Chúng tôi tin ông, thưa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT!

Chúng tôi kỳ vọng vào ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, dù vẫn biết rằng để thay đổi chất lượng giáo dục quốc gia không thể chỉ trông chờ vào một cá nhân. Tôi tin rằng Bộ trưởng sẽ thành công và ông hãy hiểu rằng xã hội sẽ không đánh giá sự thành công của giáo dục thông qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp.

Chúng tôi hiểu rằng trước mắt Bộ trưởng là vô vàn khó khăn, ông sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sinh tử mà khó nhất là sự xuống cấp một cách có hệ thống của bộ máy quản lý ngành giáo dục cơ sở. Chúng ta vẫn biết chất lượng giáo dục tồi tệ bấy lâu nay có một nguyên nhân cơ bản thuộc về chất lượng con người trong bộ máy quản lý của ngành giáo dục, đó là bệnh hình thức.

Bộ máy lãnh đạo của địa phương, của ngành đã chạy theo thành tích, tạo nên sức ép của đối với cơ sở. Sức ép thành tích đặt lên vai kẻ cơ hội mà không có năng lực đã tạo nên thành tích giả dối. Ông sẽ phải làm gì và làm như thế nào nâng cao chất lượng giáo dục khi mà dưới ông có những người bất chấp mọi giá để đạt được thành tích?

Tôi tin rằng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ thành công và ông hãy hiểu rằng xã hội sẽ không đánh giá sự thành công của giáo dục thông qua tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp các cấp. Chúc ông một nhiệm kỳ thành công - (Trần Đình Hiệp).

Thưa ngài Bộ trưởng,

Trước hết xin chúc mừng ngài đã nhận chức vụ vẻ vang và quan trọng vào loại bậc nhất này. Với lá thư ngắn ngủi này, tôi xin phép giãi bày tâm sự của một người rất tâm huyết với nền giáo dục và đào tạo của nước nhà. Xin được phép trình bày ngay các ý kiến sau:

Từ trước đến nay, chúng ta chưa dám thấy hoặc chưa thấy được các căn bệnh nan y nhất của GD-ĐT nước nhà. Theo tôi các căn bệnh nan y nhất của giáo dụclà: 1. Đồng lương giáo viên không đủ để nuôi gia đình. 2. Phương pháp giáo dục còn nặng về nhồi sọ, không phát huy được tính sáng tạo của học sinh. 3. Hình thức thi tuyển chưa phù hợp.

Ai cũng biết căn bệnh thứ nhất là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề tiêu cực, tham nhũng, như xin điểm, bán điểm, bắt ép học thêm, làm bài thuê, nói chung là tìm mọi cách moi tiền của phụ huynh thông qua học sinh. Những điều này đã làm mất tư cách của người giáo viên, huỷ hoại lòng tin của học sinh, sinh viên, làm mất trật, tự kỷ cương trong nhà trường.

Căn bệnh này có chữa được không? Theo tôi là chữa được, nhưng rất khó, vì nó đụng đến hầu bao của các quan chức trong ngành, từ cấp Bộ, cấp Sở, Phòng, Ban Giám hiệu cho đến cả lãnh đạo khoa, bộ môn... Vì sao? Theo một đại biểu Quốc hội đã phát biểu khi chất vấn Bộ trưởng cũ là nếu dùng hầu hết ngân sách cho lương, thì lương giáo viên trung bình phải trên 2 triệu đồng một tháng (một mức lương khá tốt trong hoàn cảnh Việt Nam và so với các ngành khác).

Tuy nhiên than ôi, các quan chức giáo dục từ Bộ, Sở, Phòng, Ban cho đến các cơ sở thấp nhất là bộ môn, đều không muốn dồn tiền vào quỹ lương, họ muốn có nhiều dự án, nhiều chương trình, nhiều tiền để xây dựng, mua sắm... như kiểu dự án đổi mới sách giáo khoa, tính toán hiệu năng cao; nghiên cứu tư tưởng này, phương pháp nọ... Có nhiều loại tiền vào các việc này, thì mới dễ "tăng thu nhập" (rất tiếc là chỉ cho một bộ phận người có chức có quyền).

Mong rằng với Bộ trưởng mới, khoản tiền dành cho quỹ lương đến tận tay người giáo viên,  phải chiếm khoảng 70-80% ngân sách và của khoản thu học phí, chứ đừng như hiện nay, thực tế chỉ khoảng 30%. GS Nguyễn Xuân Hãn khi ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng nói là ông sẽ tăng được mức lương lên gấp đôi cho ngành giao dục đào tạo là rất có cơ sở.

Về căn bệnh thứ hai, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đó là một căn bênh có tính “chiến lược”. Các thế hệ sau này của ta phải dám suy nghĩ, dám sáng tạo, chứ không phải chỉ rập khuôn. Muốn vậy phải dạy, học làm sao để phát huy được tư duy cao nhất của học sinh. Phải rèn luyện điều này từ trong trường phổ thông cơ sở. Ở Mỹ và các nước phát triển, người ta đang rất quan tâm đến vấn đề dạy và học sáng tạo.

Về vấn đề thứ 3, không nên coi thường: cách thi cử sẽ quyết định cách học. Hiện nay Bộ GD-DT đang cho triển khai các loại thi trắc nghiệm, thi từ xa dựa vào công nghệ thông tin. Đây là một việc làm rất cần thiết, nhưng tôi theo dõi thì thấy tiến triển chậm quá. Làm tốt việc thi cử sẽ tránh được tệ nạn học thêm, nhồi sọ và nhiều tiêu cực khác.

Xin chúc Bộ trưởng sức khoẻ để hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình!

Trương Nghệ
(Một GS già ở Đức)

Theo Tuổi Trẻ