Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

"Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học VN"

(Dân trí) - Nếu nền giáo dục Việt Nam như một con tàu thì Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam như hai cỗ máy trên con tàu đó.

Có lẽ chính từ cách nhìn như vậy nên ngay từ những ngày đầu mới thành lập, hơn 15 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam luôn luôn nhận được sự cộng tác, ủng hộ tận tình của Bộ GD-ĐT. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xung quanh vấn đề này.

Đồng hành cùng ngành giáo dục

Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá của Bộ trưởng về những đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam với sự nghiệp giáo dục - đào tạo?

Sau 15 năm kể từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, Hội Khuyến học Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, trở thành một tổ chức quần chúng sâu rộng với trên 8,5 triệu hội viên, trong đó phần lớn là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghỉ hưu và tổ chức hội đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong những năm qua, Hội Khuyến học đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, đóng góp một phần tích cực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Hội không ngừng khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc thông qua các hoạt động như xây dựng Dòng họ khuyến học, Gia đình hiếu học, Cụm dân cư khuyến học, Xây dựng xã hội học tập, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng… Các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài do Hội phát động đã tạo nên một không khí thi đua học tập sôi động, lôi cuốn nhiều triệu người tham gia. Những hoạt động, phong trào thiết thực này đã góp phần cùng ngành Giáo dục thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Sự phối hợp luôn luôn cần thiết và điều đó được thể hiện như thế nào giữa Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD-ĐT, thưa Bộ trưởng? 

Những năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam  cũng đã rất tích cực, chủ động  phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng và phát triển thành công mô hình trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Đồng thời Hội cũng có sự đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Bộ GD-ĐT xây dựng và thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010", xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020".
 
"Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học VN"  - 1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

Hội sẽ là một trong những lực lượng xung kích

Thưa Bộ trưởng, trong những năm sắp tới, Bộ GD-ĐT và Trung ương Hội KHVN cần làm gì để sự hợp tác có hiệu quả hơn nữa nhằm phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục, một trong những lĩnh vực được  xã hội quan tâm hàng đầu hiện nay?

Từ năm 2005, Bộ GD-ĐT và Hội KHVN đều có kế hoạch phối hợp từng giai đoạn 5 năm. Vừa qua, Bộ và Hội đã ký Bản phối hợp hành động 2011 - 2015 với các nội dung cơ bản như: Hàng năm khi tổng kết năm học cũ và xây dựng chương trình năm học mới, Bộ GD-ĐT có nội dung kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động phối hợp giữa Bộ và Hội trong công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; Phối hợp xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các TTHTCĐ; Xác định Dòng họ khuyến học, Gia đình hiếu học, Cụm dân cư khuyến học là một nội dung trong  cuộc vận động xây dựng " Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực". Bộ GD-ĐT tạo mọi điều kiện để Hội KHVN tham gia thực hiện những đề tài nghiên cứu lý luận và triển khai ứng dụng thực tiễn về xây dựng xã hội học tập. Bộ và Hội làm nòng cốt trong hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập ở trung ương và địa phương, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Tuần lễ Khuyến học, Tháng Khuyến học và Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10.

Còn những nhiệm vụ của năm 2012, thưa Bộ trưởng?  

Năm nay, Bộ và Hội sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010"; triển khai Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020". Bộ GD-ĐT sẽ tích cực ủng hộ Hội KHVN tổ chức Đại hội biểu dương GĐHH, DHKH lần thứ 3 và có hình thức khen thưởng các đơn vị xuất sắc.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, toàn ngành Giáo dục đang khẩn trương hoàn chỉnh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Đó cũng là một trong 9 giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Quốc hội thông qua. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và sự phối hợp chặt chẽ của Hội Khuyến học Việt Nam nói riêng. Với mục tiêu nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam và tin tưởng rằng Hội sẽ là một trong những lực lượng xung kích để thực hiện các mục tiêu trên.

Báo Dân trí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng

Được biết là vừa qua, giữa Bộ và Hội đã có ký kết về phối hợp tuyên truyền…?

Cùng với các nhiệm vụ trên, chúng tôi tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền trực thuộc phản ánh các hoạt động phối hợp, động viên, khuyến khích các việc làm tốt, các cá nhân điển hình trong hoạt động giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Báo Giáo dục và Thời đại và Báo Khuyến học và Dân trí - Dân trí điện tử có chương trình phối hợp trong công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động xã hội; tổ chức vinh danh nhà giáo, học sinh, sinh viên, tuyên dương Nhân tài Đất Việt.

Theo Bộ trưởng, báo Dân trí đã có đóng góp gì cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước nhà?

Trước hết, tôi xin chúc mừng sự phát triển mạnh mẽ của báo Dân trí những năm qua. Từ một trang báo mạng, đến nay Dân trí đã trở thành một trong những tờ báo điện tử hàng đầu. Về các hoạt động truyền thông, cùng với hệ thống báo chí ngành giáo dục, báo Dân trí đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời đưa ra và điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp để từ đó đề ra các biện pháp đúng đắn, phù hợp với lòng dân và định hướng phát triển của ngành. Những điều mà Bộ góp ý, đề nghị đều được Báo tiếp thu với tinh thần hợp tác và xây dựng. Tôi mong rằng trong thời gian tới, tập thể cán bộ, phóng viên báo Dân trí tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, nỗ lực học tập, nghiên cứu, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Xin cám ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)