Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình
(Dân trí) - Chiều ngày 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM và dành hơn một tiếng đồng hồ nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên tiêu biểu của ĐH này về chủ đề “Vai trò của trường đại học đối với việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa trong tình hình mới”.
Chia sẻ với các sinh viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với chủ trương xây dựng hai ĐH Quốc gia, Nhà nước đã một lần nữa xác nhận vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục với sự phát triển của đất nước, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Quốc hội cũng cho rằng, tự chủ đại học là một đặc tính và yêu cầu tất yếu của một trường đại học trên cả 3 lĩnh vực chính là: hoạt động chuyên môn, khoa học; tổ chức nhân sự, bộ máy và hoạt động tài chính của đơn vị. Tự chủ là yêu cầu của quản trị của một cơ sở giáo dục và cần có một hành lang pháp lý, quản lý nhà nước phù hợp với chính cơ sở đó.
“Tự chủ nhưng không đồng nghĩa là buông bỏ vai trò quản lý của nhà nước, tự chủ về tài chính không có nghĩa là nhà nước buông không đầu tư đối với cơ sở ĐH. Tự chủ để tạo ra các nguồn thu để nâng cao chất lượng trong giảng dạy đào tạo để thu hút sinh viên chứ không phải nhà nước giao cho tự chủ rồi thôi. Tất nhiên có những đơn vị tự chủ hoàn toàn, một phần và cũng có những đơn vị tự chủ một phần lớn, một phần nhỏ, thay vào đó nhà nước sẽ đầu tư gián tiếp”, bà Ngân nói.
Bà Ngân cũng cho rằng, bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nguồn lực tuy rất quan trọng, nhưng không thể phát huy được sức mạnh, tiềm năng của ĐH nếu thiếu một cơ chế quản trị phù hợp. Ngân sách nhà nước có thể hạn chế, nhưng nguồn lực trong nhân dân là rất lớn, nếu chúng ta nhìn nhận tới nguồn tài chính mà người dân Việt Nam đang đổ ra cho con em đi du học và chi phí cho các trường quốc tế tại Việt Nam. Trong thực tế, nhiều tổ chức kinh tế ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục chất lượng cao nếu họ nhìn thấy khả năng thành công. Doanh nghiệp khi đầu tư thì dù phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận ít thì trước hết phải có lợi nhuận. Vấn đề còn lại là đầu tư lợi nhuận đó vào đâu.
Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh vấn đề cốt yếu nhất mà Nhà nước đóng vai trò quyết định chính là tạo ra một cơ chế quản trị, tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, hình thành một không gian đủ rộng cho các sáng kiến được thực hiện.
“Làm sao có thể tạo ra một môi trường giáo dục đại học phát triển, với các trường đại học đủ điều kiện theo những chuẩn mực quốc tế, thì vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là kiểm soát mà là xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy. Nhà nước giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy như thế nào chứ không phải chỉ đi vào kiểm soát. Phải tôn trọng những sáng kiến, sáng tạo của các trường ĐH và Nhà nước phải ban hành những tiêu chí, tiêu chuẩn và dựa vào đó xem các ĐH thực hiện đúng với chuẩn đó hay không”, người đứng đầu Quốc hội nói.
Nếu môi trường quản lý không tạo điều kiện để các trường đại học sáng tạo ở một mức độ tự chủ cần thiết, thì hoạt động của các trường sẽ hết sức khó khăn. Như vậy dù Nhà nước có đầu tư như thế nào, đầu tư thêm cho ĐHQG bao nhiêu đi nữa mà không tạo điều kiện để ĐHQG sáng tạo trong khuôn khổ thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Trong vài năm gần đây, sự ra đời quá nhiều trường đại học đã khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đào tạo. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải nhìn lại việc quản lý của nhà nước. Tự chủ đại học hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các cơ sở đào tạo ĐH phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của Nhà nước có một vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo một môi trường giáo dục đại học hiện đại, phát triển với các đại học đỉnh cao, chất lượng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Do các trường ĐH là nơi đào tạo, rèn luyện thế hệ trí thức trẻ cho đất nước, đội ngũ tương lai sẽ tham gia vào hệ thống nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), triển khai, thực thi và góp phần hoàn chỉnh hệ thống này. Vì vậy, đòi hỏi các trường đại học phải có các biện pháp giáo dục, giới thiệu cho các em sinh viên ngay từ những ngày còn trên ghế nhà trường để các em có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc về mô hình và nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền XHCN. Không chỉ là sinh viên các trường Luật, Kinh tế mới phải nắm khái niệm này, mà ngay cả trường khoa học, kỹ thuật hay sinh viên y khoa, quốc tế cũng cần phải nắm vững, vì ở vị trí nào, rồi thì các em đều tham gia vào hệ thống quản lý này, là người được tác động hoặc triển khai hoạt động của chính hệ thống nhà nước này.
Một góc độ khác về sự tham gia của các trường đại học vào xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là việc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học, thực tiễn về phát triển lý luận về nhà nước và pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhân đây, tôi xin đặt hàng với ĐHQG TPHCM nghiên cứu về nội dung này, về vai trò của Quốc hội với việc hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt nhất tổ chức đại diện dân cử của người dân, là cơ quan quyền lực của nhà nước.
Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM nêu ý kiến.
Trong phần trao đổi với sinh viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắn nhủ rằng: “Các cháu học tập không chỉ là học trong sách vở từ nhà trường, từ kiến thức thầy cô. Các cháu phải đọc sách, nghiên cứu khoa học, tất nhiên là tập trung nghiên cứu vào lĩnh vực mình đang học. Nhưng kiến thức chung, tổng quát của đời sống kinh tế xã hội rất là quan trọng. Các cháu nhớ rằng các cháu là tương lai của đất nước, biết đâu sau này là đại biểu Quốc hội, người giỏi về luật, làm việc trong lĩnh vực Nhà nước hoặc ngoài Nhà nước. Nhưng bất cứ lĩnh vực nào các cháu cũng phải am hiểu pháp luật, Trước hết, các cháu phải sống, học tập và tuân thủ pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật. Có hai điều cô muốn nói với sinh viên là nhiệm vụ phải lo học tập, đừng làm gì trái với quy định của pháp luật”.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, đến sinh viên ĐHQG TPHCM. Cũng trong buổi chiều 4/9, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với cán bộ chủ chốt của ĐHQG TPHCM để lắng nghe chia sẻ về phương hướng phát triển ĐH này trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng học bổng đến sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM.
Lê Phương