Lưu học sinh theo Đề án 322:
“Chúng tôi không còn sức để học tập”
“Với <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/12/156191.vip">mức sinh hoạt phí</a> theo đề án 322 hiện nay, không ai chết vì đói cả, nhưng áp lực học tập nặng nề, cộng với việc phải lo kiếm việc làm thêm để nuôi bản thân nơi đất khách, chúng tôi không còn đủ sức để học tập”.
Một lưu học sinh Việt Nam đang học tại Úc theo đề án 322 đã tâm sự như vậy. Lưu học sinh đề nghị được giấu tên này cho biết, mức sinh hoạt phí của đề án 322 như hiện nay là thấp và bất cập:
“Bản thân tôi cũng là một lưu học sinh đang học tập tại Úc theo đề án 322. Những ý kiến của tôi nêu ra không phải vì lợi ích cá nhân, vì chỉ còn nửa học kỳ nữa, tôi sẽ kết thúc khóa học nên sinh hoạt phí tăng hay giảm lúc này đối với tôi không còn là vấn đề quá quan tâm như trước. Nhưng những bức xúc mà tôi và những bạn khác đưa ra không nằm ngoài mong muốn các nhà quản lý sẽ biết để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Nguyện vọng của hầu hết các học viên đi học theo đề án 322 là muốn nhà nước cấp sinh hoạt phí theo tiền của nước sở tại, thay vì đồng đô la Mỹ. Bởi lẽ, khi “đồng tiền trung gian” này lên xuống thất thường, sẽ rất khó khăn cho người học lên kế hoạch chi tiêu nơi đất khách.
Theo như tôi biết, mức sinh hoạt phí của một lưu học sinh theo đề án 322 học tại Úc khoảng 900 đôla Úc. Điều này chứng tỏ Ban điều hành của đề án đã bám khá sát mức sống tối thiểu cho sinh viên học tập tại Úc. Mức này cũng gần với mức học bổng thuộc dự án 300 của TPHCM (1.000 đôla Úc/người/tháng).
Tuy nhiên, những người học theo dự án 300 được trả tiền sinh hoạt phí theo đơn vị tiền tệ của nước sở tại nên họ yên tâm học tập. Bởi ngay từ đầu, họ đã xác định được số tiền mình có để trang trải cuộc sống (mà không lo vào sự lên xuống thất thường của đồng đô la Mỹ).
Về việc làm thêm, cũng xin nói, không phải tất cả người học đều có điều kiện vì nhiều lý do.
Thứ nhất, do đặc thù của ngành học, nhiều người phải nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cả ngày. Do đó, chỉ những người may mắn mới được thầy mời làm trợ giảng mới có thêm thu nhập. Tuy nhiên, số này là rất ít.
Mặt khác, đối với người nghiên cứu toàn thời gian thì họ không có 3 tháng hè và các kỳ nghỉ như các sinh viên học đại học, vì thế họ lấy đâu ra thời gian kiếm việc.
Tôi đồng ý là đất nước ta còn nghèo, chúng tôi đi học là tiền thuế của nhân dân, nhưng không vì thế mà nhà nước đối xử với chúng tôi như vậy. Việc đi học của chúng tôi cũng phải qua thi cử và tuân thủ các quy định của dự án như các học bổng khác chứ có phải ân huệ gì đâu.
Nếu ngay từ đầu, Ban điều hành đề án nói với chúng tôi rằng, Nhà nước chỉ có khả năng cấp cho chúng tôi 500 đôla Úc chẳng hạn, còn lại chúng tôi phải tự lo liệu, thì khi đó, chúng tôi sẽ cân nhắc trước khi quyết định có đủ khả năng tài chính để theo học bổng này hay không.
Còn bây giờ khi chúng tôi sang đến nơi rồi, bước vào học tập mà vấn đề tài chính không ổn định thì làm sao chúng tôi yên tâm học được. Chúng tôi cũng chỉ là những cán bộ giảng dạy được cử đi học, với đồng lương eo hẹp ở Việt Nam, làm sao có đủ tiền để mang theo trang trải.
Hơn nữa, khi chúng tôi đi học xa nhà, con cái là gánh nặng cho các thành viên khác trong gia đình. Vì thế, ở đây không ai chết vì đói cả nhưng áp lực học tập nặng nề, cộng với việc phải lo kiếm việc làm thêm nuôi bản thân, gia đình, chúng tôi không còn đủ sức để học tập.
Như tất yếu, kết quả học tập sẽ không đạt hiệu quả cao. Nếu đi học chỉ để lấy cái bằng, chẳng đọng cái gì trong đầu thì đó là một sự lãng phí lớn.
Chính vì nước mình còn bao khó khăn nên chúng ta mới phải làm sao xây dựng những dự án hiệu quả, để những học viên khi kết thúc khóa học được trang bị đủ năng lực, cống hiến và đóng góp cho đất nước, xứng đáng với tiền của nhà nước bỏ ra. Như thế mới đỡ lãng phí”.
Theo Tiền Phong