Chữ viết thời @...

Hoài ngỡ ngàng không tin vào mắt mình khi nhìn những con chữ loằng ngoằng trên trang giấy. Nghĩ rằng chữ xấu do bút, Hoài bèn đi tìm một chiếc bút khác. Lần này, cô phát hiện ra mình đã quên mất cách cầm bút đúng quy tắc.

Là phóng viên, Hoài thường xuyên phải tiếp xúc với chữ nghĩa, giấy tờ. Nhưng, đi phỏng vấn đã có máy ghi âm, cần thì tốc ký . Về thì viết bài trên máy vi tính. Vậy nên, chữ viết của Hoài ngày càng xấu.

 

Làm việc chủ yếu trên máy tính, những người trẻ như Hoài đang mất dần thói quen viết chữ. Mọi công việc liên quan đến sổ sách, giấy tờ đều được đơn giản hoá trên máy. Nhiều  người lý luận, thời đại @ chỉ cần biết chữ để ký một cái tên tử tế là đủ, cần gì phân biệt xấu đẹp.

 

Hòa, sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin (ĐHBK Hà Nội), quản trị một diễn đàn tin học trên mạng cho biết: Cách đây 2 năm, trên diễn đàn của cậu đã bùng nổ cuộc tranh luận nảy lửa về sự cần thiết của chữ viết giữa thời @. Diễn đàn không chỉ thu hút dân công nghệ thông tin mà còn lôi kéo nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh sôi nổi tham gia  tranh luận mổ xẻ nguyên nhân của lối viết chữ cẩu thả, tuỳ tiện.

 

Hoà tâm sự: “Ngày xưa mình toàn được chọn viết và vẽ báo tường cho lớp. Mình còn biết viết nhiều kiểu chữ khác nhau, kiểu nào cũng đẹp”. Dùng máy vi tính một thời gian, Hoà phát hiện mỗi lần cầm bút rất ngượng tay, chữ méo mó, cẩu thả. Cậu đã mua vở tập viết về để sửa chữ nhưng không có kết quả. Bạn bè thì bảo Hoà “hoài cổ” vì thời nay, ngay cả đi xin việc, người ta cũng thích đọc một lá đơn đánh vi tính sạch đẹp chứ mấy ai muốn một bản viết tay "xoàng xĩnh".

 

Càng học, chữ càng xấu 

 

Nhiều phụ huynh cho rằng việc làm quen với bàn phím đã làm hỏng chữ của con cái họ. Thực tế, trẻ em bắt đầu đến trường đều được luyện cách ngồi, cách cầm bút, cách viết từng nét theo quy tắc chính tả. Nhưng sau một thời gian ngắn, hầu như chữ của các em ngày càng xấu đi.

 

Hồi còn nhỏ, Hoàng luôn được điểm cao nhất lớp  môn tập viết. Nhiều lần, Hoàng được chọn đi thi vở sạch chữ đẹp của huyện, được ông bà đem ra làm gương cho những đứa cháu viết  cẩu thả khác. Nhưng lên cấp 2, chữ Hoàng xấu dần và trở nên khó đọc, luôn bị cô giáo trừ điểm bài kiểm tra. Bố mẹ nhắc nhở thì Hoàng lý luận “Cấp 1 học có mỗi môn chính tả, lên cấp 2 vừa nhiều môn lại vừa nhiều bài thì con viết đẹp sao được”.

 

Hầu hết, các thầy cô dạy tiểu học đều rất khắt khe trong việc gò cho học sinh viết đúng quy tắc. Phụ huynh có con học vỡ lòng sẵn sàng chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm gia sư rèn chữ. Quảng cáo luyện chữ đẹp với đội ngũ giáo viên uy tín nhan nhản trên khắp các trang rao vặt. Nhưng, chỉ cần vượt cấp, trả lại môn chính tả cho thầy cô trường tiểu học, các em quên sạch những quy tắc về dấu phẩy, dấu móc, ô đội mũ, ơ có râu...

 

Cô Lê Thị Hương ( Phường Đông Thọ - TP.Thanh Hoá) , giáo viên Văn cấp 3 vừa nghỉ hưu, bức xúc: “Các thế hệ trước đây viết đẹp lắm, đâu như lớp trẻ bây giờ, trao đổi gì cũng bằng bàn phím. Mười năm gần đây, tôi dạy các lớp chọn Văn nhưng số em viết đẹp đếm trên đầu ngón tay, đa phần cẩu thả. Thú thật, tôi chỉ có thời gian kèm chữ cho con cháu trong nhà”.

 

Giáo viên phải đối diện với thực tế đó bởi học sinh đã biết đến một thứ tiện ích hơn chữ viết tay. Hơn nữa, ở nhà trường, chương trình  học luôn quá tải. Thầy cô chỉ cung cấp kiến thức là vừa hết thời gian, rồi nâng cao, mở rộng, rèn kỹ năng. Học sinh vừa nghe giảng, vừa chép bài. Nguyễn Văn Trung (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cho biết: “ Bọn em cố gắng nghĩ ra thật nhiều ký hiệu để viết tắt cho nhanh, biết chữ xấu nhưng nắn nót rèn chữ sợ bỏ sót lời giảng của cô”.

 

Theo Lê Ngọc Nhung
Vietnamnet