Chương trình ETEP công cụ đánh giá năng lực trường sư phạm
(Dân trí) - Ngày 23/4, trường ĐH Sư phạm đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình ETEP.
Trước đó, ngày 30 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 956/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Tên tiếng Anh: Enhancing Teacher Education Program - viết tắt là ETEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Hỗ trợ đến từng giảng viên, người học
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình ETEP đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động của trường sư phạm theo hướng tích cực, trước hết là sự bài bản trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động hàng năm. Chương trình đã thiết kế hoạt động và đánh giá năng lực của mỗi trường đào tạo sư phạm theo các khía cạnh từ quản trị hệ thống; đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế, vùng, địa phương; chiến lược nhân lực, nguồn lực; cho đến hỗ trợ đội ngũ giảng viên, người học và cựu người học…
Tham gia chương trình ETEP, các giảng viên của các Trường còn có cơ hội giao lưu, học hỏi và được tập huấn nhiều khía cạnh liên quan tới giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, góp phần hình thành nên một đội ngũ giảng viên có hiểu biết cơ bản về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, góp phần giải quyết các khó khăn cho giáo viên phổ thông trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018 và có ảnh hưởng tích cực tới nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Với 9 mô-đun, giáo viên tiếp cận với cách dạy, cách học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực ở mức cơ bản; cán bộ quản lý cải tiến công tác quản lý; tạo sự kết nối các trường sư phạm với các Sở GD-ĐT và đến với từng giáo viên.
Đặc biệt, thông qua đầu tư của Chương trình ETEP, hạ tầng CNTT của Nhà trường đã được nâng cấp đáng kể. Đây là những tiền đề quan trọng để Nhà trường từng bước chuyển đổi số, hướng tới đổi mới mô hình quản trị theo mô hình trường đại học thông minh.
Hằng năm, các cam kết của Nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới được đánh giá khách quan và kiểm đếm độc lập… Các đánh giá này là cơ sở để giúp nhà trường khắc phục các điểm yếu, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch của Nhà trường.
ETEP giúp trường tăng điểm TEIDI
Tại hội nghị tổng kết, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thể hiện vai trò tiên phong trong mọi hoạt động của Chương trình ETEP; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong Thỏa thuận thực hiện Chương trình (PA).
Năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được tăng cường, thể hiện ở các mảng quản trị nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu đổi mới và phát triển nhà trường. Được biết, trong thời gian triển khai chương trình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tăng điểm TEIDI (Bộ chỉ số phát triển năng lực trường sư phạm) từ 3,56 điểm năm 2017 lên 5,05 điểm năm 2021; hàng năm đều cao hơn so với Thỏa thuận thực hiện Chương trình PA.
Trong 4 năm qua, xây dựng 12 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm thuộc nhiệm vụ của ETEP theo quy trình đảm bảo chất lượng của Chương trình. Nhà trường cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và thiết bị theo các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản…
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời rất thành công tiến hành hỗ trợ 10 sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng thời hạn, đạt cam kết 100% khối lượng công việc theo PA.
Tại hội nghị, trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị, hiện nay cơ sở vật chất, nguồn lực của nhà trường vẫn thiếu, chưa đủ tiềm lực để phát triển thành một trường mang tầm vóc quốc tế cũng như để trở thành một đại học thông minh. Vì vậy, nguồn lực có tính chất trọng điểm từ vốn vay Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục là nguồn lực quan trọng để trường ĐH Sư phạm Hà Nội có khả năng phát triển bứt phá, trở thành trường sư phạm trọng điểm, đầu ngành của cả nước.
Ngoài ra, để duy trì những kết quả đạt được và những tác động khi thực hiện chương trình ETEP, nhà trường đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành các văn bản thống nhất để hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục, công tác kiểm tra đánh giá và thi cử được đồng bộ để hoạt động bồi dưỡng giáo viên phát huy hết tác dụng theo mục tiêu đề ra; tiếp tục thúc đẩy mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo mô hình của Chương trình ETEP; ban hành chính sách để tiếp tục gắn trách nhiệm của trường sư phạm với các cơ sở GD-ĐT trong công tác bồi dưỡng giáo viên...