Cần Thơ:
Chung tay lập bếp ăn miễn phí giúp học trò nghèo
(Dân trí) - Một lần, bà Lê Thị Hạnh thấy các em học sinh nghèo ở địa phương ăn buổi cơm trưa qua loa bằng mì tôm, bánh mì… rồi học tiếp. Bà Hạnh xót dạ, cùng với chính quyền địa phương lập Bếp ăn Khuyến học giúp hàng trăm học trò nghèo có buổi cơm trưa miễn phí.
“Bếp trưởng” của Bếp ăn Khuyến học xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ là bà Lê Thị Hạnh. Bà Hạnh là người dân sống ở ấp 5 thuộc xã Thới Hưng nhưng đã có nhiều năm đi nấu cơm từ thiện ở nhiều nơi. Có một lần, bà Hạnh chứng kiến các em học sinh nghèo của trường cấp 2, 3 Trần Ngọc Hoằng (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) ăn buổi cơm trưa qua loa bằng mì tôm, bánh mì… Đến năm 2012, bà Hạnh bàn với địa phương lập Bếp ăn Khuyến học, giúp học trò nghèo những buổi cơm trưa miễn phí cho đến nay.
"Các cháu no bụng, mình cũng ấm lòng"
Những ngày giữa tháng 3, PV Dân trí có chuyến công tác về xã Thới Hưng - một xã mới thành lập của huyện Cờ Đỏ nên còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng lãnh đạo địa phương luôn nỗ lực trong mọi công tác, nhất là công tác khuyến học, khuyến tài. Do vậy, khi nói về Bếp ăn Khuyến học, đồng chí Phó Chủ tịch xã Võ Trung Cảnh giải thích vui: “Lá rách ít, đùm lá rách nhiều”, đời sống bà con ở xã đa phần sống bằng nghề trồng lúa và hoa màu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, do vậy xuất phát từ tấm lòng chăm lo học trò nghèo của gia đình bà Hạnh nên xã cũng “gồng mình” vận động và hỏi nợ để xây dựng cơ sở tương đối khang trang cho Bếp ăn Khuyến học hoạt động.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch xã, trước kia Bếp ăn Khuyến học đặt nhờ trong trụ sở của ban quản lý sản xuất 2 (thuộc Nông trường Sông Hậu) vừa chặt hẹp lại xa điểm trường, các em học sinh đi lại bất tiện nên Đảng ủy, ủy ban xã quyết định chuyển bếp ăn về đây. Tuy nhiên, ngân sách địa phương không có nên toàn bộ số tiền đầu tư cho bếp ăn 106 triệu đồng, bao gồm tiền xây dựng, mua bàn ghế… là do xã vận động nhưng đến nay chỉ trả được 66 triệu đồng, bếp ăn còn thiếu các cơ sở bán vật liệu xây dựng khoảng 40 triệu đồng.
Nói về cái duyên đến với Bếp ăn Khuyến học, bà Lê Thị Hạnh kể: “Gia đình tôi từng đi nấu cơm từ thiện ở nhiều nơi nhưng ở chính địa phương mình, tôi chứng kiến các em học sinh không có cơm ăn vào buổi trưa, nhiều em ăn mì, bánh mì… lót dạ để học tiếp buổi chiều. Tôi bàn với người nhà: mình đi nấu cơm đâu xa, chi bằng nấu cơm phục vụ cho các em học sinh nghèo ở địa phương sẽ thiết thực hơn. Từ ý nghĩ này, chồng, con và người thân đều đồng ý nên mở bếp ăn phục vụ học sinh nghèo cho tới nay”.
Theo bà Hạnh, bếp ăn ban đầu (ở khu quản lý sản xuất khu 2) chỉ phục vụ vài chục phần cơm/ngày, tuy nhiên nhu cầu các em cần suất cơm trưa nhiều gấp 6 -7 lần con số hiện tại. Khi đó, bà Hạnh định tăng phần cơm nhưng cơ sở nhỏ hẹp, các em đến ăn không có chỗ ngồi và tài chính cũng có giới hạn… Trong lúc bối rối, lãnh đạo xã quyết định di dời bếp ăn và đứng ra vận động để xây dựng cơ sở mới, còn việc người nấu cơm, gạo, cá, rau… thì do gia đình bà Hạnh và Hội Chữ thập đỏ xã phụ trách. Từ sự bắt tay giữa chính quyền địa phương và gia đình bà Hạnh, Bếp ăn Khuyến học ở xã Thới Hưng ra đời.
