm

(Dân trí) - Trong buổi họp báo của Sở GD-ĐT TPHCM về việc triển khai Đề án “Đổi mới dạy và học các môn Toán, Khoa học, tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” sáng 23/6, khá nhiều "vướng mắc" đã được tháo gỡ.

Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định đề án chương trình mới được chuẩn bị cách đây 3 năm

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Việc chuẩn bị thực hiện đề án tích hợp này là từ tháng 12/2011 khi Sở làm việc với Bộ Giáo dục Anh, chúng tôi muốn có một chương trình tích hợp. Thực hiện chương trình này cũng là mang tính thí điểm, nhằm giúp học sinh tiếp cận về mặt học thuật ngôn ngữ của người bản xứ, nhất là các phương pháp dạy để học sinh có thể tiếp cận các chương trình toán, khoa học, tiếng Anh tiên tiến, có định hướng nghề nghiệp sau này để học sinh có thể lựa chọn tương lai sau này.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn trao đổi với báo giới về chương trình mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn trao đổi với báo giới về chương trình mới.

Chúng tôi khẳng định đề án chuẩn bị cách đây 3 năm chứ không hề gấp gáp. Quá trình 3 năm đó, chúng tôi thực hiện theo cơ chế, có chỉ đạo và phải chờ thời điểm chín muồi. Quan trọng nhất khi Nghị quyết 29 ra đời, TPHCM được giao thí điểm thực hiện. Đây là thời điểm chín muồi để Sở triển khai thực hiện chương trình này.

Theo lời ông Sơn thì ưu điểm của chương trình mới là “Điều cốt lõi nhất chính là chương trình mới tích hợp nội dung và phương pháp phù hợp bản sắc văn hóa Việt Nam, vẫn đảm bảo những kiến thức về mặt khoa học, tiếng Anh học thuật để đáp ứng chuẩn đầu ra của các hội đồng khảo thí khác trên thế giới và ở Anh quốc. Khi thực hiện chương trình này, tất nhiên sẽ có đầu ra. Các học sinh khi học chương trình sẽ được công nhận. Như vậy hoàn toàn đảm bảo chất lượng nội dung chương trình, đầu ra, chứng chỉ, bằng cấp...  Còn chương trình có tốt hay không, chúng ta không thể ngồi đây đánh giá được mà phải chờ thời gian trả lời”.

“Việc triển khai chương trình mới sẽ như thế nào, ở đây chúng tôi vẫn tiếp tục thí điểm chứ không phải đại trà. Chúng tôi sẽ cho các quận huyện, các trường tiểu học, THCS đăng ký thực hiện. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để xem sẽ triển khai trên bao nhiêu trường. Tài liệu, nội dung và giáo viên vẫn phải chuẩn bị một cách đầy đủ, đảm bảo nhất”, giám đốc Sở nói.

Ông Sơn cũng cho rằng có thể báo giới hiểu nhầm ý của ông Vũ Đình Chuẩn nên viết rằng “khi triển khai bắt buộc phải tổ chức kiểm tra đánh giá theo chuẩn hiện hành của Bộ GD-ĐT”. Theo lời giải thích của ông thì khi học sinh học các môn khoa học, toán, tiếng Anh ở cấp tiểu học hoặc toán lý hóa sinh ở cấp THCS thì công văn của Bộ GD ghi rõ ràng: Sở GD -ĐT không được cho học sinh học lặp lại chương trình quy định của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Đó là nội dung giảm tải. Các em sẽ được đánh giá bằng quá trình theo học chương trình bằng tiếng Việt. Kiến thức các em học được sẽ đảm bảo để thi các chứng chỉ cần thiết. Khi học chương trình tích hợp, các vấn đề về văn hoá, lịch sử, địa lý đều được tích hợp trong chương trình. Đội ngũ giáo viên Việt Nam sẽ tiếp cận được việc đổi mới phương pháp dạy học. Đó là tính ưu việt của chương trình

Với đội ngũ giáo viên thì phải có sự chuẩn bị, không chỉ là giáo viên tiếng Anh mà còn là giáo viên các bộ môn khác. Chúng tôi sẽ chọn lọc trong đội ngũ có sẵn hoặc tuyển dụng mới với bằng cấp đạt chuẩn có thể đạo tạo. Đến năm 2020 sẽ là lộ trình để có 50% giáo viên cơ hữu ở các trường Việt Nam dạy song song với 50% giáo viên bản xứ. Trong thời gian đầu vẫn sử dụng đội ngũ giáo viên bản xứ của chương trình cũ.

Bộ Giáo dục Anh có phối hợp thực hiện chương trình theo bản quyền của họ. Các bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu đều được hỗ trợ. Phí sẽ tương đương phí học chương trình Cambridge, có giảm được mức phí hay không còn lệ thuộc vào đội ngũ. Đến khi đội ngũ giáo viên Việt Nam đảm bảo được 50% chương trình có thể giảm xuống.

Cơ sở thẩm định chương trình này thì đây là chương trình của Bộ Giáo dục Anh, đã được sự đồng ý của chuyên gia giáo dục Anh. Sở cũng có hai hội đồng chuyên môn, thẩm định đã làm việc về mặt nội dung tích hợp chương trình. Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản chính thức đồng ý triển khai chương trình tích hợp này.

Ngoài ra, giám đốc Sở cũng cho rằng chương trình CIE Cambridge trước đây là thí điểm nên sẽ có điểm dừng để đánh giá lại. "Vì sao từ năm 2011 chúng tôi đã có ý tưởng về chương trình tích hợp vì không thể thực hiện một chương trình của một nước bản xứ thuộc hệ thống của một trường đại học một cách vĩnh viễn được. Không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo chung của nhà nước trong hoạt động chuyên môn của mình, các học sinh việt nam có quyền tiếp cận nội dung đổi mới đó nhưng phải bằng cách của Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. Đây là việc đổi mới vì quyền lợi của học sinh".           

Dừng chương trình Cambridge vì CIE quá đòi hỏi quá nghiêm ngặt

Liên quan đến việc đột ngột dừng chương trình Cambridge dù sau 4 năm triển khai được đánh giá tốt, thì ông Lê Hồng Sơn cho biết: Khi thực hiện chương trình Cambridge, EMG Education là đơn vị đã làm việc với Sở theo các quy định. Đến 12/6, Sở mới nhận được thông tin ngưng hoạt động giữa CIE Cambridge và EMG Education. Chúng tôi sẽ yêu cầu hai đơn vị ngồi lại với nhau để bàn về quyền lợi học sinh.

Ông Sơn cũng cho biết, ngay trong năm vừa rồi, Sở đề nghị CIE thực hiện chung chương trình tích hợp, nhưng họ đã từ chối và chỉ muốn thực hiện theo đúng bản quyền của họ thôi. Họ có những quy định nghiêm ngặt từ giáo viên, cơ sở vật chất.

Theo đại diện Sở GD-ĐT, tất cả các em học sinh đang theo học CIE Cambridge ở các trường trên toàn TPHCM thì vẫn tiếp tục học chương trình này. Các em sẽ học đến năm 2018 để lấy chứng chỉ, còn muốn chuyển qua chương trình tích hợp mới thì tùy thuộc nhu cầu phụ huynh và học sinh. Riêng sẽ chuyển cấp như thế nào, Sở đã bàn bạc với các phòng giáo dục để tính toán lộ trình các em lên lớp ra sao.

Trong khi đó, bà Nguyễn Phương Lan - Phó Chủ tịch tập đoàn EMG Education cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với CIE nhưng không được hưởng ứng, bên đó chỉ muốn làm theo đúng quy chuẩn của CIE mà thôi. Quy chuẩn của CIE rất chặt chẽ, nhiều đơn vị muốn mở thêm chương trình Cambridge ở Việt Nam nhưng rất khó thực hiện. CIE đưa ra rất nhiều yêu cầu, như đòi hỏi phải được chứng nhận "đảm bảo chuẩn an toàn của Anh quốc. Do vậy, nếu CIE không chủ động ngừng phân phối thì chúng tôi cũng sẽ chủ động ngừng phân phối để tập trung cho những chương trình mới”.

Lê Phương - Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm