Chọn SAT hay bạn gái?!
(Dân trí) - Câu hỏi thú vị của nam sinh 17 tuổi đang vô cùng… hoang mang vì được một bạn nữ đáng yêu tỏ tình vào đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng” chuẩn bị thi SAT được các diễn giả của Hội thảo du học VietAbroader giải đáp.
Bạn gái tỏ tình đúng chặng “tăng tốc” chuẩn bị thi chuẩn hóa
Ở phần tư vấn “Quá trình chuẩn bị hồ sơ apply” trong khuôn khổ Hội thảo du học “Cất cánh” do tổ chức truyền lửa du học VietAbroader tổ chức vừa qua tại Hà Nội, những thắc mắc về quá trình chuẩn bị hồ sơ, nộp đơn du học Mỹ được các diễn giả 9X tài năng đã chinh phục thành công các trường đại học hàng đầu Mỹ giải đáp cặn kẽ.
Một câu hỏi thú vị và chân thực đã “hâm nóng” hội thảo bằng những tiếng cười đến từ một chàng trai 17 tuổi đang quyết tâm chinh phục ước mơ du học Mỹ. Em hỏi: “Tháng 10 tới, em apply Early Decision (ED), em đang hết mình ôn thi SAT nhưng hôm qua một bạn nữ rất đáng yêu vừa tỏ tình với em, mà em lại cũng rất mến bạn ấy. Em cảm thấy rất hoang mang. Em biết bây giờ tương lai rất quan trọng nhưng em “FA” (cô đơn) 17 năm nay rồi và em sợ thi xong bạn ấy sẽ thích người khác mất. Vậy em nên chọn bạn ấy hay SAT đây ạ?”
Giải đáp thắc mắc của nam sinh này, cô bạn Lã Thị Tú Anh – một bạn trẻ năng động nổi bật của lớp 12 Anh 1 trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vừa giành học bổng đến New York University khuyên rằng, có bạn gái trong thời điểm vất vả này có thể là một điều tốt.
Cô nói: “Nếu mình, mình sẽ chọn có người yêu bởi mình cũng độc thân lâu quá rồi. Mình nghĩ quá trình apply là quá trình khó khăn khiến chúng ta rất mềm lòng, rất cần một điểm tựa. Mình đã chứng kiến nhiều bạn bè mình đã tìm được người bạn tâm giao trong quá trình apply và mình không nghĩ việc có người bạn đồng hành trong quá trình này điều xấu. Trái lại, nó có thể là điều tốt vì bạn có người chia sẻ, đồng hành chặng đường chuẩn bị hồ sơ gian nan”.
Ngược lại với quan điểm của Tú Anh, Phạm Việt Hà (Cựu học sinh chuyên Lý trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) – chàng trai vừa giành học bổng đến ĐH University of Virginia thận trọng đưa lời khuyên, hãy “buông đôi tay nhau ra” đến nam sinh đang phân vân giữa SAT và bạn gái.
Để thuyết phục, Việt Hà dí dỏm mượn những dòng thơ trong bài thơ “Đợi” của nhà thơ Vũ Quần Phương để “miêu tả” quá trình thi chuẩn hóa SAT đầy cam go.
“Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ”
Nam sinh này lý giải: “Đợi” là một chuyện, nhưng nói đến chuyện “lạ - quen” thì nhà thơ đã nhận ra: Nếu làm việc gì đó vài lần thì lạ cũng thành quen nhưng nếu quá nhiều thì quen cũng thành… lạ. Điều này có thể “áp dụng” vào việc thi SAT. Nếu bạn thi vài lần thôi thì rất ổn, điểm bạn sẽ tăng nhưng nếu bạn thi quá nhiều lần thì tâm lý sẽ càng hoang mang hơn và kết quả, điểm thi của bạn sẽ không được cao”.
Tú Anh khuyên chàng trai nên đồng ý lời tỏ tình của bạn nữ đáng yêu vì đó có thể là nguồn động viên tinh thần trong quá trình thi SAT gian nan.
Việt Hà nói tiếp: “Mình nghĩ đợt này em nam sinh 17 tuổi sẽ apply ED vào tháng 10 rồi thì đây là một trong những lần thi cuối cùng của em. Để tránh phân tâm và không phải thi lại nhiều lần nữa, mình nghĩ em tạm thời nên quyết định “buông đôi tay nhau ra”.
Kết lại, nam sinh 17 tuổi vẫn phải “cân đong đo đếm” giữa hai lựa chọn dựa theo 2 lời khuyên của hai diễn giả để đưa ra quyết định cuối cùng.
Đừng để kết quả apply định nghĩa con người bạn
Là một diễn giả của hội thảo, nữ du học sinh Hoàng Hải Linh (Sinh viên năm 2 trường Đại học Rice, Mỹ khóa 2019) khẳng định, việc apply đại học Mỹ là “cực kỳ vất vả, khổ sở, mệt mỏi với nhiều công đoạn, quá trình”. Ngoài giữ điểm phẩy trên lớp tốt, học sinh còn phải hoạt động ngoại khóa năng nổ, viết nhiều bài luận gửi các trường ĐH Mỹ, thi các chứng chỉ tiếng Anh và đặc biệt là vượt qua kì thi chuẩn hóa SAT.
