Bạn đọc viết:
Cho con rèn chữ trước khi vào lớp 1: Lợi bất cập hại
(Dân trí) - Việc cho trẻ đi học sớm đâu phải là tốt. Cứ để các bé phát triển tự nhiên. Cha mẹ cũng không nên lo lắng quá khi thấy con nhà người ta đi học trước. Khi trẻ vào lớp 1, chỉ cần cha mẹ đồng hành cùng con một thời gian là ổn.
Cạnh nhà tôi có hai cô bé sinh đôi năm 2013 rất dễ thương. Chiều nào đi học về các bé cũng chơi dưới giàn hoa giấy nhà tôi. Những tiếng cười, tiếng nói của chúng luôn rộn ràng cả xóm. Mong sao các bé mãi vui khỏe và hạnh phúc như thế.
Vậy nhưng mấy bữa nay ngõ nhà tôi im ắng hẳn. Buổi chiều tôi không thấy các cháu xuất hiện nữa. Tưởng có chuyện gì, tôi vội ghé nhà để hỏi thăm các bé.
Tiếp tôi là bà nội của hai bé. Sau khi trò chuyện hỏi han, bà các bé cho biết các cháu đi rèn chữ hết rồi. Bà tâm sự: "Sắp tới các cháu vào lớp 1. Vậy mà cả hai đứa chưa biết viết chữ. Cả nhà ai cũng lo lắng cho chúng. Chỉ sợ khi vào lớp 1, các cháu theo không kịp bạn bè. Bữa rồi tôi phải tới nhà một cô giáo về hưu để gửi gắm các cháu. Mong sao cô thương mà rèn các cháu cho nghiêm túc".
Khi biết chuyện, tôi bảo bà đừng lo lắng quá. Hãy để các cháu phát triển tự nhiên. Gia đình cũng không cần phải cho trẻ học trước. Học sớm tội nghiệp lũ nhỏ. Khi vào lớp 1, chỉ cần các cháu biết 24 chữ cái và nhận diện các số từ 1 đến 10 là an tâm rồi.
Vậy nhưng, bà nội các cháu vẫn giữ đúng quan điểm của mình. Nhất định các cháu phải học trước. Tôi đã từng chứng kiến cảnh cháu ngoại năm trước rồi. Cả nhà đến là khốn khổ vì nó. Ngày nào cuối giờ cũng bị cô giữ lại rèn chữ. Cả nhà gây lộn cũng vì chuyện học của thằng bé. Chưa kể lớp 1 bây giờ sĩ số rất đông, cô thì cứ dạy theo học sinh biết rồi. Ai không viết kịp sẽ bị cô rầy la, cô không cho ra chơi... Các bạn thì nhìn cháu mình như một học sinh cá biệt. Khổ lắm. Thôi thì cứ cho cháu học chữ trước cho an tâm.
Thực ra, trẻ học chữ trước lợi bất cập hại. Cái lợi trước mắt thì ai cũng thấy rõ. Đó là trẻ nhanh nhẹn, theo kịp chương trình cô dạy. Cha mẹ không phải lo lắng chuyện học hành của con. Chưa kể, cha mẹ được khen con học giỏi, tiếp thu nhanh... Tuy nhiên cái hại thì cũng không ít. Ép trẻ học sớm, các em thường sợ học. Rồi nhiều em biết đọc và viết sớm thì tỏ ra không còn hứng thú nghe cô giảng bài. Những em này thường hay tự cao, chủ quan trong học tập. Khi học cao hơn các em vẫn có thái độ đó. Thành thử kết quả học tập chưa chắc đã cao.
Bản thân là một giáo viên và từng có kinh nghiệm qua hai cậu con trai của mình nên tôi rất rõ cái hại của việc học trước. Nhớ đứa đầu tôi kiên quyết không cho con học trước. Khi vào lớp 1 thành ra bé đúng là không theo kịp bạn bè. Thế là ngày nào bé cũng bị cô giữ lại lớp để rèn chữ. Cô chê con viết chậm, tiếp thu bài cũng chậm. Thằng bé trở thành học sinh cá biệt. Nhiều hôm con còn xin tôi cho nghỉ học vì sợ.
Khi ấy cả nhà dồn vào mắng vốn tôi vì chuyện không cho con học trước. Cuối cùng tôi phải gác hết công chuyện lại để học tập cùng con. Mỗi ngày một ít, tôi vừa dạy vừa động viên con cố gắng. Thật may cuối lớp 1 năm ấy con cũng hoàn thành tốt chương trình học tập.
Rút kinh nghiệm đứa đầu, cậu thứ hai nhà tôi được cho đi học chữ sớm. Chưa vào lớp 1, con đã biết đọc, biết viết và làm được các phép tính đơn giản. Những ngày đầu đón con, tôi liên tục được cô khen con thông mình và học giỏi. Con còn được cô nhờ kiểm tra bài của các bạn. Khỏi phải nói, tôi vui và hạnh phúc thế nào.
Thế nhưng, mọi chuyện lại không như tôi nghĩ. Thằng bé được khen suốt dần có tâm lí chủ quan. Khi cô giảng, con không chú ý bài. Cái gì cũng “Con biết rồi ạ”. Giờ học thì quay sang các bạn nói chuyện. Làm bài thì nhanh và ẩu. Cuối năm học, kết quả của con không không cao hơn các bạn trong lớp.
Thế mới thấy, việc cho trẻ đi học sớm đâu phải là tốt. Cứ để các bé phát triển tự nhiên. Cha mẹ cũng không nên lo lắng quá khi thấy con nhà người ta đi học trước. Khi trẻ vào lớp 1, chỉ cần cha mẹ đồng hành cùng con một thời gian là ổn. Hãy tạo tâm thế thật vui vẻ, thoải mái cho con trước khi vào lớp 1 phụ huynh nhé.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!