Nghệ An:
Chòng chành qua đò tới trường
(Dân trí) - Không có cầu nhưng trường học lại ở bên kia sông nên ngày ngày các em học sinh phải bất chấp hiểm nguy qua đò đến trường. Đó là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại hợp tác xã Hồng Sơn (Nam Thượng, Nam Đàn, Nghệ An).
Từ thị trấn Nam Đàn, chúng tôi men theo bìa rừng trên con đường ngoằn ngoèo đầy bùn và đá để tiếp cận bến đò Kia thuộc hợp tác xã (HTX) Hồng Sơn. Chỉ tay ra khoảng sông trước mặt, một người dân nơi đây cho biết: “Sông Lam đoạn ni tuy nhỏ nhưng có khi nước rất xiết. Độ sâu của sông về mùa cạn cũng ở mức 25m còn về mùa mưa, mùa lũ thì nước băng trắng như biển”. Dù nguy hiểm thế nhưng do không có cầu nên các em phải mạo hiểm qua đò bơi đến trường.
Chòng chành trên con đò hằng ngày chở khách sang sông, anh Nguyễn Văn Nam, một thanh niên đưa đò cho hay: “Nếu học sinh đi đường bộ thì phải men theo đường bìa rừng. Đó là con đường độc đạo để xuống thị trấn Nam Đàn rồi băng qua cầu Nam Đàn để đến lớp. Nói thì đơn giản thế nhưng chuyện đạp xe đi đường vòng là hơi khó vì khoảng cách đó không dưới 15km”.
Nam Thượng là xã thuộc diện nghèo, người dân ở phân tán trên cả hai bờ tả và hữu ngạn sông Lam. HTX Hồng Sơn bao gồm 3 xóm, tập trung 400 hộ nằm trên sườn núi và bị sông Lam ngăn cách với các trung tâm như UBND xã, trường học, trung tâm y tế xã… nên qua sông là điều “bất khả kháng”.
Hiện nay HTX Hồng Sơn có hơn 200 em học sinh tham gia học tập ở tất cả các cấp. Ngày nào cũng như ngày nào, việc đến trường của các em cứ đều đặn hai buổi sáng chiều. Những lúc nắng ráo thì không sao nhưng khi gặp mưa giông, gió giật thì việc qua đò cũng đồng nghĩa với việc đánh đổi tính mạng.
An toàn hơn, một số hộ dân đã quyết định cho con nghỉ học hoặc cho đi học theo đường bộ bằng xe đạp. Chị Nguyễn Thị Thắng, 45 tuổi, ngụ xóm 4 (Nam Thượng) nói: “Năm trước tui cho cháu đi học cấp 2 bên kia sông nhưng thấy nguy hiểm, sợ chuyện xấu xảy ra nên năm nay tui quyết định cho cháu đạp xe chạy đường vòng cho chắc. Mùa đông, thấy cháu phải lục đục thức dậy từ 4 giờ 30 để chuẩn bị đi học ca sáng mà thương!”.
Được biết, năm 2009 Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An đã lập danh sách và tặng mỗi em học sinh nơi đây một áo phao để phòng thân và UBND xã Nam Thượng đã hỗ trợ mỗi em học sinh 10.000 đồng để thuê đò. Tuy nhiên về độ an toàn đối với các em xem ra không khả quan.
Về biện pháp đảm bảo an toàn, ông Sơn cho hay: "Bến đò do xã trực tiếp quản lý, các chủ lái đò đều được quán triệt tối đa về ý thức trách nhiệm của mình. Trên đò đã được trang bị áo phao phòng hộ để đề phòng bất trắc. Còn các hiện tượng học sinh tự ý bơi đò qua sông chủ yếu là con em vạn đò, và chúng tôi sẽ trực tiếp tận các hộ gia đình để nhắc nhở...".
Minh Hậu - Cao Thái