Cho con học trường Tây

Khi quyết định cho con học mẫu giáo ở trường Colette theo chương trình giáo dục Pháp, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nó sẽ thông thạo tiếng Pháp như tiếng Việt. Nhưng tôi luôn bị bất ngờ.

1. Thằng bé lóng ngóng một hồi, cuối cùng chìa ra bức tranh: “Mẹ xem này, đây là đêm”. Tôi nhìn vào tờ giấy khổ A4, nhận ra một vòng tròn nhỏ màu trắng trên nền đen và một con mắt nhắm. Thằng bé giải thích: “Đây là trăng sáng. Con mắt nhắm vì là đêm, mọi người đi ngủ. Cô Masha chỉ con vẽ thế”.

 

Tôi ngớ người. Bức tranh khiến tôi chợt nhớ câu chuyện đầu tiên trong giờ văn đầu tiên ở cấp hai phổ thông. Ban giám khảo cuộc thi vẽ về đề tài “Ngôi chùa trong rừng sâu” đã chấm giải nhất cho bức tranh một chú tiểu đang lấy nước vào bình bên dòng suối len lỏi giữa bạt ngàn cây cối.

 

Và lời thầy: “Hãy chịu khó liên tưởng để tìm ra những khía cạnh thể hiện đề tài”. Bây giờ thằng bé mới bốn tuổi đã bắt đầu liên tưởng, thể hiện và khám phá…

 

Những ngày đầu đến trường, thằng bé không khóc như hai tháng trước đó ở một trường mầm non gần nhà. Thay vì khóc và níu áo mẹ, đến cổng trường nó xách cặp, dừng lại đợi mẹ cùng vào lớp. 

 

Ở Colette các em mẫu giáo được đối xử và dạy dỗ như những học sinh tiểu học. Điều này tạo cho chúng tính tự lập và cảm thấy mình “lớn”.

 

Tuần nào cũng có những giờ giao lưu, các anh chị lớp trên xuống chơi với tụi nhỏ, hướng dẫn chúng cắt vẽ, dán hình, tô màu, nhận mặt chữ và số. Trẻ con dạy trẻ con, đứa lớn truyền cho đứa nhỏ những gì đã học trước, biết trước, nên lũ trẻ như con tôi nhận biết thế giới xung quanh rất nhanh.

 

Mỗi bài học là một sự khám phá. Tôi còn nhớ bài “Con sâu trở thành con bướm” được thằng bé và các bạn học trong bốn tuần. Chúng chuẩn bị màu, giấy làm con sâu, vẽ và cắt các loại quả, tô con bướm... chúng thực hiện từng bước tỉ mỉ cùng với lời kể mỗi ngày dài thêm một chút của cô. Có vẻ như lũ trẻ đang tiến hành những thử nghiệm nho nhỏ. Người ta không đưa cho chúng những đáp số có sẵn, chúng phải lần mò để tìm ra những đáp số đó và bởi thế chúng nhớ, chúng hiểu tường tận. Thằng bé tiến bộ trông thấy.  

 

2. Nhưng rồi một bữa, tôi không còn ngạc nhiên mà đâm lo. Ấy là khi nhìn những bức ảnh Paris, nó nhận ra tháp Eiffel, sông Seine, nhưng khi tôi mang ra tấm ảnh hồ Gươm Hà Nội, nó làm lơ quay đi nơi khác vì không biết tên hồ. Học chữ cái, nó ghép chữ thành tên nước ngoài. Tôi lờ mờ hiểu rằng nó sẽ nói  được tiếng Việt, nhưng có thể không biết đọc, biết viết tiếng Việt.

 

Một phụ huynh có con học cùng lớp thằng bé chia sẻ nỗi lo của chị. Bây giờ chị thuê cô giáo dạy thêm tiếng Việt cho con ở nhà. Chị lên kế hoạch những năm sau phải dạy cho con văn học, lịch sử, địa lý Việt Nam. Tôi ớn lạnh khi nghĩ đến việc học thêm của thằng bé, có lẽ chẳng khác gì phụ đạo, nhồi nhét vào đầu học sinh như lâu nay các trường Việt Nam vẫn làm!

 

Nhưng nếu không cho con học thêm như chị phụ huynh kia, thằng bé có thể sẽ mất gốc bởi trong trường Colette và nhiều trường quốc tế, người ta dạy ngôn ngữ, văn hóa nước họ. Họ không có nghĩa vụ phải dạy tiếng Việt hay lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những trường như Colette dành chủ yếu cho con em người Pháp, các quốc tịch khác, học sinh người Việt rất ít. Cho con đi học trường Tây bởi vậy là cả một sự tính toán, lựa chọn khó khăn, chấp nhận hy sinh điều gì đó về tình cảm thật khó xác định ngay từ đầu.

 

Thằng bé học trường nước ngoài theo hệ thống giáo dục nước ngoài, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng của lối nghĩ, cách sống như người nước ngoài. Sau phổ thông, con đường gần như đã rõ là nó sẽ du học và khó có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra khi mà nó hội nhập cuộc sống nước ngoài dễ hơn trong nước. Liệu nó có trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp? Tôi không dám nghĩ xa hơn nữa…  

 

Theo Hải Long - Thời báo kinh tế Sài gòn