Em Lê Hoàng Kiệt - lớp 6A2 trường cấp 2,3 Trần Ngọc Hoằng chia sẻ: “Nhà con cách trường 7 kilomet, bởi vậy khi hết giờ học buổi sáng, con ở lại trường rồi ăn mì gói đợi đến giờ học chiều thì vào học tiếp. Do ăn mì nên khi hết tiết thứ 7, 8 là bụng con đã đói cồn cào, có khi về tới nhà chẳng ăn uống gì được vì quá đói. Bởi vậy, từ khi có bếp ăn này, trưa nào con cũng được ăn cơm với cá, thịt… No và ngon lắm!”.
Hiện tại, vào mỗi buổi trưa tại bếp ăn này phục vụ hơn 120 suất cơm cho các em học sinh cấp 2, 3 trường Trần Ngọc Hoằng. Theo ghi nhận của chúng tôi, bếp ăn sạch sẽ, thoáng mát và nhất bữa cơm đầy đủ 3 món cơ bản: kho, canh và rau hoặc món xào. Khi đến giờ cơm, bà Hạnh cùng những chị em phục vụ trong bếp ăn múc sẵn thức ăn vào dĩa rồi phát cho từng em. Khi ăn xong các em học sinh tự ý thức mang dĩa cơm ra sàn nước rồi vệ sinh răng miệng và lễ phép chào các cô mới qua trường học.
Lo chỗ nghỉ ngơi và gạo, mắm, muối…
Vừa dọn dẹp bà Hạnh cho biết: “Bây giờ xem như mình lo cái bụng cho các cháu là ổn rồi, chỉ có điều việc vận động “củi, gạo” để bếp ăn tiếp tục duy trì mỗi ngày một khó khăn hơn. Do vậy, ý định của anh em trong Bếp ăn đầu tư thêm chỗ nghỉ ngơi cho các em học sinh nữ vẫn chỉ là mơ ước, dù kinh phí thực hiện việc này khoảng 10 triệu đồng là làm được”.
Theo bà Hạnh, sau buổi cơm trưa đối với các em học sinh nam thì việc nghỉ ngơi vô cùng thuận lợi, chỉ những em học sinh nữ thì khó hơn. Do vậy, bà Hạnh muốn tận dụng một khoảng trống trong nhà ăn để xây dựng một cái giường gạch lớn (bê ngang khoảng 4m và dài khoảng 10m). Khi có cái giường này, bà chỉ cần làm thêm tấm rèm là có thể giải quyết cho 30 - 40 học sinh nữ nghỉ ngơi.
Ông Đinh Minh Trí - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thới Hưng chia sẻ: “Thời gian qua xã đã vận động các ban ngành đoàn thể, các nhà hảo tâm trên địa bàn để tập trung đầu tư hoàn chỉnh cho Bếp ăn và đến nay vẫn còn một khoảng nợ hơn 40 triệu đồng. Do vậy, khi bà Hạnh đề cập chỗ nghỉ ngơi cho các cháu, chúng tôi thấy vô cùng cần thiết, tuy nhiên chỉ biết trông chờ vào tấm lòng của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để góp sức cùng nhau chăm lo cho các em, chứ một xã vùng khó như Thới Hưng thì việc vận động số tiền bạc triệu như vậy cũng rất khó”.
Quan sát tại sàn rửa bát, chúng tôi thấy có 3 - 4 em học sinh nữ ở lại phụ rửa bát và xin tá túc buổi trưa tại bếp ăn, em Nguyễn Thị Cẩm Nhung - lớp 6A2 cho biết: “Cháu thấy ăn cơm xong ở lại rửa bát phụ các cô, chú ở đây cũng vui. Hơn nữa trưa đến giờ học, tụi cháu qua trường cũng chẳng biết nghỉ ngơi ở đâu chi bằng ở lại đây phụ các cô chú, đôi khi cô chú cho mượn vài cái võng, chúng cháu ngã lưng lấy lại sức rồi đi học tiếp thì khỏe lắm”.
Về kinh phí hoạt động cho bếp ăn hiện nay, bà Hạnh cho biết đa phần do các nhà hảo tâm chia sẻ thông qua sự vận động của gia đình và chính quyền địa phương. Hiện nay về phần gạo, bà Hạnh cho biết do ở xứ lúa nên việc gạo, thóc, rau cải… có phần dễ hơn, tuy nhiên bếp ăn gặp khó nhất là phần dầu ăn, bột nêm và nhất là đậu nành để chế biến đậu hũ… bổ sung thêm vào phần ăn cho các em học sinh.
Bà Hạnh nói: “7 chị em phục vụ tại Bếp ăn Khuyến học đều tự nguyện không nhận lương hay các khoản bồi dưỡng gì khác. Tất cả chị em chúng tôi cũng như chính quyền địa phương lúc nào cũng mong trong nhà đầy gạo, rau, cá… để tiếp tục “thổi lửa”, duy trì bếp ăn phục vụ cho các cháu học sinh là chúng tôi rất vui mừng”.
Nguyễn Hành
Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |