Bạn đọc viết:
Chọn quà gì tặng thầy cô của con ngày 20/11?
(Dân trí) - Ngày 20/11 đang tới rất gần. Mọi người đã quá quen với việc những ngày này, phụ huynh "đau đầu" tìm cách tặng quà thầy cô, có người săn lùng hàng hiệu xách tay hoặc tìm mua những món quà độc đáo... để con mình được thầy cô để ý và quan tâm nâng đỡ.
Ai cũng mặc nhiên nghĩ đấy là điều đương nhiên, cả năm thầy cô dạy con mình, chỉ có dịp này tặng quà là ý nghĩa nhất. Tôi nghĩ điều ấy cũng rất đẹp nếu như phụ huynh không vin vào cớ này để chạy điểm, kiếm học bạ đẹp cho con. Sự quan tâm của thầy cô tới con em được đánh đổi bằng sự mặc cả ngầm, bằng rất nhiều cách ngoại giao của phụ huynh. Chẳng ai còn xa lạ việc phụ huynh trao đổi, hỏi han nhau về việc đi thăm thầy cô của con ra sao. Thậm chí, một vài người bạn của tôi dù đồng lương thực sự eo hẹp cũng cố gắng mua quà cáp đi thầy cô, để con mình không bị thầy cô “phớt lờ”.
Khi con tôi chưa đi học, tôi từng bức xúc khi nghe các cô, các chị kể chuyện. Tôi hỏi "Nếu em không đi thầy cô của con thì có sao không?", mọi người cười vào bảo "Con em đi học, em sẽ nghĩ khác, mình quan tâm tới thầy cô thì thầy cô mới quan tâm tới con mình, phụ huynh người ta đi hết, em có dám không đi không?" Dù chỉ cách trung tâm 5 km, phụ huynh có con em học trường làng, không ai đoái hoài tới việc đi phong bì thầy cô vì họ còn mải miết đi làm, đến học phí còn chậm nộp cho trường thì làm gì có quà biếu thầy cô. Chắc học sinh ở trường làng đều bị thầy cô ghét hết?
Nhưng đúng là phong trào chăm lo thầy cô vào dịp lễ 20/11 không đâu sôi nổi, rầm rộ như ở thành phố và các trường trung tâm huyện thị. Phụ huynh nào khó khăn cũng phải cố gắng mua tặng thầy cô giáo của con món quà nào đấy thì mới tạm yên tâm. Nhiều người còn nói những lời thực khó nghe: "20/11 là dịp thầy cô thu hoạch".
Con trai tôi đang học tiểu học, con gái nhỏ học mẫu giáo. Ngày 20/11, tôi mua cho con món quà nhỏ con tặng cô chủ nhiệm. Tôi nghĩ khi con lên cấp 2, tôi sẽ để con tự đi mua quà tặng thầy cô. Tôi luôn dặn con, có lẽ không món quà nào tặng thầy cô đẹp bằng việc con tự giác học hành, bớt nói chuyện riêng để tập trung nghe cô giảng bài. Dù con còn nhỏ, chuyện mẹ kể chắc gì con đã hiểu hết. Tôi kể cho con nghe về những người thầy năm xưa của mình, thầy cô yêu thương học trò ra sao và học trò đã phấn đấu học hành thành đạt để thầy cô tự hào, hạnh phúc.
Thế hệ chúng tôi may mắn được học nhiều thầy cô giỏi, luôn tận tâm với học trò. Thầy cô ngày ấy bình dị và gần gũi, luôn mong cho học sinh đỗ đạt, nên người. Bao năm xa cách, chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thầy cô với những bài giảng như rút ruột gan, gặp bài văn bài toán khó, thầy trò cùng chụm đầu tìm tòi đáp án. Tấm gương quên mình vì học sinh thân yêu của các thầy cô đã truyền sang chúng tôi nghị lực sống và làm việc say mê. Nhiều bạn bè tôi đã tiếp bước thầy cô, trở thành nhà giáo các trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 và giảng viên đại học.
Gặp nhau, bạn bè vẫn kể chuyện về thầy Hòa dạy Toán, thầy về hưu đã nhiều năm nhưng vẫn đứng lớp dạy miễn phí cho các cháu học sinh ở thôn xã. Thầy vẫn ở nếp nhà cũ bên giàn mướp trổ hoa, thầy vẫn mỉm cười nhân hậu đón học trò cũ tới thăm. Được là học trò của thầy, chúng tôi ai cũng cảm thấy mình thật may mắn.
Bạn tôi làm giáo viên cấp 3, bạn ấy khoe ảnh trên mạng xã hội, tấm bưu thiếp học trò tự làm với cảm nhận thật yêu thương, trân trọng. Bạn gần gũi, quan tâm học trò, sống ân cần chu đáo với mọi người. Khi bạn chuyển trường, học trò ngôi trường bạn từng giảng dạy mấy năm, em nào cũng nhớ cô với rất nhiều tâm trạng. Có em ra trường còn dặn em họ là nếu được vào lớp cô Q. dạy thì tuyệt lắm, vậy mà cô chuyển trường về gần nhà...
Mỹ Đức
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)