Chúng em mong đến giờ Văn!
Trong lúc mọi người nói nhiều đến chuyện chuyện chép Văn mẫu, học vẹt, hay về các giờ Văn tẻ nhạt... thì một học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) đã viết rằng: “Đối với lớp em, giờ Văn không những không có hiện tượng ấy mà ngược lại, nó là một giờ học được mong chờ và gây nhiều ấn tượng nhất!”
Lớp em là một lớp chuyên Văn "chính hiệu" của trường, nhưng trong lớp, nói thật, không phải không có những người "tuy học ban C nhưng tâm hồn ở tận... ban A". Có bạn bảo rằng, chỉ học thử một năm cho biết, rồi năm sau tính đường để "thể xác về với tâm hồn ở ban A".
Năm học mới đã được bắt đầu cách đây hơn một tháng, và trong quãng thời gian một tháng ngắn ngủi ấy, dường như giờ Ngữ văn do cô Cung Mi giảng dạy, đã ít nhiều làm thay đổi nhận thức ban đầu của các bạn. Không ít người trong số "dị ứng với văn chương" đã xem lại ý định của mình; lý do cũng vô cùng "ngây thơ" không kém gì lúc đầu: "không ngờ học Văn cũng thú vị ra phết!".
Cô giáo dạy Ngữ văn không chỉ gây thiện cảm với vẻ ngoài ưa nhìn và giọng nói "không nghe là phí cuộc đời" mà còn gây được thiện cảm cho mọi người nhờ mỗi bài giảng của cô thường mang đến cho học sinh một sự mới mẻ. Cô thường bắt đầu giờ học bằng một không khí trao đổi và bàn luận rất sôi nổi, hào hứng, bởi cô không hề có sự áp đặt suy nghĩ của mình cho học sinh. Cô đặt câu hỏi và khuyến khích từng người đưa ra ý kiến cá nhân, sau đó cùng phân tích, kết luận, tìm ra những ý đúng và phù hợp với bài học.
Học đến "An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy", khi phân tích đến nhân vật Trọng Thủy, cô giáo hỏi cả lớp: "Theo các em, Trọng Thủy là người như thế nào?". Không ngờ, hàng loạt cánh tay giơ lên, hàng loạt ý kiến nêu ra, nào là "Trọng Thủy vừa đáng thương, vừa đáng trách...", nào là "Trọng Thủy tuy có hành động phản bội với tình yêu của Mị Châu nhưng là do giữ lòng thủy chung với đất nước, lòng hiếu thảo với người cha... vì thế cũng cần thông cảm...".
Cuộc tranh luận đến hồi gay cấn, một bạn không ngại nói lớn: "Theo em, hắn là một con người vô cùng phức tạp, biết cách lấy lòng người khác và vì thế chúng ta không nên mắc lừa hắn mà trở thành những nạn nhân tiếp theo!". Không khí trong lớp nóng dần lên, một bạn phát biểu: "Trọng Thủy là một tên gián điệp chuyên nghiệp, bỉ ổi, các cô gái không nên bị những lời nói có vẻ tình nghĩa của hắn đánh lừa mà tha thứ cho hành động xấu xa của hắn!". Câu nhận xét không ngờ lại được chính các bạn gái "bình chọn" là "câu hay nhất và ý nghĩa" nhất trong tiết Văn ngày hôm đó.
Ý kiến phát biểu của các bạn không hề theo một lối mòn có sẵn mà hoàn toàn xuất phát từ cảm nhận riêng (có thể cảm nhận đó không được bạn khác đồng ý). Và cô giáo cũng nói về cảm nhận của cô theo hướng gợi ý chứ không hề áp đặt, bắt mọi người nghĩ rập khuôn. Đến khi chuông reo hết giờ, học sinh còn năn nỉ cô nán lại để tiếp tục tranh luận, điều hiếm thấy ở các môn học khác.
Giờ Văn gần đây nhất, khi học Tấm Cám, thấy nhân vật Tấm mỗi khi bị hai mẹ con gì ghẻ hiếp đáp liền ôm mặt khóc nức nở, một bạn nam liền nhận xét: "Tấm quá "mít ướt", chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mà không biết tự mình đối mặt với gian khó, chiến đấu để vượt qua thử thách...". Em thấy đó cũng là một ý kiến lạ, rất đáng suy ngẫm. Khi nghe cô giáo phân tích "những hành động của mẹ con Cám ngày càng gia tăng mức độ độc ác cũng chính là thể hiện họ đang bất lực trước sự cố gắng bền bỉ của Tấm", bỗng nhiên em cảm thấy một điều gì đó rất hay mà lâu nay em chưa hề nhận ra được.
Tất cả các tiết Văn như thế đã mang đến cho chúng em những điều thích thú, vì nó có nhiều nét riêng, đầy sự sáng tạo của tập thể mà không cần ôn bài cũng nhớ được rất lâu. Quả thật, đến bây giờ, chúng em - những học sinh chuyên Văn - mới thực sự cảm nhận được việc học Văn đã đem tới vô vàn kiến thức bổ ích về cuộc sống, sự phong phú về suy nghĩ, cảm nhận của từng người.
Cô giáo chúng em đã làm cho nhiều điều không chỉ tồn tại trong sách vở mà bước ra cuộc sống một cách sinh động. Hơn thế, chúng em còn nhận ra rằng, mỗi vấn đề đều có những cách nhìn nhận khác nhau, điều quan trọng là ta phải biết chọn lựa trong số đó cách nhìn đúng nhất, phù hợp nhất trong từng hoàn cảnh để biết cách giải quyết vấn đề cho đúng đắn.
Bây giờ thì cả lớp luôn chờ đợi đến tiết Văn. Và chúng em ước: Giá mà tiết học nào cũng để chúng em chờ đợi, giá tiết học nào cũng không cần ôn bài mà vẫn nhớ lâu như thế!
Nguyễn Vũ Hạnh Chi
(Lớp 10/16C - Trường THPT Phan Chu Trinh - Đà Nẵng)
Theo Thanh Niên