Nhiều bạn trẻ có suy nghĩ rằng, chắc hẳn vất vả và khó khăn như vậy thì những anh chị từng đi du học phải giỏi rất giỏi, cực kỳ giỏi hoặc giàu, rất giàu, cực kỳ giàu? Để sáng tỏ thắc mắc đó, Hải Linh kể câu chuyện 29/35 bạn cùng lớp cấp 3 của mình đều được đi du học Mỹ và đa phần ở dạng học bổng. Cô loại trừ khả năng 35 bạn trên thuộc dạng con nhà giàu, cực giàu và họ cũng không phải những người có bộ não thiên tài.
Bản thân Hải Linh cũng tự nhận mình không phải dạng học giỏi top đầu trong lớp. Điểm chung mà tất cả những ai thành công với việc chinh phục giấc mơ du học Mỹ theo Hải Linh chính là một “quyết tâm vô cùng lớn”.
Phạm Việt Hà – chàng trai vừa giành học bổng đến ĐH University of Virginia, chia sẻ trong buổi hội thảo
Bản thân Hải Linh cũng đã nộp đơn đến 20 trường đại học tại Mỹ (số lượng trường tối đa trong một mùa apply của một thí sinh) và cô lần lượt nhận được 19 lời từ chối “phũ phàng” của 19 trường. Đó thực sự là quãng thời gian khó khăn và nhiều nước mắt khi tiếp nhận kết quả không như mong đợi. Bất ngờ, Đại học Rice với lá thư thông báo kết quả thứ 20 đã đền đáp công sức vất vả và biến giấc mơ du học Mỹ của Linh thành hiện thực.
“Đừng để kết quả định nghĩa con người bạn, bạn không được chọn không có nghĩa bạn là người thất bại. Quá trình apply còn có cả sự may rủi, hãy cố gắng hết sức có thể” là lời nhắn của cô bạn này tới các bạn trẻ.
Cô bạn La Thị Tú Anh cũng nhấn mạnh: “Lời khuyên mình nghĩ là đừng bao giờ so sánh bản thân với người bạn xung quanh. Có thể lúc này có bạn này điểm SAT cao hơn mình, lúc khác có bạn đạt giải cao hơn mình nhưng thực sự điều đó không quyết định bạn đó đỗ hay trượt. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng và mình khuyên mọi người hãy tập trung vào bản thân để cố gắng hết sức và không hối tiếc”.
Theo Tú Anh, không có công thức cụ thể nào khi apply đại học. Trường chọn người hơn là người học cho nên giữa hàng trăm hàng ngàn điểm số cao, điểm số không còn là tiêu chí để đánh giá nữa. Dù bạn có nền tảng tốt với điểm cao hay vô số hoạt động ngoại khóa nhưng điều đó không thể chắc chắn được bạn có thành công không.
Chàng trai Việt Hà bằng trải nghiệm của mình gửi lời khuyên: “Có rất nhiều mệt mỏi trong quá trình apply và mình mong các bạn hãy cố gắng. Bởi vì có rất nhiều đã trải qua, thành quả có được sau những cố gắng hết mình. Sự cố gắng luôn luôn là quan trọng nhất trong quá trình apply, không gì có thể bù lại điều đó cả. Và nếu trượt ED cũng đừng buồn, nó rất tệ nhưng không đến mức trời đất sụp đổ”.
Nữ du học sinh Hoàng Hải Linh nhắn nhủ bạn trẻ “đừng để kết quả apply định nghĩa con người bạn”.
Làm sao biết đi du học sẽ “lãi”?
Nói về vấn đề chi phí khi du học tại đất nước đắt đỏ như Mỹ, nữ du học sinh Hải Linh nhấn mạnh, vấn đề tài chính gia đình là điều mỗi người không thể thay đổi.
Bản thân cô nàng khi đi học tại Mỹ cũng phải chi trả 60.000 USD mỗi năm. Đây vốn là con số khá “khủng” so với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam. Nhưng Hải Linh cho rằng, đừng nghĩ bạn đang mất khoản tiền lớn, hãy nghĩ là bạn đang đầu tư dài hạn cho tương lai của chính bản thân mình. Hãy xem khoản tiền đắt đỏ bố mẹ chi trả cho việc du học là khoản bạn vay nợ bố mẹ để có động lực học tập thật chăm chỉ, thật tốt, sau này trả cả gốc lẫn lãi cho bố mẹ. Và cô nàng nhấn mạnh, khoản đầu tư tuy đắt nhưng hoàn toàn xứng đáng khi bạn sở hữu tấm bằng tốt nghiệp giá trị tại Mỹ cùng với đó là sự trưởng thành và trải nghiệm vô giá ở đất nước Hoa Kỳ.
Bằng câu chuyện bản thân và các câu chuyện được chứng kiến, Hải Linh muốn nhắn nhủ các bạn trẻ hãy vững tin với ước mơ du học của mình dù bạn “không giàu, không giỏi”. Cố gắng thật nhiều, du học là một cuộc đầu tư cho tương lai xứng đáng.
Lệ Thu
Ảnh: Trần Tùng Anh