Chủ tịch Quốc hội: 4 yêu cầu đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
(Dân trí) - Phát biểu sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời 21 ý kiến chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đưa ra 4 yêu cầu với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta phải tiếp tục tiến hành thực hiện nghị quyết của Trung ương. Đây là một nghị quyết rất quan trọng, đổi mới căn bản, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trung ương đặt vấn đề căn bản, toàn diện có nghĩa là chúng ta nhìn vào chất lượng của ngành giáo dục, đào tạo của chúng ta còn rất nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình mới hiện nay. Dù đổi mới, nhưng chúng ta phải căn cứ vào truyền thống hiếu học của dân tộc ta, căn cứ vào truyền thống tôn sư, trọng đạo của ông cha và cũng căn cứ vào những thành quả của ngành giáo dục và những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục đất nước trong những chặng đường lịch sử vừa qua để chúng ta tiến hành đổi mới. Đổi mới căn bản toàn diện không có nghĩa là bỏ hết”.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Bộ GD-ĐT cũng đã đóng góp công sức rất lớn, tham mưu cho Trung ương thảo luận 3 kỳ họp mới ban hành được nghị quyết, có thể nói là một nghị quyết rất được lòng dân và cả đội ngũ trí thức, các thầy giáo, cô giáo rất hoan nghênh. Phiên chất vấn này cũng là một lần nữa Quốc hội thay mặt toàn dân đặt ra yêu cầu đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chính phủ, cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện tốt sự nghiệp này.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra 4 yêu cầu đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thực hiện từ nay tới cuối năm để báo cáo:
Thứ nhất, đến cuối năm nay Nghị quyết Trung ương có hiệu lực và có giá trị được 1 năm, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã có, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng đề án để đổi mới căn bản và toàn diện toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo. Kỳ họp cuối năm nay Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương, căn cứ vào tình hình thực hiện chương trình hành động của Chính phủ xây dựng một báo cáo toàn diện về việc triển khai thực hiện đề án đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục đào tạo để báo cáo Quốc hội.
Quốc hội chúng ta sẽ xem xét báo cáo đó và nếu cần chúng ta sẽ thảo luận một lần nữa về công tác tổ chức thực hiện quốc sách giáo dục hàng đầu này vào cuối năm nay.
Thứ hai, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gấp rút phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tiếp thu, hoàn thiện sửa đổi Luật dạy nghề, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên là Luật giáo dục nghề nghiệp, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm. Đây cũng là một nội dung rất quan trọng để thực hiện nghị quyết của Đảng, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
Thứ ba, đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, chương trình của Chính phủ, yêu cầu của các đại biểu Quốc hội và của toàn dân để sửa đổi Luật giáo dục theo đúng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã thông qua để sửa Luật giáo dục đại học, sửa Luật giáo dục nữa. Chúng ta sửa được Luật về giáo dục nghề nghiệp nữa thì có thể nói hệ thống luật pháp cho công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo đề án của Bộ GD-ĐT sẽ có giá trị pháp luật, đáp ứng thực tiễn trong phạm vi cả nước trong thời gian tới. Đây cũng là tinh thần để chúng ta thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ tư, tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa để trình với Quốc hội xem xét vào cuối năm nay. Tại sao đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa lại phải trình ra Quốc hội. Tôi nhớ báo cáo với đồng chí Bộ trưởng không phải là nghị quyết khóa X không có căn cứ đâu, nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 40, khóa X là căn cứ vào Luật giáo dục đối với những vấn đề quan trọng, căn bản ảnh hưởng đến toàn dân mà cần làm thì phải báo cáo xin ý kiến của Quốc hội quyết định, cho nên Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 40 để làm cho giai đoạn đổi mới sách giáo khoa lớn lắm.
Cho nên Quốc hội cho ý kiến chúng ta làm chương trình đó đến năm 2015 và lần này ban hành nghị quyết mới để tiếp tục thực hiện đến năm 2015, tổ chức thực hiện cho 2016 - 2020, sau 2021 mới có thể nói hoàn thiện được bộ sách giáo khoa và chương trình giáo dục mới. Nên đề nghị Bộ trưởng tiếp tục hoàn thiện nội dung đề án này, dự thảo một nghị quyết thật khả thi, thật tốt về nội dung, cả về tổ chức thực hiện để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Hồng Hạnh (ghi)