Chủ động, sẵn sàng ứng phó
Đồng tình với phương án trong dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia, lãnh đạo các Sở GD&ĐT miền núi phía Bắc cũng cho biết đã sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi quan trọng này.
Ông Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: Dự kiến xin thành lập cụm thi tỉnh
Về cơ bản, tôi đồng ý với các nội dung trong dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Những nội dung quan trọng của dự thảo đều hợp lý, như tổ chức cụm thi do các trường ĐH chủ trì, nới rộng thang điểm, quy định miễn thi ngoại ngữ…
Dự thảo cũng quy định thời gian thi sẽ lùi về đầu tháng 7. Việc kéo thời gian ôn thi chắc chắn giúp học sinh có nhiều hơn thời gian ôn tập, chuẩn bị kiến thức, tâm lý trước kỳ thi.
Tuy nhiên, nếu kéo dài thời gian như vậy, công tác chấm thi cũng cần tính toán để kịp thời cho các trường ĐH, CĐ làm công tác tuyển sinh.
Thêm nữa, tháng 7 cũng đúng mùa mưa bão, nên các địa bàn như Hà Giang phải tính toán, lên kế hoạch để có các biện pháp phòng chống, đối phó.
Tôi còn nhớ năm 2013, vào đúng ngày thi cuối cùng thì có mưa to, xe không thể đi được, phải gần 11, 12 giờ đêm các thầy cô mới ra được đến trung tâm.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Sở GD&ĐT Hà Giang đã lên tâm thế sẵn sàng, từ việc khảo sát học sinh; tổ chức ôn tập; chuẩn bị cơ sở vật chất, con người; lên kế hoạch phối hợp…
Đặc biệt, qua khảo sát số lượng học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đến 50% các em không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, với số lượng học sinh lớp 12 toàn tỉnh khoảng 6.000 em, thì có đến 3.000 thi chỉ để xét tốt nghiệp.
Với con số đó, Sở GD&ĐT dự kiến sẽ đề xuất với Bộ GD&ĐT cho tổ chức cụm thi tỉnh.
Năm nay, việc tổ chức thi cũng đặt vấn đề địa phương hỗ trợ thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp phương tiện đi lại. Thực ra, việc này với Hà Giang không mới. Từ những kỳ thi trước, các thí sinh thi tốt nghiệp của tỉnh cũng đã được địa phương hỗ trợ di chuyển đến các điểm thi.
Đặc biệt, nếu năm trước, thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều do gia đình tự lo thì năm nay, dù thi vào đầu tháng 7, nhưng các thí sinh vẫn thuộc sự quản lý của nhà trường (vì các em chưa tốt nghiệp).
Ông Hoàng Đức Minh - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu: Kiên quyết không làm theo hình thức
Tôi cho rằng, Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ ở thời điểm này là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chuẩn bị các phương án chi tiết phục vụ cho kỳ thi.
Đồng thời Dự thảo Quy chế lần này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn thể xã hội chung tay, góp sức tham gia phục vụ kỳ thi.
Riêng đối với Lai Châu, hiện chúng tôi đã bắt tay ngay vào một số công việc như: Xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, các phương án và kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là các trường đại học chủ trì kỳ thi tại khu vực có thí sinh của tỉnh tham gia.
Theo đó, ngoài việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi yêu cầu các trường thành lập các đội xung kích sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Ngoài ra, mỗi trường phải xây dựng đội ngũ đội giáo viên cốt cốt và sẵn sàng tham gia chấm thi nếu có nhu cầu trưng dụng.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh một cách nghiêm túc, bài bản kiên quyết không làm theo hình thức.
Theo Dự thảo Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được tổ chức vào đầu tháng 7/2015. Đây là thời điểm vào mùa mưa nên có thể xảy ra mưa to, gió lớn, lũ ống, lũ quét, gây sạt lở đất. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng phương án đối với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Qua nắm bắt từ cơ sở, tôi đã thấy có một số trường xây dựng kế hoạch: Thuê xe khác cho học sinh đến các cụm thi nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em và hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng bởi thời tiết đối với các em tham dự kỳ thi.