Thí sinh phía Nam:
“Chùn” bước trước trường top trên
(Dân trí) - Năm nay, xu thế chọn ngành, chọn trường của các sinh phía Nam có nhiều thay đổi đáng kể. Các trường “top” trên như Bách khoa, Ngoại thương, Khoa học tự nhiên TPHCM, Sư phạm… không thu hút nhiều thí sinh nữa.
Các Sở GD-ĐT phía Nam bàn giao hồ sơ cho các trường
Tư vấn tốt, hồ sơ “ảo” giảm
Có tổng cộng 31 Sở GD-ĐT có thí sinh đăng ký thi vào các trường tại khu vực phía Nam, trong đó 30 Sở bàn giao trực tiếp tại TPHCM, riêng Đà Nẵng nộp hồ sơ cho các trường qua đường bưu điện. Đánh giá sơ bộ, lượng hộ sơ năm nay giảm khá nhiều, như Đắk Lăk giảm tới 6.000 hồ sơ.
Sở GD-ĐT Tây Ninh cũng giảm hơn 3.000 hồ sơ so với năm ngoái, chỉ có 15.534 hồ sơ. Các thí sinh đăng ký nhiều nhất vào ĐH Nông Lâm với 1.761 hồ sơ, kế đến là ĐH Công nghiệp 1.485 hồ sơ. “Riêng hồ sơ ngành sư phạm ít hẳn, chỉ khoảng 441 hồ sơ, giảm đến 1/3. Lí do có thể các em nghe thông tin khối sư phạm cũng sẽ đóng học phí”, đại diện tỉnh Tây Ninh cho hay.
Lâm Đồng có số 32.970 hồ sơ, giảm 1.000 hồ sơ. Trong số đó thí sinh tại tỉnh này đăng ký vào trường ĐH Đà Lạt đến 5.500 hồ sơ; đáng chú ý là ĐH Công nghiệp cũng rất được chuộng, với 2.900 hồ sơ, tăng vọt gần gấp đôi năm ngoái.
Bình Dương cũng giảm 2.000 hồ sơ. Trường có lượng hồ sơ cao nhất là ĐH Nông Lâm: 2.158. Thí sinh đăng ký vào các trường “top” như Bách khoa, Ngoại thương đều giảm.
Hồ sơ dự thi của thí sinh các tỉnh Phú Yên, Tiền Giang, An Giang cũng giảm mạnh so với năm trước.
Theo lý giải của các Sở GD-ĐT, do công tác tư vấn tốt nên thí sinh chỉ nộp 2 hồ sơ là nhiều, có trường hợp chỉ đăng ký 1 hồ sơ phần nào cũng khẳng định trình độ của mình.
“Chuộng” trường địa phương
Năm nay, xu thế chọn ngành, chọn trường của các sinh phía Nam có nhiều thay đổi đáng kể. Các trường “top” trên như Bách khoa, Ngoại thương, Khoa học tự nhiên TPHCM, Sư phạm không thu hút nhiều thí sinh nữa. Thống kê ban đầu, hồ sơ đăng ký cho ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TPHCM) giảm gần nửa.
Ngược lại, các trường như ĐH Công nghiệp, ĐH Mở, ĐH Tôn Đức Thắng số hồ sơ tăng hơn năm trước. Sơ bộ, ĐH Công nghiệp đã có đến 61.000 hồ sơ, tăng gấp đôi năm 2008.
Các trường ĐH, CĐ đóng tại địa phương cũng bội thu hồ sơ. Tại TPHCM, tổng số hồ sơ là 149.441 nhưng trong số đó nộp vào ĐH Sài Gòn đến khoảng 14.000 bộ, gấp đôi năm ngoái. Ngoài ra, các trường như ĐH Mở, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Hoa Sen cũng thu hút nhiều thí sinh đăng ký.
Các địa phương khác cũng tương tự, dù lượng của học sinh Cần Thơ giảm hơn 3.000 so với năm 2008, nhưng trong hơn 28.700 hồ sơ ĐKDT của học sinh tại đây thì có đến trên 80% là vào trường ĐH Cần Thơ.
Còn ở Phú Yên, có đến hơn 2.000 hồ sơ đăng ký thi vào trường Cao đẳng xây dựng số 3 đóng trên địa bàn tỉnh. Hơn 10.000 bộ hồ sơ của thí sinh Đồng Tháp cũng đổ về ĐH Đồng Tháp…
Nhìn chung, đa phần các tỉnh ở khu vực ĐBSCL có lượng thí sinh nộp hồ sơ vào ĐH Cần Thơ khá cao. Tỉnh Vĩnh Long có tổng số 19.257 hồ sơ đăng ký thì trong đó đến 9.861 nộp vào ĐH Cần Thơ. Tương tự, tỉnh Kiên Giang cũng có số lượng hồ sơ đăng ký vào trường này với tỉ lệ đứng đầu.
Ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Năm nay xu hướng các em thí sinh cân nhắc rất kỹ cho việc chọn trường, chọn ngành. Các lí do các em chọn các trường địa phương như đi thi đỡ tốn kém, trong quá trình học cũng không phải tốn nhiều chi phí. Sau khi ra tốt nghiệp các bạn có thể công tác trực tiếp ngay tại địa phương. Chúng ta đang khuyến khích điều này”.
Lê Phương